Những kinh nghiệm và bài học trường đời luôn là toa thuốc quý

Những kinh nghiệm và bài học trường đời luôn là toa thuốc quý

(GD&TĐ) - Sáng mai (15/11),  Báo GD&TĐ sẽ long trọng tổ chức Lễ tổng kết trao giải cuộc thi “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử”. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn Hoàng Minh Tường; Nhà giáo, nhà báo Lê Văn Vỵ - 2 tác giả đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi. 

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Những kinh nghiệm và bài học trường đời  luôn là toa thuốc quí

Phóng viên (PV): Lý do nào đã dẫn ông đến với cuộc thi “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” của báo GD&TĐ? Và cảm xúc của ông ra sao khi biết mình là một trong hai tác giả đoạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi. 

Nhà văn Hà Minh Trường

Nhà văn HMT: Nhà văn Hoàng Minh Tường (HMT): Tôi là một bạn đọc trung thành của báo GD&TĐ. Vả lại, tôi vốn xuất thân từ ngành giáo dục, từng dạy học, và điều này mới quan trọng: từng là phóng viên báo Người Giáo viên Nhân Dân, nay là báo GD&TĐ, tới 12 năm (từ 1977 đến 1988). Cho nên, khi báo GD&TĐ “ho” một tiếng là tôi biết liền. Cuộc thi “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” trúng ý tôi quá. Tôi nghĩ mình dự thi cho vui, cho đỡ “ nhớ” báo. Ai ngờ bầu dục lại đến bàn thứ tám. Mình trúng số đỏ.

PV: Được biết ông đã từng là thầy giáo trước khi bước sang nghiệp viết văn. Đây có phải là điều kiện thuận lợi giúp ông dễ dàng viết nên những tình huống ứng xử trong môi trường sư phạm mà mình đã được chứng kiến? 

Nhà văn HMT: Thực ra tôi yêu văn chương ngay từ khi còn là một học sinh cấp 2-3. Tôi còn giữ cả những bài thơ và truyện ngắn tập sáng tác từ hồi lớp 8 (ngày ấy cấp 3 chỉ học đến lớp 10). Năm 1963, khi khánh thành Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, mặc dù chưa lên đó bao giờ, tôi cũng “bịa” ra một bài thơ gửi đăng báo Văn Nghệ, trong đó có đoạn: “Con tàu chuyển mình rú còi inh ỏi/ Đưa tôi lên thành phố thép tương lai/ Trời Tổ quốc hôm nay sao sáng chói/ Náo nức lòng tôi tiếng gọi Ngày mai…”. Tất nhiên là cậu học trò lớp 8 Trường cấp II-III Ứng Hòa là tôi cứ dài cổ chờ bài thơ được đăng mà không thấy. Rồi tôi được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng không phải khoa Văn, mà là khoa Địa lý, bởi lý lịch của tôi thuộc hạng ba, được vào đại học đã là may lắm rồi(!). Ngày tôi lên Việt Bắc dạy học, ước mơ sáng tác vẫn cháy bỏng. Điếc không sợ súng, ngay khi mới được đăng thơ và truyện ngắn đầu tiên trên tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc, tôi đã mon men đến với tiểu thuyết. Năm 1974, cuốn tiểu thuyết đầu tay “Đầu sông” hơn 300 trang viết về một thầy giáo trẻ (là tôi) lên dạy học miền núi, hoàn thành, năm 1976 được tặng thưởng cuộc thi viết về Thầy giáo và Nhà trường do Bộ Giáo dục phát động, năm 1981 được NXB Lao Động xuất bản. Tôi không ngờ, từ đây, tôi chuyển hẳn từ nghề dạy học sang nghiệp văn chương.

PV: Trong quãng đời thầy giáo của mình, đã khi nào ông gặp phải những tình huống ứng xử mà bản thân mình cũng cảm thấy khó hoặc chưa tìm ra cách giải quyết?

