Những loại lá tắm “thổi bay” rôm sảy cho da bé mát lịm mùa hè

Những mảng rôm dày cộm trên cổ, lưng, trán,... khiến bé bứt rứt vì ngứa ngáy, khó chịu và liên tục gãi đến trầy xước.

Những loại lá tắm “thổi bay” rôm sảy cho da bé mát lịm mùa hè

Mùa hè nắng gay nắng gắt khiến bé lúc nào cũng vã mồ hôi, trên cổ, trán và lưng con luôn luôn ướt đầm vì mồ hôi không bốc hơi kịp. Thế rồi bụi bẩn bám vào đó, bít kín tuyến mồ hôi làm cho lớp da dần bị tấy lên, đỏ ửng những nốt mẩn lấm tấm - đó là rôm.

Khi ấy, bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, nóng rát rất khó chịu nên thường xuyên gãi, nhiều khi vùng da có rôm bị xây xước, mồ hôi chảy vào bỏng xót khiến con quấy khóc ngằn ngặt. 

Không kể, nếu bé gãi nhiều còn có thể khiến da bị lở loét nữa. Vì thế, ngay từ bây giờ mẹ hãy tìm hiểu các "bài thuốc" an toàn và đơn giản giúp đánh bay rôm sảy đáng ghét, để da bé yêu luôn mịn màng, mát lạnh nhé!

Có rất nhiều cách để trị rôm sảy cho trẻ, điển hình là tắm cho bé bằng các loại lá, quả có thể tìm thấy ngay trong bếp hay ngoài vườn. Nếu không, mẹ có thể "chạy ù" ra chợ và mua về tắm cho con. Một số loại lá tắm trị rôm mẹ có thể tham khảo gồm:

Lá kinh giới

lá
Nếu có sẵn lá tươi, mẹ chỉ cần rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé.

Nếu có sẵn lá tươi, mẹ chỉ cần rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé. Nếu không, mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và dùng dần. 

Mỗi lần tắm cho bé mẹ lấy một nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi 1 lúc rồi pha vào nước tắm cho bé. Nước lá kinh giới giúp rôm sảy "bay" nhanh chóng và da bé sẽ mịn màng trở lại.

Lá dâu tằm

Mùa của những trái dâu tằm chín mọng, tím đen ngon lành sắp hết rồi. Nhưng mẹ đừng vội quên loại cây này vì nó còn một công dụng tuyệt vời nữa là trị rôm sảy cho trẻ rất tốt. 

Đừng để bé phải bức bối, quấy khóc vì những mảng rôm dày đặc khiến con khó chịu. Hãy lấy một nắm lá dâu tằm, rửa thật sạch rồi cho vào nồi nước, đun sôi. 

Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá và tắm cho bé (mẹ nên nấu với nhiều nước một chút rồi dùng chính nước dâu tắm cho bé, không pha thêm nước lạnh nữa nhé!). 

Để trị rôm nhanh hơn, mẹ có thể dùng hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, tán mịn rồi rắc lên vùng da nhiều rôm của bé sau khi tắm với nước dâu tằm. Làm như vậy liên tục trong vài ngày là rôm không mọc nữa và những nốt rôm cũ cũng dịu đi khiến bé dễ chịu hơn.

Mướp đắng (khổ qua)

la
Mướp đắng không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ, giúp mẹ giảm cân mà còn có tác dụng rất kì diệu với làn da rôm sảy của bé.

Mướp đắng không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ, giúp mẹ giảm cân mà còn có tác dụng rất kì diệu với làn da rôm sảy của bé. Thế nên nếu mẹ đang định làm món mướp đắng cho bữa cơm ngày hè thêm mát lành, hãy nhớ mua thêm vài quả dư ra để tắm cho bé nhé. 

Mỗi lần tắm cho bé chỉ cần 2 quả cỡ vừa là được. Mẹ hãy rửa thật sạch sau đó xay/giã nát, lọc lấy nước để tắm cho bé. Với cách này, mẹ sẽ rất bất ngờ với làn da mát lạnh của con cho mà xem.

