Các bệnh lý dễ gặp sau tai biến
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não (TBMMN) gây ra nhiều biến chứng đa tàn tật như tàn tật về vận động, tàn tật về cảm giác, tàn tật giác quan, tàn tật ngôn ngữ… Sau tai biến rất dễ gặp phải một số bệnh lý như:
Suy hô hấp cấp, viêm phổi cấp
Trong vài tuần đầu sau TBMMN, bệnh nhân thường tăng tiết đờm rãi. Do thiếu khả năng ho khạc, nên dễ bị ùn tắc đờm rãi làm bít tắc đường thở và gây ra suy hô hấp cấp, có thể tử vong.
Cần chú ý làm thông đường thở bằng lau hút đờm rãi, bù đủ nước để tránh đờm rãi bị đặc quánh. Từ tuần thứ 2 trở đi, mỗi ngày nên vỗ rung lồng ngực 1-2 lần để làm long đờm, cần thiết cho người bệnh sử dụng thuốc long đờm. Sau vỗ rung để người bệnh nằm sấp 30 phút để dẫn lưu các phân thùy phổi phía sau.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh do nằm lâu dịch phế quản bị ứ đọng, lưu thông đường thở kém dễ viêm phổi cấp. Để đề phòng, hằng ngày cần vỗ, rung lồng ngực để làm long đờm, sau đó cho bệnh nhân nằm sấp 30 phút để dẫn lưu phân thùy phổi phía sau. Đặc biệt lưu ý, bệnh nhân dễ bị sặc khi cho ăn hoặc uống, thức ăn hoặc nước lọt vào phế quản, có thể gây suy hô hấp cấp, viêm phổi, hoặc tử vong.
Viêm đường tiết niệu
Những ngày đầu sau tai biến, bệnh nhân thường bị bí đái và thường phải thông, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất cao. Thực tế cho thấy, người bệnh khi phải thông tiểu đến 3 lần trở lên, đa phần bị nhiễm khuẩn tiết niệu do ống thông đẩy ngược vi khuẩn từ niệu đạo vào bàng quang. Viêm bàng quang có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng làm viêm bể thận - thận cấp hoặc viêm bể thận - thận mạn tính, lâu dần gây suy thận mạn.
Loét do đè ép
Người bị tai biến khó trở mình được nên những chỗ bị đè ép sẽ thiếu nuôi dưỡng và bị loét. Nhất là các vùng cùng cụt, hông, gót chân, mắt cá ngoài, bả vai, gáy... Bởi vậy, nên cho họ dùng đệm hơi hoặc đệm nước, không để cao su của đệm tiếp xúc trực tiếp với da. Sau mỗi 30 phút - 1 giờ, người nhà hỗ trợ để họ trở mình một lần. Vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm, thấm khô, xoa bột tan, điều trị tia hồng ngoại hoặc túi nhiệt để tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng.
Cứng khớp, teo cơ
Người bệnh nếu không được tập vận động sớm, các khớp như cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ tay sẽ bị cứng. Cứng khớp sẽ cản trở cho phục hồi chức năng vận động của bệnh nhân về sau. Ngoài ra, các cơ thường bị teo và yếu cơ do bất động lâu kể cả các cơ ở nửa người bên không liệt. Việc tập phục hồi chức năng vận động sớm cho bệnh nhân là rất quan trọng.
Nhiều người còn đau khớp vai bên liệt, nhất là những bệnh nhân liệt mềm kéo dài, do đặt tư thế bệnh nhân không đúng. Đau khớp vai thường là do viêm quanh khớp vai, không phải do tổn thương xương hoặc khớp.
Lưu ý khi chăm sóc người tai biến tại nhà
Sau tai biến được phục hồi chức năng tốt, hầu hết bệnh nhân có thể tự đi lại được, tự phục vụ được mình, không lệ thuộc hoặc chỉ cần hỗ trợ một phần.
