Những lý do nên bỏ thủ tục cấp bằng tốt nghiệp THCS

GD&TĐ - Dự kiến giao Hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Học sinh Trường THCS Lưu Văn Mót nhận bằng trong lễ tốt nghiệp.
Học sinh Trường THCS Lưu Văn Mót nhận bằng trong lễ tốt nghiệp.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Khẳng định sửa đổi này là phù hợp, cần thiết, ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Văn Mót (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) đưa ra những lý do như sau:

Thứ nhất, Hiệu trưởng là người nắm rõ nhất quá trình học tập của học sinh. Cụ thể, Hiệu trưởng thông qua giáo viên và các bộ phận quản lý của nhà trường có cái nhìn tổng quan và chi tiết về quá trình học tập, rèn luyện, sự tiến bộ của từng học sinh trong suốt 4 năm THCS.

Với đầy đủ thông tin từ học bạ, nhận xét của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, kết quả các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ, việc xác nhận hoàn thành chương trình học sẽ hợp lý và sát thực tế.

Thứ hai, phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục. Luật Giáo dục 2019 và chủ trương hiện nay đều nhấn mạnh việc phân quyền cho các cơ sở giáo dục, tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Giao quyền xác nhận cho Hiệu trưởng sẽ giảm tải cho cơ quan quản lý cấp trên, đẩy mạnh quản trị nhà trường hiện đại và trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, giảm thủ tục, thuận lợi cho học sinh và nhà trường. Việc bỏ thủ tục cấp bằng tốt nghiệp THCS giúp giảm tải đáng kể khối lượng công việc hành chính cho cả nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. Nhà trường có thể chủ động hơn trong việc xác nhận và học sinh cũng không cần chờ đợi các thủ tục hành chính phức tạp; từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.

Thứ tư, tăng tính minh bạch, trách nhiệm và giám sát tại cơ sở. Khi Hiệu trưởng được giao quyền xác nhận học bạ, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của việc xác nhận. Điều này nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong đảm bảo chất lượng giáo dục và đánh giá học sinh một cách công bằng, minh bạch.

“Có thể nói, việc giao quyền xác nhận hoàn thành chương trình THCS cho Hiệu trưởng thông qua học bạ mang lại nhiều thuận lợi cụ thể cho cả nhà trường và người học.

Cụ thể, với nhà trường sẽ giảm gánh nặng hành chính; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm; đơn giản hóa công tác quản lý; linh hoạt hơn trong việc đánh giá học sinh; dễ dàng hơn trong việc theo dõi và đánh giá chất lượng giáo dục.

Với người học sẽ tiết kiệm thời gian và công sức; phản ánh đúng năng lực thực chất; thuận tiện khi sử dụng và giảm áp lực tâm lý”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Cùng quan điểm, ông Giang Ngọc Ảnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã cho thực hiện xác nhận học bạ điện tử; có phần "Giấy xác nhận hoàn thành chương trình THCS" trên các phần mềm quản lý như SMAS hoặc cơ sở dữ liệu ngành; có thể chuyển file xác nhận điện tử cho người học. Việc số hóa giúp người học thuận lợi khi nộp hồ sơ, lưu trữ hồ sơ khi dùng sau này.

Tuy nhiên, ông Giang Ngọc Ảnh đề xuất, nên thay việc xác nhận vào học bạ bằng việc Hiệu trưởng cấp Giấy xác nhận (bản ký dấu đỏ trực tiếp học bản ký số); nhằm thuận lợi cho học sinh khi làm các thủ tục học tiếp, hoặc các công việc cần có xác nhận hoàn thành chương trình THCS.

Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS qua học bạ là giải pháp hợp lý, vừa giảm áp lực hành chính cho nhà trường, vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhẹ nhàng hơn cho người học, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng THCS Lưu Văn Mót

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