Thảng thốt dưới con sóng triều cường
Các tỉnh miền Trung thời gian qua đã hứng chịu không ít những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.Những triền đê chắn sóng tiền tỷ bị công phá trơ xương; những rọ đá xếp bị sóng đánh sạt; những hòn đá hộc bị cuốn văng xa hàng chục mét; những ngôi làng trù phú bị triều cường nhấn chìm xuống lòng biển sâu, những ngôi nhà khang trang đổ ụp dưới con sóng triều cường. Người người, nhà nhà dắt díu nhau rời sâu vào trong những khoảnh đất mà chẳng biết liệu con sóng triều cường hung hãn kia sẽ theo họ đến bao giờ.
Những con đê mới được dựng nên nhưng chỉ là giải pháp tình thế, bởi sức mạnh của những con sóng dễ dàng đánh bay nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân và cả chính quyền.
Tại 2 địa phương Lộc Thịnh, Xuân Hội (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mấy năm nay tình trạng sạt lở đã đến mức báo động mạnh. Bài toán ứng phó với sạt lở vẫn còn… chưa có lời giải. Người dân vẫn sống nơm nớp bên bờ sạt lở, hết kêu cứu rồi đến bỏ chạy khi biển “nổi giận”.
Cùng với đó, hàng chục điểm bờ kè dọc biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam bị sạt lở bởi sóng biển mạnh, ảnh hưởng đến các công trình hàng chục tỷ tại khu vực này. Trên tuyến bờ kè được thành phố đầu tư xây dựng từ năm 2011, dài 7,6 km này, đã xuất hiện hai điểm sạt lở lớn. Tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên – Huế trước đây xây dựng 4 mỏ hàn đá, đến nay đa số đã bị nước biển đánh sập.
Vào tháng 8/2007, tại cửa Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế xây dựng loại mỏ hàn mềm theo công nghệ Stabinplage hay còn gọi là con lươn chắn cát, do công ty Espace Pur của Pháp thi công với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tại khu vực bờ biển xã Tam Hải, huyện Núi Thành, dựa trên đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho nhập bao đựng cát loại đặc chủng từ Hà Lan về làm kè mềm. Cũng chỉ được vài năm, bao đựng cát bị mục nát, sóng đánh vỡ hoàn toàn, dự án hoàn toàn phá sản.
Tại bãi biển Mỹ Khê, TP Đà Nẵng từ cuối tháng 12-2017, hiện tượng sạt lở bắt đầu xảy ra. Đoạn ven biển từ phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đến phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã có hàng chục km bờ biển bị sạt lở. Điểm sạt lở nặng nhất ngay bãi tắm Sao Biển 1 sâu hơn 1,5m rất nguy hiểm. Nguyên nhân do tác động của 2 yếu tố chính là hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino (khô hạn) dẫn tới sự xâm nhập mặn và bão lũ (mùa đông).
Phía trong kia, người dân thôn An Quang Đông (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) khắc khoải với nỗi lo mất đất mất nhà khi triều cường “ngoạm” sâu vào đất làng. Cách đó hơn 100km, người dân thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi sống trong lo sợ mấy năm nay khi những ngôi nhà của họ ở sát biển có thể bị triều cường dâng lên cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Ở phía Nam Trung bộ, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực ven biển thuộc phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (TP Phan Thiết, Bình Thuận), từ năm 2016 bỗng chốc trở thành… vô gia cư vì nhà cửa bị biển “ăn” mất.
Những ông bà lão gắn cả một đời với làng biển, với những con sóng cứ nhìn những những con sóng lớn đánh oàm oạp vào bờ mà nắc nỏm xót xa: “Năm ni triều cường đến mạnh quá. Nhà tôi sắp sạt mất rồi!”. Hàng trăm, hàng ngàn hộ dân ở vùng sạt lở đều chung tâm trạng như thế.
Với họ bây giờ, từng ngày câu chuyện của họ nóng hổi với những gì liên quan tới triều cường. Đi đâu, làm gì họ cũng thăm nhau xung quanh cái chuyện này, rằng nhà bà này sắp sập, vườn nhà ông kia lở gần hết… ai cũng dõi ánh mắt khắc khoải về phía triền sóng.
Cơn giận của mẹ thiên nhiên
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bờ biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên có biên độ triều cường tăng dần từ Bắc vào Nam, mức độ sạt lở diễn ra nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến nay, đã có 164 đoạn ven biển bị sóng đánh sạt lở với chiều dài hơn 170km.
Trong lúc kế hoạch di dời dân vào vùng an toàn hơn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa được, cả người dân và chính quyền địa phương vẫn không ngừng nỗ lực chống sạt lở ngay tại chỗ.
Dọc những đoạn kè biển, đê biển ở khắp miền Trung ngày ngày chịu áp lực vô cùng lớn của những trận triều cường, có lẽ cũng chẳng mấy tháng nữa, những mối nối đồng loạt bị phá vỡ, thành trì đá hộc kia và công sức tiền của của chính quyền từ trung ương tới địa phương, của người dân và các lực lượng chung tay níu giữ đất cũng sẽ ào trôi xuống biển, cũng nhanh tựa như hòn đá nhỏ lăn tùm theo dòng nước mà không kịp vớt.
Nhiều năm qua, các tỉnh ven biển miền Trung đã triển khai một số giải pháp chống sạt lở bờ biển nhưng chưa mấy hiệu quả. Hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách nhà nước đổ xuống cứu nguy bờ biển theo phương án khẩn cấp, tạm thời như: đóng cọc tre, đắp bao cát, thậm chí xây dựng kè cứng bê tông, đá hộc, nạo vét khơi thông luồng lạch.
Nhưng như ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận hiện nay chúng ta đang xử lý kiểu tình thế.Tức là sạt lở đâu, chữa đấy. Không những không bảo vệ được ngay chính vị trí của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó thì do một phần là nguồn vốn còn rất hạn hẹp, chúng ta không thể tính toán căn cơ, lâu dài được.
Việc ứng phó với sạt lở biển ở nước ta là bài toán nan giải, cần phương án lâu dài do bờ biển ta quá dài, đến 3.400km. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu có rừng ngập mặn tiến ra phía biển 100m thì sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ, những con đê biển chắn sóng được vững vàng hơn do giảm áp lực của nước; cân bằng được môi trường sinh thái.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là phải bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo đảm cuộc sống cho người dân. “Cần tiếp tục rà soát các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, chủ động di dời để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Đối với các hộ dân phải di dời do sạt lở, cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống, không để người dân bị thiếu đói, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu; có phương án hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở buộc phải di dời”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng ven bờ sông, bờ biển; triển khai các biện pháp ngăn chặn, khắc phục khẩn cấp sạt lở tại các khu vực xung yếu, không để lan rộng ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Xóm làng giờ hết rồi cái không khí rộn ràng, nhộn nhịp của ngày trước. Triều cường giờ đang là nỗi lo hiện hữu trong lòng những người dân xóm biển này. Thấp thỏm và nhiều đêm thức trắng những mong trời được yên, biển được lặng… Thế nhưng, sóng vẫn vỗ bờ không một chút hiền hòa. Còn người dân với những mong mỏi thiết tha.
Có một sự thực rằng, nếu không sớm tìm được giải pháp chặn triều cường, ngăn sóng gây sạt lở thì thời gian tới, hiện tượng sạt lở đất ven biển tại miền Trung sẽ nặng hơn và dần dần chúng ta không đủ nguồn lực quốc gia nữa để đối phó với tính trạng này nữa.