Việc chăm sóc người bệnh tại nhà cũng rất quan trọng góp phần giúp người bệnh sớm phục hồi. Trong quá trình chăm sóc người tai biến tại nhà cần lưu ý một số điều sau:
Bố trí giường nằm trong nhà
Chỗ nằm cho người bệnh cần thoáng, mát vào mùa hè, tránh gió lùa vào mùa đông. Giường nên có đệm hơi hoặc đệm nước để đề phòng loét, nếu không có dùng giường tre cũng tốt. Giường không nên quá cao, không nên kê sát tường vì trở ngại cho người phục vụ và chăm sóc.
Trường hợp bệnh nhân không tỉnh hoàn toàn cần có thanh chắn hai bên giường để đề phòng ngã. Tư thế nằm để phía bên liệt quay ra ngoài về phía các vật dụng sinh hoạt để tạo điều kiện cho bệnh nhân cố gắng sử dụng bên liệt.
Các dụng cụ trợ giúp tập luyện hồi phục chức năng như thanh song song làm bằng tre hoặc gỗ được cố định vững chắc, nạng nách, cây chống bốn chân, gậy chống có đầu bịt cao su để chống trơn trượt, giày dép đi trong nhà không trơn.
Nên có máy đo huyết áp để thường xuyên kiểm tra
Kiểm tra huyết áp, huyết áp bình thường cần duy trì là: Huyết áp tâm thu 90 – 140mmHg, huyết áp tâm trương 60-90mmHg. Nếu thấy huyết áp tâm thu trên 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg là tăng huyết áp. Nếu huyết áp tâm thu dưới 90mmHg là huyết áp thấp.
Khi thấy huyết áp tăng hoặc hạ cần có tư vấn của y, bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường. Cần đo huyết áp sau khi bệnh nhân nằm nghỉ ít nhất 15 phút, không đo khi bệnh nhân mới vận động chưa nghỉ ngơi.
Theo dõi hô hấp
Bình thường, người lớn có tần số thở từ 15- 20 nhịp/ phút, khi tần số thở trên 25 nhịp/phút là nhịp thở nhanh, dưới 10 nhịp/phút là nhịp thở chậm. Tiếng thở phải êm, đều, nếu thở nhanh hoặc chậm, thở khò khè, có tiếng rít hay không đều là biểu hiện của bệnh lý hô hấp. Lúc này cần mời bác sĩ khám để phát hiện sớm bệnh lý hô hấp và điều trị triệt để phòng bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong.
Kiểm tra nhiễm khuẩn:
Theo dõi nước tiểu nếu có đái rắt, đái buốt, đái đục là biểu hiện của nhiễm khuẩn nước tiểu. Cần làm xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu ít nhất mỗi tháng một lần hoặc khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn như ho, sốt nhằm phát hiện sớm và có hướng điều trị.
Về chế độ ăn uống
Cần đảm bảo chế độ ăn cân đối đủ vitamin, các khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như: Cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Cần cho bệnh nhân ăn nhiều rau và hoa quả để chống táo bón. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích như rượu, bia, chè đặc, cà phê; hạn chế dùng muối nếu người bệnh bị tăng huyết áp. Khi cho ăn cần một ít một, từ từ để tránh bị sặc vì người bệnh tai biến thường bị liệt dây thanh âm và các cơ vùng hầu họng.
Với người bệnh vẫn phải nuôi ăn qua ống thông mũi, dạ dày, chia đều lượng thực phẩm và cho ăn ít nhất 5 bữa ăn/ngày. Khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2 đến 3 giờ tùy theo số lượng mỗi lần ăn. Nếu người bệnh nôn, đầy bụng phải giảm khối lượng bữa ăn, giảm tốc độ khi cho ăn.
Cần kiểm tra cân nặng mỗi tháng một vài lần nhằm duy trì chỉ số cơ thể ở mức 18,5 – dưới 25kg/m2. Cách tính BMI bằng lấy cân nặng chia cho bình phương của chiều cao.