Chắc hẳn, phần lớn trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được nhận quà từ cha mẹ. Trong khi đó, phụ huynh cũng sẽ nhận lại niềm vui “vô bờ” khi mua quà cho trẻ em. Bởi, các ông bố, bà mẹ có thể cảm thấy thật tuyệt khi mang đến cho con mình những thứ mà bản thân không thể có khi còn nhỏ.
Những bữa tiệc sinh nhật hoành tráng, kỳ nghỉ xa hoa, các thiết bị điện tử và trò chơi giải trí... tưởng chừng sẽ mang lại thời thơ ấu tuyệt vời. Tuy nhiên, thực tế, việc cho con quá nhiều tài sản, đặc quyền và cơ hội có thể sẽ là điều không tốt.
Trên thực tế, trong một số trường hợp, chiều chuộng trẻ em quá mức thực sự tạo thành sự bỏ mặc và có thể gây ra hậu quả suốt đời cho nhiều trẻ em.
Những kiểu nuông chiều quá mức
Chiều chuộng trẻ quá mức không chỉ là khi cha mẹ mua nhiều quà tặng con trong dịp lễ. Tình trạng này cũng có thể liên quan đến việc cho trẻ quá nhiều tự do trong khi không có kỷ luật.
Các nhà nghiên cứu trong Dự án Nuông chiều con quá mức đã xác định được ba dạng của hiện tượng này.
Kiểu cha mẹ nuông chiều con quá mức điển hình đầu tiên là cho con quá nhiều. Quá nhiều ở đây có thể là đồ chơi, hoặc hoạt động giải trí hay thậm chí là quá nhiều thiết bị điện tử.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho phép trẻ ăn quá nhiều cũng có thể vô tình gây hại cho sức khỏe của con. Trẻ em cần thời gian nghỉ ngơi và chúng cũng cần cơ hội để học cách tự giải trí.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh thể hiện sự chiều chuộng quá mức với con khi sẵn sàng trở thành “bảo mẫu” ngay cả khi trẻ đã lớn. Cha mẹ làm quá nhiều điều cho con khiến chúng không học được những kỹ năng cần thiết để có được sự độc lập.
Việc cha mẹ làm bài tập về nhà cho trẻ hoặc giải cứu trẻ khỏi mọi cảm xúc khó chịu có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của con.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cũng được coi là quá chiều con khi “mềm mỏng” ngay cả trong trường hợp cần làm ngược lại. Không tạo ra kỷ luật đủ cứng rắn hoặc các giới hạn lành mạnh có thể ngăn trẻ trở thành người có tự giác trong tương lai.
Hiện tượng này có thể bao gồm không giao việc nhà cho trẻ hoặc nhượng bộ mỗi khi con nổi cơn tam bành.
Vì sao quá chiều con?
Có rất nhiều lý do khiến cha mẹ quan tâm con thái quá. Lý do phổ biến nhất là cảm giác tội lỗi. Bởi, không ít phụ huynh dành nhiều thời gian để làm việc. Như vậy, họ sẽ mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất để bù đắp cho trẻ. Đó cũng là nguyên nhân nhiều ông bố, bà mẹ không để con phải “nhúng tay” vào bất kỳ việc vặt nào.
Hoặc, nhiều cha mẹ nỗ lực bù đắp cho việc không ở bên cạnh con bằng cách mua cho trẻ quá nhiều quà.
Một lý do phổ biến khác khiến các phụ huynh quá quan tâm đến trẻ là vì họ muốn con của mình “hạnh phúc”. Vì vậy, thay vì nói không và điều đó có nguy cơ làm mất lòng con, nhiều phụ huynh nhượng bộ và để trẻ có bất cứ thứ gì chúng muốn.
Đôi khi, cha mẹ rơi vào thế bị động và không chuẩn bị để đối phó với các vấn đề về hành vi của con. Phụ huynh có thể không biết cách đối phó với những cơn giận dữ và thách thức từ trẻ. Vì vậy, trước mắt, để khiến cuộc sống dễ dàng hơn, phụ huynh đã cố gắng hết sức để tránh đưa ra kỷ luật nghiêm khắc với con.
Bên cạnh đó, một số cha mẹ muốn bù đắp cho những trải nghiệm thời thơ ấu tồi tệ của họ. Không ít người từng lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Vì vậy, có thể khi trưởng thành, họ muốn đảm bảo rằng, con mình sẽ không rơi vào cảnh “thiếu thốn”.
Hoặc, những người từng lớn lên dưới sự nuôi dạy của đòn roi có thể sẽ vô cùng nhẹ nhàng và nuông chiều con trong tương lai. Bởi, họ hy vọng con mình sẽ không phải trải qua những điều tồi tệ đó.
Hậu quả
Các chuyên gia cho rằng, có không ít lý do khiến phụ huynh suy nghĩ kỹ về việc cho con mọi thứ chúng muốn. Yếu tố quan trọng là trẻ cần học cách sống mà không cần có tất cả mọi thứ. Khi nhận được mọi thứ mình muốn, trẻ bắt đầu nghĩ rằng, chúng không thể sống nếu không có thiết bị mới nhất hoặc không thể tồn tại nếu không có giày thể thao mới.
Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy con sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Nhiều phụ huynh có thể nghĩ rằng, hạnh phúc bắt nguồn từ vật chất. Thậm chí, trẻ em sẽ có xu hướng nghĩ rằng, việc sở hữu nhiều thứ sẽ giúp con có cuộc sống hài lòng hơn.
Thực tế, các cha mẹ có thể gửi thông điệp tới con rằng, có mối liên hệ giữa giá trị ròng và giá trị bản thân. Của cải vật chất có thể trở thành một biểu tượng địa vị đối với những đứa trẻ nghĩ rằng, điều quan trọng là phải khoe khoang chúng có bao nhiêu.
Với cuộc sống đủ đầy, nhiều trẻ không coi trọng bất cứ thứ gì. Khi trẻ có nhiều đồ điện tử, quần áo và đồ chơi, chúng không thể chăm sóc những món đồ của mình một cách cẩn thận. Thậm chí, đứa trẻ đó có thể không quan tâm khi đồ vật bị hỏng và không để ý khi món đồ của mình bị mất. Khi đó, trẻ sẽ không học được cách chịu trách nhiệm.
Sự thiếu kỷ luật dạy cho trẻ em rằng, chúng không cần phải tuân theo các quy tắc. Khi các quy tắc không được thực thi, trẻ em bắt đầu tin rằng, những luật lệ đó không áp dụng cho chúng. Khi đó, trẻ sẽ nghĩ rằng mình có thể bỏ qua các quy tắc và cảm thấy bản thân đặc biệt hơn những người khác.
Một số nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được chăm sóc quá mức phải vật lộn với các vấn đề suốt đời. Những người trưởng thành được nuông chiều quá mức khi nhỏ cho biết, họ có cảm giác bất mãn thường xuyên.
Nhiều người trong số họ có xu hướng ăn quá nhiều và chi tiêu bất hợp lý. Ngoài ra, những người này cũng cảm thấy không hạnh phúc và khó đối diện với thực tế.