Những mặt hàng là quán quân giảm giá trong năm 2014

Xăng biến động từ mốc cao kỷ lục xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, gas giảm giá khoảng 150.000 đồng/bình 12 kg, trong khi giá điện, nước và cước viễn thông hầu như không đổi.

Những mặt hàng là quán quân giảm giá trong năm 2014

Năm 2014 sắp khép lại được đánh dấu là một trong những giai đoạn lạm phát Việt Nam tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Giá nhiên liệu toàn thế giới biến động bất thường khi tăng cao trong thời điểm đầu năm rồi hạ nhiệt nhanh chóng vào những tháng cuối, tạo nên bức tranh đồng điệu của giá xăng dầu và giá gas, trong khi các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác lại hầu như không có sự biến động đáng kể nào.

Giá xăng: Từ cao kỷ lục đến thấp nhất trong 4 năm

Đạt mốc cao nhất trong lịch sử vào ngày 7/7, khi niêm yết tại mức 25.640 đồng, giá xăng năm 2014 đã tăng tới 3,66 lần so với thời điểm cách đây 10 năm. So với đầu năm, giá xăng khi ấy đã được điều chỉnh tăng 5 lần, với chênh lệch 1.430 đồng/lít.

Xăng là mặt hàng có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong năm 2014. Ảnh: Nguyễn Quang.
Xăng là mặt hàng có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong năm 2014. Ảnh: Nguyễn Quang.

Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm đạt mốc kỷ lục, giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm, với tần suất 2-3 lần/tháng. Lần giảm gần nhất cũng là lần điều chỉnh mạnh nhất của xăng theo xu hướng giảm giá mạnh mẽ của thế giới, đã đưa giá xăng trong nước chỉ còn 17.880 đồng/lít, mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Như vậy, qua 12 lần giảm giá liên tiếp, mặt hàng này đã giảm 6.330 đồng/lít so với cuối năm 2013. Nếu theo đúng chu kỳ điều chỉnh của nghị định 83 về quản lý và kinh doanh xăng dầu, mức giá này sẽ được giữ nguyên cho đến đầu năm 2015.

Giá gas: Mỗi tháng điều chỉnh 1 lần, chốt năm giảm 25%

Cùng với giá nhiên liệu, thị trường khí đốt trong nước năm 2014 cũng có nhiều lần điều chỉnh tăng giảm trái chiều. Mỗi tháng giá được điều chỉnh một lần, nhưng nhờ xu thế giảm là chủ đạo, gas đã từ mức cao nhất 443.000 đồng/bình 12 kg (tháng 1/2014) xuống còn 328.000 đồng (tháng 12/2014), tương đương mức giảm khoảng 25%.

Giá gas có một năm giảm sâu sau khi từng tăng lên mức gần nửa triệu đồng/bình 12kg trong năm 2013. Ảnh: Chất lượng Việt Nam.
Giá gas có một năm giảm sâu sau khi từng tăng lên mức gần nửa triệu đồng/bình 12kg trong năm 2013. Ảnh: Chất lượng Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2014, giá gas tăng trong 4 tháng, gồm tháng 5, tháng 7 và tháng 10, với tổng mức tăng là 17.000 đồng đối với bình 12kg. Ở chiều ngược lại, với 9 tháng điều chỉnh giảm, trong đó có 2 tháng giảm tới 40.000 đồng/bình, giá gas đã hạ tổng cộng 132.000 đồng/bình 12 kg.

Giống như xăng dầu, gas hiện là mặt hàng Việt Nam chưa chủ động được phần lớn nguồn cung, khi 60% nhu cầu trong nước vẫn phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu biến động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá gas.

Giá điện, nước, viễn thông: Một năm bình yên

Khác với bức tranh nhiều màu của giá xăng và gas, ba mặt hàng thiết yếu khác là điện, nước, viễn thông có một năm khá yên ắng. Tăng giá theo đúng lộ trình vào ngày 1/10 trong giai đoạn 2013-2015, năm nay, giá nước sạch sinh hoạt tăng nhẹ trên toàn bộ khung, với mức điều chỉnh từ 848 đồng đến 2.750 đồng. Theo lãnh đạo công ty nước sạch, việc tăng giá theo lộ trình 3 năm được xem là nhằm "không tạo nên cú sốc giá với người tiêu dùng".

Trong khi đó, giá bán điện bình quân trong năm 2014 không thay đổi, vẫn ở mức 1.508,85 đồng/KWh. Tuy nhiên, biểu giá điện đã thay đổi từ tháng 6, thay vì 7 bậc thì nay chỉ còn 6 bậc lũy tiến, trong đó, bậc dành riêng cho hộ nghèo (từ 0-50KWh) được gỡ bỏ. 

Đến tháng 12, thông tin về việc tâp đoàn Điện lực có thể tăng giá bán điện khoảng 9,5%, nhằm "có lãi để trả nợ" đã khiến nhiều người dân lo lắng.

Giá cước viễn thông vãn giữ ổn định trong suốt 5 năm qua. Ảnh: V.N.
Giá cước viễn thông vãn giữ ổn định trong suốt 5 năm qua. Ảnh: V.N.

Ngược lại với kế hoạch tăng giá bán điện, trong tháng cuối năm, một nhà mạng đã có kiến nghị giảm giá cước di động. Theo đó, cước di động nội mạng và ngoại mạng được xin về cơ chế một giá, nhằm theo kịp với sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, nhưng hiện chưa được áp dụng.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