Những lưu ý khi bạn để con ở nhà một mình

Nếu không thể thông báo trước cho con biết bố mẹ đi vắng, hãy gọi điện về nhà thường xuyên để trấn an tinh thần con.

Những lưu ý khi bạn để con ở nhà một mình

Để trẻ ở nhà một mình là tình huống bất đắc dĩ khi bố mẹ có việc phải ra khỏi nhà gấp mà không thể nhờ ai trông hộ con. Với những bé hay nghịch ngợm, hiếu động, việc để con ở nhà một mình như vậy luôn làm bố mẹ lo lắng về tai nạn có thể xảy ra. 

Chị Thu Phương, một bà mẹ có 2 con đang lứa tuổi mẫu giáo ở quận Long Biên chia sẻ, năm ngoái, do gia đình có người bị tai nạn trong tình trạng nguy kịch, chồng chị lại đang đi công tác nên chị buộc phải khóa cửa "nhốt" 2 đứa con trong nhà nửa ngày để chạy vào bệnh viện lo cho người nhà. 

Mặc dù để hai con nhỏ ở lại nhà một mình nhưng chị Phương khá yên tâm vì đã làm những việc sau để tránh các rủi ro cho các con.

1. Dặn dò con trước khi đi vắng

Dù có việc ra khỏi nhà khẩn cấp thì bố mẹ cũng phải thông báo cho các con và dự kiến thời gian sẽ quay trở về. Trường hợp các con đang ngủ, nếu con đã biết đọc thì viết giấy để gần nơi con ngủ. 

Còn nếu các con chưa biết đọc, hãy đánh thức con để nói cho con biết. Bởi nếu khi con thức dậy, không thấy bố mẹ đâu sẽ hoang mang, sợ hãi rồi gào khóc, làm ảnh hưởng đến tinh thần của các con.

2. Thường xuyên gọi điện về nhà cho con

Trường hợp chưa thể báo cho các con về việc mình ra khỏi nhà, bố mẹ nên tìm cách gọi điện về nhà nói cho con biết. Nếu sau đó chưa thể về nhà được, bố mẹ hãy thường xuyên gọi điện để hỏi han tình hình và trấn an tinh thần các con.

3. Dạy con học thuộc số điện thoại của người thân

Nhiều bố mẹ có thói quen dạy cho con học thuộc lòng số điện thoại của mọi người trong gia đình để trong những trường hợp khẩn cấp, con có thể gọi điện hoặc nhờ người gọi điện cho bố mẹ. 

Thói quen này rất có ích ngay cả trong trường hợp con phải ở nhà một mình, nếu con cần tìm bố mẹ, con có thể chủ động gọi điện cho bố mẹ và người thân để có thể đến giúp.

 Trẻ thường hiếu động, tò mò nên khi để trẻ ở nhà một mình, bố mẹ cần chắc chắn trẻ được an toàn. Ảnh: Sahm.

Trẻ thường hiếu động, tò mò nên khi để trẻ ở nhà một mình, bố mẹ cần chắc chắn trẻ được an toàn. Ảnh: Sahm.

4. Đảm bảo khóa các van của bếp ga, các thiết bị điện 

Các bố mẹ nên có thói quen khóa các van bếp ga hoặc khóa tủ bếp ngay sau khi sử dụng. Đối với các thiết bị điện có thể gây nguy hiểm cho trẻ, bố mẹ lưu ý để nơi cao và tắt công tắc. 

Có trẻ hiếu động và tò mò nhưng không dám nghịch khi có bố mẹ ở nhà nên khi được ở nhà một mình, chúng sẽ tha hồ tung hoành nghịch ngợm. Để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra với con, bố mẹ nên có thói quen "tắt khi không sử dụng".

5. Đảm bảo khóa cửa ban công, đóng cửa sổ

Với những gia đình ở chung cư cao tầng, nhà từ tầng 2 trở lên, bố mẹ buộc phải nhớ khóa cửa ban công và cửa sổ nếu ban công, cửa sổ không làm lồng sắt lưới mắt nhỏ. 

Đã có những tai nạn đáng tiếc khi trẻ nghịch ngợm và lọt qua song sắt của ban công, song sắt cửa sổ. Do vậy, dù trong trường hợp khẩn cấp, bố mẹ cũng đừng quên  khóa cửa ban công và đóng cửa sổ.

6. Không để các vật dụng trẻ có thể leo trèo

Ngoài việc tránh để những vật dụng nguy hiểm như dao kéo, các hóa chất, đồ dễ vỡ gần tầm tay của trẻ, bố mẹ cần lưu ý việc để các vật dụng trẻ có thể bám vào và leo trèo lên xuống. 

Theo chia sẻ của chị Phượng, nhiều nhà ở chung cư cao tầng, do lan can ngoài ban công khá cao so với chiều cao của trẻ nên bố mẹ chủ quan rằng con mình không thể trèo lên được. 

Tuy nhiên, các bố mẹ nên lưu ý rằng, trẻ con có thể trèo lên được ban công cao như vậy nếu gia đình sơ ý có một chiếc ghế ở ngoài ban công để treo quần áo. Trong trường hợp này, nếu trẻ hiếu động có thể trèo lên ghế, bám vào thành ban công để ngó xuống sân rất nguy hiểm.

Theo Ngôi Sao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