“Mắc kẹt” trong việc đóng “tự nguyện”
Chị Thanh Mai, phụ huynh có con đang học lớp 2 tại TPHCM chia sẻ, đầu năm học trước, ngoài khoản tiền đóng theo quy định như ăn bán trú, học tăng cường tiếng Anh… theo quy định chung, ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt hội phụ huynh) của lớp đưa ra mức tiền quỹ lớp chung là 1 triệu đồng (chưa kể quỹ trường 200 nghìn đồng/năm) kèm theo lưu ý nếu thiếu có thể đóng bổ sung.
Theo lý giải, khoản này được dùng cho việc hỗ trợ lắp Internet, mua tivi để dùng cho việc dạy học được thuận tiện hơn, mua thêm tủ cho các con đựng đồ trong lớp, mua quạt, tiền chi liên hoan cuối năm… Thấy hợp lý, phụ huynh gần như đóng đủ, nhưng có vài vị không đóng.
Chưa kể, một số phụ huynh nhiệt tình còn đứng lên đề nghị… gắn máy lạnh cho các con, sơn lại lớp, làm sàn gỗ, nhưng nhiều người không đồng ý. Dù trên tinh thần tự nguyện, nhưng có nhiều phụ huynh cho rằng, không đồng ý cũng không xong, bị “kẹt” với hai chữ “tự nguyện”.
“Không ít hạng mục, khoản đóng góp do một vài phụ huynh nhiệt tình đưa ra quá sức với nhiều phụ huynh khác. Làm sao phụ huynh có thể đưa ra các khoản này khoản kia khi mới đầu năm học, lại là đầu cấp nếu không có sự gợi ý?”, chị Thanh Mai băn khoăn.
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc mua vật dụng để hỗ trợ việc dạy học được hiệu quả hơn là điều bình thường, họ sẵn sàng đồng hành. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn hỏi giáo viên chủ nhiệm đầu năm học lớp cần mua sắm thêm gì để hỗ trợ.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng, nếu là những thứ cần thiết để hỗ trợ và nâng cao chất lượng dạy học, giáo viên thấy cần thiết có thể đề xuất với trường. Trường công lập có ngân sách, có các khoản thu chi để hoạt động cho giáo dục, cho những khoản nào hợp lý và cần thiết. Ngoài ra, những khoản thu này thiếu sự công khai, vì cuối năm học, hội phụ huynh cũng chỉ đọc… đã thu bao nhiêu, chi ra bao nhiêu, còn dư bao nhiêu chứ không hề có một hoá đơn, chứng từ gì công khai với phụ huynh. Nhiều người còn băn khoăn, liệu có phải là những khoản được thu theo quy định hay không?
Mỗi nơi một thang “giá”
Các khoản thu khác ở trường như hỗ trợ hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoại khoá, tham quan, đồ dùng bán trú, đồng phục, thậm chí tiền ăn bán trú, tiền nước, học kỹ năng sống… cũng rất dễ bị vượt khỏi ranh giới giữa khoản thu phù hợp, đúng mục đích và các khoản thu có phần… bị lạm dụng.
Đơn cử như mức thu cho học sinh tiểu học tham quan tại các điểm như Đầm Sen, Suối Tiên, khu vui chơi lớn tại TPHCM mỗi trường thu một kiểu. Có trường 250 nghìn đồng/học sinh, có trường 280 nghìn đồng/học sinh. Hay như học sinh THPT thường tổ chức cho các em tham quan, ngoại khoá ở Vũng Tàu, Đà Lạt… mỗi trường cũng thu một mức khác nhau. Dĩ nhiên trên tinh thần tự nguyện phụ huynh cho con tham gia mới đóng, nhưng các khoản thu chi ra sao, phụ huynh cũng… không hề biết.
Hay như tiền nước uống của học sinh tiểu học học bán trú, một số trường thu 12 nghìn đồng/học sinh/tháng, một số nơi thu 15 nghìn đồng/học sinh/tháng. Nước tuỳ theo loại nước khác nhau, việc công khai đơn giá, kiểm định chất lượng nước uống hàng tháng cũng có trường làm, trường không…
Tương tự, tiền học kỹ năng sống cũng khác nhau giữa các trường công lập dù trên cùng địa bàn. Tại TPHCM, cuối năm học vừa qua, nhóm phụ huynh của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Quận Tân Bình) do quá bức xúc việc thu chi không minh bạch, đã căng băng rôn yêu cầu hiệu trưởng nhà trường công khai minh bạch các khoản thu chi và phản ánh có dấu hiệu “mập mờ” trong việc thu tiền điện, kỹ năng sống, Anh văn trong hai năm học vừa qua và yêu cầu trả lại tiền thừa do phụ huynh đóng mà trường chưa chi.
Cần quy định rõ ràng và xử lý nghiêm
Cô Trần Ánh Phương, nguyên giáo viên một trường tiểu học tại TPHCM đã nghỉ hưu chia sẻ, ngoài những nỗ lực của ngành GD-ĐT, sự đồng hành của phụ huynh, đâu đó vẫn còn có những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, với những sai phạm trong lạm thu ở trường học cần phải xử nghiêm. Ngoài ra, cần quy định rõ ràng và công khai minh bạch với phụ huynh.
Theo nhiều phụ huynh, dù đầu năm, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT đều có những hướng dẫn công khai các khoản thu. Nhưng một số khoản thu chưa đúng quy định vẫn bị “núp bóng”, vẫn có tình trạng “trên bảo dưới… chưa nghe”. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra, thanh tra cũng cần được chú trọng.
Đầu năm học 2020 - 2021, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi tất cả các cơ sở GD trên địa bàn về mức thu học phí các trường công lập. Ngoài ra, Sở yêu cầu các cơ sở GD-ĐT công lập thực hiện công khai mức thu học phí và các khoản thu khác, phương thức và thời gian thực hiện công khai.
Tất cả các khoản thu phải được đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh, trong đó nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ. Khi thu, trường học phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm.