Truyền thuyết kể rằng, hẻm núi Asbyrgi ở miền bắc Iceland đã được tạo ra khi một vị thần Bắc Âu cưỡi ngựa qua và móng ngựa đã chạm vào trái đất, cắt qua vách đá cao gần 92m, làm phẳng một diện tích chỉ hơn 3km chiều dài và gần 1km chiều rộng.
Các nhà khoa học thì giải thích rằng, chính 2 giai đoạn của lũ băng đã tạo nên hẻm núi này từ 3.000 - 10.000 năm trước.
Cánh đồng muối Salar de Uyuni ở Bolivia hình thành từ một hồ tiền sử cạn khô cách đây 3.000 năm. Đây là cánh đồng muối lớn nhất thế giới với diện tích hơn 10.000km2, lớn gấp 25 lần cánh đồng muối Bonneville ở bang Utah, Mỹ.
Salar de Uyuni cung cấp hơn 25.000 tấn muối mỗi năm.
Hồ bơi khoáng tự nhiên Pamukkale được hình thành từ một dạng đá trầm tích lắng đọng trong nhiều niên kỷ.
Một chuỗi những nhũ đá đá vôi trắng tinh xếp lớp như vỏ sò khiến nơi đây được mệnh danh là "lâu đài bông" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vườn quốc gia Thung lũng Chết ở Mỹ là một trong những nơi bí ẩn nhất thế giới. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng hàng nghìn hòn đá biết đi trong lòng hồ cạn Racetrack Playa ở thung lũng này.
Một giả thuyết cho rằng, khi những tảng đá ướt hay phủ bởi băng, chúng được gió mạnh thổi đi.
Những khối đá màu trắng khổng lồ với nhiều hình thù khác nhau xuất hiện trên sa mạc gần thị trấn Farafra ở Ai Cập.
Hình thù của chúng không phải do các nhà điêu khắc tạo ra mà là kết quả của gió mạnh.
Vùng đất này từng bị ngập dưới nước biển và khi nước biển rút xuống, các tầng trầm tích bắt đầu vỡ ra trước khi hình thành các khối đá có hình thù kỳ dị như ngày nay.
Những khối đá hình cầu bí ẩn như quả trứng "khủng long" hóa thạch trên bãi biển Koekohe, tại làng Moeraki, phía Đông Nam New Zealand.
Các nhà khoa học giải thích, đây là các khối kết thạch hình thành cách đây hơn 50 triệu năm.
Những khối đá như thế này cũng được tìm thấy trên bãi biển Bowling Ball ở Mỹ hay các địa điểm khác ở Canada và Nga.
Cano Cristales là một dòng sông ở Colombia, nằm ở công viên quốc gia Serrania de la Macarena, thuộc thành phố La Macarena. Nó được gọi với nhiều cái tên như "sông ngũ sắc", "sông cầu vồng" hay "dòng sông bắt nguồn từ thiên đường".
Vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm. Nước sông thường chuyển thành màu hồng, xanh lá cây, xanh da trời và vàng khi cây Macarenia clavigera dưới đáy sông đón nhiều ánh nắng và bắt đầu nở hoa.
Cấu trúc Richat có hình dạng giống như một chiếc nhẫn được cắt gọt một cách tài tình và khéo léo với đường kính lên đến 40 km, còn được gọi là "mắt Sahara" hoặc "mắt châu Phi", nằm ở phía Tây sa mạc Sahara thuộc Mauritana.
Hồ Đốm (Spotted) nằm gần sa mạc Osoyoos ở bang British Columbia, Canada.
Vào mùa Hè, hầu hết nước trong hồ bốc hơi hết, để lại trên bề mặt các loại khoáng chất.
Những khoáng chất này tạo thành những chấm bi lớn. Tùy theo lượng khoáng chất và sự kết hợp của các chất hóa học với nhau, các chấm bi này sẽ đổi màu.
Khu rừng đá tại tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc có diện tích 500 km2 và từng bị ngập dưới nước biển cách đây 270 triệu năm.
Khi đáy biển bao phủ bởi đá vôi dần nhô lên và nước rút đi, mưa và gió làm sói mòn các lớp đá mềm để tạo ra các khối đá có hình thù độc đáo như ngay nay.
Thác Máu được phát hiện năm 1911 trên sông băng Taylor ở Nam Cực. Những nhà thám hiểm lúc đầu cho rằng màu đỏ của nước là do loài tảo đỏ tạo ra nhưng sau này được chứng minh là do ôxít sắt tạo thành.
Thác lấy nước từ một hồ gần đó với lớp băng dày 40m.
Hang động thủy tinh Naica tại Chihuahua ở Mexico, bao gồm các khối thủy tinh lớn nhất dài tới 100m, nặng 55 tấn, hình thành cách đây 500.000 năm.
Nhiệt độ trong hang này có thể tăng tới mức 65 độ C và độ ẩm gần 100%, khiến con người không thể ở trong hang quá 10 phút, nếu không sử dụng thiết bị bảo hộ.
Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Bắc Ireland, bờ biển Giant"s Causeway gây ấn tượng với khoảng 40.000 cột bazan khổng lồ màu đen được xếp ngay ngắn, kết quả của một vụ phun trào núi lửa cách đây hơn 60 triệu năm.
Những đụn cát hóa thạch với những họa tiết hình lượn sóng tuyệt đẹp tại khu bảo tồn Coyote Buttes, nằm giữa biên giới giữa bang Arizona và Utah, Mỹ.
Những cấu trúc này được tạo ra do tác động của gió và mưa trong quá trình kéo dài hàng triệu năm.
Những cồn cát trắng như đường di chuyển trên sa mạc Chihuahuan tại bang New Mexico ở Mỹ với tốc độ hơn 9 m/năm.
Khi nước giàu chất khoáng từ hồ Lucero gần đó bốc hơn, nó tạo thành thạch cao trên các cồn cát này. Từ những năm 1990, du khách có thể đi bộ đường trường để khám phá vẻ đẹp ở nơi đây.
Nằm trong vườn quốc gia Þingvellir ở Iceland, khe Silfra được cho là nơi duy nhất trên trái đất con người có thể chạm tay vào hai lục địa Á Âu và Bắc Mỹ cùng lúc.
Đây cũng là khu vực có nước trong nhất thế giới. Tổ chức UNESCO đã công nhận khe Silfra là di sản thế giới về cả giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tự nhiên và địa chất.
Trên các sườn đóng băng của núi lửa Erebus ở Nam Cực, khí gas cực nóng phun lên qua các lỗ nhiệt để tạo thành các hang lớn trong băng.
Khi khí gas núi lửa đi qua các hang động, chúng tạo ra các tháp khói băng có thể đạt độ cao hơn 18m.
Khu bảo tồn thiên nhiên Karlu Karlu là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất ở Australia. Nơi đây lưu giữ những chứng tích về tôn giáo và văn hóa của thổ dân Aborigines.
Điểm hấp nhất ở đây là những tảng đá granit khổng lồ được thiên nhiên tạo ra sau quá trình kéo dài hàng triệu năm.
Eo đất hẹp nối bán đảo Tasman với đất liền Tasmania (Australia) được bao phủ bởi địa hình đẹp, gồ ghề và một số cấu trúc đá có sự hình thành địa chất bất thường, trong đó có một hiện tượng xói mòn đặc biệt được gọi là "Vỉa hè lát đá".
Sở dĩ nó có tên gọi như vậy là vì những tảng đá ở đây đã bị đứt gãy, tạo thành các khối đa giác xuất hiện đá lát hay gạch lát giống như người ta lát ở vỉa hè.
Các hoạt động địa chất đã tạo ra 4 hố tròn khổng lồ có độ sâu hơn 300m trên đỉnh núi Cerro Sarisariñama ở miền nam Venezuela.
Cách đường chính hàng trăm km, khu vực này nằm xa khu dân cư và chỉ được phát hiện vào năm 1961 bởi một phi công bay qua núi.
Nằm trên đảo Palawan ở Philippines, Puerto Princesa là dòng sông ngầm dài nhất trên thế giới.
Nó chảy ra biển đông qua hệ thống hang động dài 24km. Vườn quốc gia xung quanh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới nhờ có hệ sinh thái đa dạng gồm hơn 800 loài thực vật, 165 loài chim và 30 loài động vật có vú.
Chocolate là một khu vực rộng hơn 50km2 có khoảng 1.268 ngọn đồi nhỏ hình nón có kích cỡ và hình thù tương đương nhau ở Bohol, Philippines.
Sở dĩ nơi đây có tên là Chocolate là bởi vào mùa khô các ngọn đồi được bao phủ bởi cỏ khô màu nâu, nhìn từ xa chúng không khác gì những thỏi chocolate bắt mắt.
Trong hệ thống hang động 400 triệu năm tuổi Luray Caverns tại vùng hẻo lánh ở bang Virginia của Mỹ, du khách sẽ có cơ hội thấy nhạc cụ lớn nhất thế giới là cây đàn organ Great Stalacpipe được xây dựng vào năm 1954.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhũ đá trong hệ thống hang động này.
Hang động Waitomo Glowworm thuộc đảo Bắc, New Zealand nổi tiếng với vô vàn những con đom đóm phát ra ánh sáng kỳ diệu.
Bất cứ ai khi lần đầu đặt chân tới đây đều phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền bí như những ngôi sao xuất hiện dưới lòng đất của nó.
Socotra là hòn đảo của Yemen nằm trên Ấn Độ Dương cách Somalia 250 km, có hệ động thực vật rất phong phú.
Hòn đảo xinh đẹp này là quê hương của loài cây hoa lạ có nhựa màu đỏ như máu, gần 200 loài chim kỳ lạ, 700 loài thực vật độc đáo và một số loài động vật chỉ có thể tìm thấy ở đây.
Một trong những loài thực vật độc đáo ở đảo Socotra là cây huyết rồng, còn được người dân địa phương gọi là Dam al-Akhawain.