Nhà văn HMT: Mặc dù chỉ có một khóa đi thực tập sư phạm (hồi là sinh viên năm thứ 3) và hơn một năm trực tiếp đứng trên bục giảng ( năm 1973, Sở Giáo dục Khu tự trị Việt Bắc cử tôi xuống dạy tại trường Sư phạm Việt Bắc để có thực tế cho công tác chỉ đạo và quản lý), nhưng tôi đã gặp khá nhiều tình huống sư phạm lý thú. Ở trường Sư phạm, nơi tập trung nhiều hoa khôi khắp sáu tỉnh Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái có nhiều “pha” phức tạp và gay cấn đối với một thầy giáo trẻ như tôi hồi ấy, ví như tình huống trong truyện “Đôi mắt học trò” tôi đã viết gửi cuộc thi này. Tất nhiên còn có những tình huống gay go đến mức tôi chưa giải quyết nổi, nhưng tôi sẽ không viết ra đâu. Bởi mỗi nhà giáo đều có những “bí mật” để đời chứ… 

PV: Theo ông, cuộc thi viết “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” có ý nghĩa tác dụng ra sao đối với các nhà trường, thầy giáo, học sinh hiện nay?

Nhà văn HMT: Những kinh nghiệm và bài học trường đời bao giờ cũng là những toa thuốc quí. Có bài học thành công, có bài học thất bại, nhưng đều được đúc kết thành những cẩm nang sống bổ ích. Tôi nghĩ, không chỉ ở cuộc thi này, mà ở hàng vạn số báo Người GVND, GD&TĐ từ hơn nửa thế kỷ qua, nếu được tập hợp, biên tập lại và xuất bản, ắt sẽ là những cẩm nang nghề nghiệp quý báu cho các thầy cô giáo, các giáo sinh, sinh viên sư phạm đang ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ người làm nghề  tìm ra những gợi ý cho công việc “trồng người” của mình, mà các bậc phụ huynh và xã hội cũng qua đó, sẽ hiểu thêm đời sống nhà trường, hiểu thêm thiên chức nhà giáo để cùng tạo nên một môi trường giáo dục, tạo ra những liên kết giáo dục hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện và chúc ông sức khỏe!

Nhà giáo Lê Văn Vỵ: “Có khi lại là trò dạy thầy chứ!…”

Phóng viên (PV): Kính chào thầy! Xin chúc mừng thầy đã được giải cao của cuộc thi. Thầy là người rất có duyên với các cuộc thi của Báo GD&TĐ và lần thi nào cũng giành được giải cao? Có bí quyết nào không, thưa thầy?

Lê Văn Vỵ (LVV): Vâng, đây là lần thứ 3 tôi tham gia cuộc thi do Báo GD&TĐ tổ chức và đạt giải. Lần thứ nhất cách đây đã 9 năm, Báo GD&TĐ mở cuộc thi Phóng sự - Bút ký về Thầy giáo và Nhà trường tôi đã được trao giải Nhì với ba tác phẩm: “Hồn chữ nổi”, “Đá hai chân đều dẻo” và “Khát”. Lần thứ 2 vào năm 2010, Báo lại tiếp tục cuộc thi, tôi hăng hái vào cuộc ngay từ đầu và thật may mắn tác phẩm: “Vịn vào chính mình” của tôi đạt số điểm cao nhất và được trao giải Nhì. Lần này tôi tham dự với tác phẩm: “Mẩu thuốc lá” và cũng được trao giải Nhì. Thế là trong 9 năm, tham gia ba cuộc thi tôi đều may mắn được ba giải đều là “ba Nhì”. Xem ra tôi là học trò không tiến bộ mà giẫm chân tại chỗ phải không? Đáng lẽ ra phải phạt mới đúng!? (cười)

PV: Phạt như thế, ai mà không thích? Còn bí quyết, thưa thầy? 

Những kinh nghiệm và bài học trường đời luôn là toa thuốc quý ảnh 2

Thầy LVV: Ôi, có bí quyết gì đâu. Chẳng qua là nghề dạy học ăn vào gan ruột xương thịt là hồn cốt của tôi nên tôi phải chẳng đi đâu xa xôi tìm hiểu mà viết về những gì quanh tôi: mái trường, bạn bè, đồng nghiệp, khó khăn, thách thức; những vui buồn, khổ đau, nước mắt, những cay đắng, tủi nhục và những niềm vui, những tình cảm thánh thiện, những yêu thương, những vinh quang; viết thế nào cho chân thực, cho trung thực.

