Những lớp học thêm “không mất đồng nào"

GD&TĐ - 7 giờ tối, tiếng học sinh í ới gọi nhau đến trường học. Những lớp học “ca 3” này được bắt đầu từ 19h30 đến 21h30.

Đến với "lớp học ban đêm", các em được giáo viên kèm cặp, phụ đạo nhiệt tình
Đến với "lớp học ban đêm", các em được giáo viên kèm cặp, phụ đạo nhiệt tình

Từ chỗ chưa thích nghi và có phần gò bó, áp lực, thì nay lớp học đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật không thể thiếu của thầy và trò nơi vùng cao Mường Chà (Điện Biên)

Lớp học ban đêm

7h tối, tiếng gọi nhau í ới đến trường của học sinh. Sau đó là nườm nượp từng nhóm các em cắp cặp đến trường.

- Sao các em đi học vào giờ này? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

Lý A Của – Một trong số các nhóm học sinh bẽn lẽn trả lời: Sắp thi tốt nghiệp rồi, chúng em đến trường học cho hiệu quả. 

Thì ra là học sinh lớp 12 Trường THPT Mường Chà. "Học tối thế này thì bao nhiêu tiền một buổi?" – Tôi hỏi.

Cả nhóm xôn xao, rì rầm, to nhỏ với nhau. Rồi thấy vẻ mặt có phần nghiêm trọng của tôi khi hỏi về học phí, cả nhóm cười ồ lên rồi chạy rào rào như đàn ong vỡ tổ. Trong lúc chạy, một học sinh còn nói với lại: Chúng em không mất đồng nào đâu!

Lý Thị Loan tâm sự: Lớp học đặc biệt này đã tạo động lực để chúng em thi đua trong học tập.
 Lý Thị Loan  tâm sự: Lớp học đặc biệt này đã tạo động lực để chúng em thi đua trong học tập.

Ngạc nhiên và tò mò, tôi tìm đến Trường THPT Mường Chà để tìm hiểu thực hư câu chuyện.

Thì ra không chỉ có lớp 12 mới đến học buổi tối mà còn rất đông học sinh lớp 10 và lớp 11 cũng đến đây học tập. Các lớp học đèn điện sáng trắng, quạt trần bật hết công suất, thoáng mát, học sinh học tập chăm chú, hăng say.

Cô Đặng Kim Liên – Hiệu trưởng - cho biết: Hiện nhà trường có 857 học sinh đang theo học nhưng có tới hơn 90% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là học sinh người dân tộc Mông.

Các em đến từ các bản vùng sâu, vùng xa trong huyện. Có em nhà cách trường hơn 100 cây số (như các xã: Pa Ham; Nà Khoa; Phìn Hồ….) hoàn cảnh gia đình hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo phải trọ học hoặc tự làm nhà ở để theo học.

Dù ở khu nội trú hay là ở trọ nhà dân thì nơi ở của các em đều thiếu ánh sáng, phòng hẹp lại ở đông người nên càng chật chội và nóng bức, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nắng nóng như thế này.

Xuất phát từ thực tế khách quan trên, những lớp học buổi tối của nhà trường đã được mở ra, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Hơn nữa đây cũng là cách để nhà trường quản lý việc ăn ở, đi lại, học tập của các em.

Theo quy định, từ 19 giờ 30 đến 21 giờ30, học sinh có mặt ở trường để làm bài tập về nhà và ôn bài cũ dưới sự quản lý của các thầy, cô giáo chủ nhiệm, Đoàn thanh niên. Riêng khối 12 chúng tôi khuyến khích, động viên 100% học sinh đến học đầy đủ.

Trả lời cho thắc mắc về việc đóng góp từ gia đình học sinh thế nào để bù cho những khoản chi nhà trường bỏ ra, cô Liên cười, nhẹ nhàng nói: “Cơm các em còn chưa đủ ăn, nói gì đến việc yêu cầu các em đóng góp. Các em không phải đóng bất cứ một khoản nào cho nhà trường từ việc học buổi tối. Chúng tôi muốn các em có điều kiện tốt nhất để học tập đạt kết quả cao. Chỉ cần các em chăm chỉ đến học là tốt lắm rồi”.

Có lẽ chính vì vậy mà em Lý Thị Loan cũng như nhiều bạn khác đều có chung một cảm nhận: “Những giờ học buổi tối rất đáng quý với chúng em. Với những bài khó đều có thầy cô trợ giúp luôn. Điều đặc biệt là, không ai bảo ai, trong mỗi chúng em đều có sự thi đua ngầm trong học tập”.

Còn bà Lò Thị Thời – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - chia sẻ: "Đây cũng là một trong những biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các thầy cô vùng cao nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh vùng dân tộc”.

Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở

Lý A Của đang miệt mài ôn thi tốt nghiệp ở "lớp học ban đêm" cùng các bạn.
 Lý A Của đang miệt mài ôn thi tốt nghiệp ở "lớp học ban đêm" cùng các bạn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, điều mà cô Liên vẫn còn băn khoăn, trăn trở đó là với đặc thù là vùng cao của tỉnh Điện Biên, giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Điều mà chúng tôi quan ngại đó là nhận thức, ý thức, nhu cầu học tập của học sinh chưa cao; tỉ lệ học sinh bỏ học còn nhiều khiến cho chất lượng giáo dục nhà trường còn nhiều biến động.

Song khó khăn lớn nhất mà nhà trường đang gặp phải là khu nhà ở nội trú cho học sinh còn thiếu trầm trọng.

Hiện nhu cầu ở bán trú của học sinh là 570 chỗ ở, song đến thời điểm này nhà trường mới đáp ứng tối đa được 80 học sinh. Do vậy phần lớn học sinh phải ở trọ tại nhà dân. Điều này đã gây khó khăn cho nhà trường trong việc quản lý học tập cũng như đảm bảo an ninh trật tự, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng những lớp học buổi tối mà nhà trường đang tổ chức.

Do vậy nguyện vọng của nhà trường được bổ sung quỹ đất để xây dựng nhà nội trú, nhà đa năng cho học sinh. Đồng thời tạo điều kiện về nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng và mở rộng nâng cấp khu nhà nội trú cho học sinh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường nói riêng và của tỉnh Điện Biên nói chung.

Chia tay thầy, trò trường Trường THPT Mường Chà, chia tay những lớp học “ca 3” với những ánh mắt trong veo, tiếng cười ròn rã, vô tư của tuổi học trò, lòng khấp khởi niềm tin: Rồi sẽ có những mạnh thường quân, những tổ chức xã hội đến chung tay, chia sẻ khó khăn của thầy và trò nơi đây. Để các thầy cô vùng cao, vùng khó yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