Gừng tươi

Rửa sạch một nhánh gừng tươi rồi giã nhỏ, đun với nước sôi sau đó chờ nước nguội thì tắm cho bé. Cách này mẹ nên áp dụng vào mỗi buổi sáng, tắm cho bé chừng 3 ngày liên tiếp là hết rôm.

Lá khế

Cách này khá đơn giản và dễ làm. Mẹ lấy 1 nắm lá khế, ngâm rửa thật sạch rồi tuốt bỏ phần gân cứng, đem xay/giã nát với 1 chút muối hạt. 

Sau đó, mẹ đem lọc nước lá khế vào chậu nước ấm rồi tắm cho con. Thực hiện liên tục trong 3 - 4 ngày là mẹ có thể "thở phào" vì vùng da chi chít rôm của con đã được cải thiện đáng kể.

Sài đất

Những mẹ ở vùng nông thôn thì có thể dễ dàng kiếm được sài đất ở bất cứ nơi nào, nhưng các mẹ ở thành phố hiện nay cũng có thể mua được cây sài đất bán nhiều ngoài chợ đấy. 

Sài đất tươi mẹ đem nấu với nước để tắm cho bé hàng ngày, tắm liên tục trong vài ngày là da bé sẽ mát dịu trở lại, những nốt rôm sảy cũng bay đi đáng kể.

Ngoài ra, trong dân gian cũng sử dụng khá nhiều loại lá tắm khác để diệt rôm, chẳng hạn như lá ba gạc, lá mảnh bát, chè xanh, hạt thì là, lá đậu ván,... hay đơn giản là vắt nửa quả chanh vào chậu nước tắm cũng có thể làm bay rôm sảy. 

Cách làm khá đơn giản và tương tự với các loại lá tắm giới thiệu ở trên, tuy nhiên, dù dùng loại lá nào đi chăng nữa, mẹ cũng cần lưu ý khi tắm cho bé:

- Luôn luôn đảm bảo lá tắm phải được rửa thật sạch, ngâm qua nước muối loãng trước khi nấu nước hoặc xay/giã để tắm cho con để loại bỏ vi khuẩn, các loại sâu gây ngứa và lông tơ trên lá, tránh gây kích ứng làn da non nớt của bé. Nếu không, đôi khi việc tắm lá có thể phản tác dụng vì khiến bé bị nhiễm trùng và gây biến chứng khó lường.

- Tuyệt đối không tắm lá cho con khi da bé bị tổn thương như trầy xước, mưng mủ, sưng tấy... vì da bé lúc này đã mất đi lớp màng bảo vệ, trong khi một số loại vi khuẩn bám trên lá tắm vẫn còn sống dù có đun sôi nước. Khi đó, nguy cơ nhiễm khuẩn từ lá tắm sẽ tăng lên và gây nguy hiểm cho con.

- Để đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ nên tắm qua cho con bằng nước ấm trước để loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn trên da, sau đó mới tắm nước lá và cuối cùng là "tắm tráng" lần nữa bằng nước sạch để loại bỏ lượng bột lá có thể bám trên da.

- Không lạm dụng các loại lá tắm như đun nước quá đặc, tắm lá liên tục nhiều ngày, vắt nhiều chanh/muối vào nước tắm,... vì bột lá có thể đọng nhiều trên da gây viêm da, nhiễm khuẩn,... Hơn nữa, nước tắm pha nhiều chanh/muối có thể kích ứng da bé, khiến bé bị xót, rát da.

- Mẹ cũng lưu ý, sau khi tắm xong nên lau khô người cho bé, mặc quần áo thoáng mát với chất liệu cotton, hạn chế cho con ra nắng và cố gắng giữ nhiệt độ phòng mát mẻ. 

Không cho trẻ ăn nhiều đồ nóng, không lạm dụng các loại kem dưỡng ẩm vì có thể gây bít lỗ chân lông khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Trong trường hợp thấy da con có dấu hiệu sưng tấy, mưng mủ,... cần cho con đi khám bác sĩ để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.

Theo phunutoday.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.