Hiện nay, ngoài công tác quản lý cho một cơ sở GD, tôi còn là PV thường trú báo Gia đình và Xã hội tại Hà Tĩnh. Hầu hết các bài viết của tôi lại về giáo dục. Những trang viết của tôi là sự trải nghiệm của chính mình. Nhiều khi viết xong tôi lại trao đổi với bạn bè đồng nghiệp, với những thầy giáo quanh tôi. Họ đọc và cho ý kiến, rằng tôi viết đã đúng chưa, chân thực chưa. Tôi có nỗi buồn và niềm vui được sống trong bầu khí quyển của giáo dục có khi trong veo, có khi ngột ngạt, bức bối với những biến cố, những va đập những rung chuyển và những trang viết của tôi là trang viết của người trong cuộc viết về mình, kể chuyện mình cho bè bạn và đồng nghiệp nghe sau nhọc nhằn của mỗi giờ lên lớp…

PV: Đúng là thầy có lợi thế hơn chúng tôi là gắn bó với cơ sở giáo dục và có lợi thế của một giáo viên say viết. Xin được hỏi thầy về tác phẩm dự thi: “Mẩu thuốc lá”. Thầy viết có khó khăn không? Ý tưởng thầy gửi gắm qua tác phẩm này!? 

Thầy LVV: Theo tôi, cuộc thi tình huống giáo dục thật sự ý nghĩa, vì rằng, tình huống giáo dục nẩy sinh hàng ngày, hàng giờ trong mọi không gian, thời gian trên lớp, trong lớp, ngoài lớp, giờ học, giờ chơi, giờ sinh hoạt, lao động vv… ở mọi cấp học, mọi lứa tuổi từ mầm non đến PTTH mà từ thầy cô giáo chủ nhiệm đến thầy cô giáo giảng dạy bộ môn, phụ trách Đoàn, Đội, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng thường xuyên chứng kiến, xử lý những tình huống ấy. Mỗi buổi tôi lên trường lại xuất hiện những tình huống mới, vô vàn tình huống, và mỗi tình huống đòi hỏi nhà sư phạm có cách giải quyết khác nhau.

Làm thế nào để giải quyết khéo léo, ổn thoả thật không dễ. Những thầy cô giáo thiếu kinh nghiệm giải quyết non tay để lại những hậu quả khôn lường mà như cô đã biết qua phương tiện thông tin báo chí như bắt học sinh liếm ghế, dán miệng học sinh hoặc đánh học sinh. Những hành xử ấy bắt nguồn từ yếu kém xử lý các trình huống giáo dục. Cho nên, đối với nhà sư phạm kỹ năng xử lý tình huống giáo dục vô cùng quan trọng. Mỗi tình huống giáo dục có cách xử lý riêng biệt. Ví như tình huống tôi bắt học sinh hút thuốc lại chính bị học sinh phản ứng quyết liệt. Tôi còn nhớ là lúc ấy học sinh cả trường xúm lại rất đông khiến tôi lúng túng vô cùng. Nếu xử lý không khéo là rách việc là phản tác dụng giáo dục và hậu quả gây ra sẽ không lường được. Rất may lúc ấy, trống vào học đã cứu nguy tôi, tôi bình tĩnh lại và đã ứng xử như chuyện tôi đã kể, nghĩa là tôi đã chuyển từ một tình huống xấu thành hiệu quả tốt, biến cái rủi thành cái may, cái mất thành cái được nên đó là một trong những bài học tôi nhớ đời. Cho nên làm anh thầy giáo cũng như anh lãnh đạo mà không mẫu mực không làm gương là không nói được ai đâu, không có uy tín gì đâu. “Dạy người đã khó, dạy mình khó hơn” là vì thế, và nhiều khi không phải thầy dạy trò mà trò dạy thầy chứ! Vấn đề là thầy phải biết học để trưởng thành và hoàn thiện. Chuyện “Mẩu thuốc lá” của tôi có ý nghĩa ấy chăng!?

PV: Vâng! Đúng là một mẩu, nhưng ý nghĩa thì lớn. Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện cởi mở và chúc thầy sức khoẻ. 

Hà Lam (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.