Hậu quả từ xử phạt không tích cực
Tuy nhiên, theo cô Lương Thanh Hằng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nam Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên), các biện pháp kỷ luật này còn khá “khô cứng” đối với một số học sinh có biểu hiện chậm tiến về đạo đức.
Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Điều này do hai nguyên nhân: Giáo viên chưa hiểu được tâm lý lứa tuổi học sinh “trong xã hội mở” hiện nay và coi nhẹ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quì, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, làm cho xấu hổ...) có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng, làm học sinh mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật, căm ghét trường học, để lại những “vết sẹo” trong tâm hồn, khiến các em luôn có thái độ thù địch.
Những hình phạt tích cực
Cô Lương Thanh Hằng cho rằng, thay bằng những biện pháp kỷ luật khô cứng, giáo viên nên chú trọng đến những biện pháp kỷ luật tích cực để giáo dục học sinh.
Cô Hằng gợi ý, những hình phạt tích cực mà giáo viên chủ nhiệm có thể áp dụng như sau:
Lao động tích cực, chẳng hạn như vệ sinh trường lớp: Đối tượng bị phạt lao động là những học sinh xả rác bừa bãi, viết bậy hoặc vấy bẩn lên tường lớp học, làm hư hại cơ sở vật chất của trường.
Học sinh bị phạt sẽ vệ sinh trường lớp, tự khắc phục hậu quả do hành vi vô ý thức của các em gây ra.
Biện pháp giáo dục bằng hình thức kỉ luật lao động này sẽ giúp học sinh biết trân trọng môi trường sạch đẹp mình đang có, ý thức rằng việc giữ gìn cảnh quan trường lớp không phải chỉ là công việc của những lao công mà là trách nhiệm của mỗi học sinh với ngôi trường của mình.
Trồng cây xanh: Học sinh cũng có thể đi trồng cây (cây cảnh, cây bong mát, cây thuốc nam…) hoặc chăm sóc cây tạo bóng mát trong khuôn viên của trường.
Những cây cảnh nhỏ học sinh trồng nếu phát triển tốt có thể dùng làm chậu cảnh đặt trên bàn của giáo viên thay cho những bình hoa giả vẫn được sử dụng từ trước đến nay.
Hoặc đặt những chậu cảnh đó tại góc lớp cạnh bục giảng, hay đặt cạnh cửa sổ tạo không gian trong lành, thoáng mát, giảm bớt sự căng thẳng trong lớp học.
Để động viên học sinh tích cực hơn trong việc trồng cây và tạo cảnh quan cho lớp học, ngoài sự khích lệ, khen ngợi của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường cần tuyên dương trong giờ sinh hoạt dưới cờ những lớp học có không gian sạch sẽ, dễ chịu và có thẩm mĩ…
Biện pháp giáo dục kỉ luật bằng hình thức trồng cây có ý nghĩa rất lớn, giúp học sinh thêm yêu và gắn bó, biết giữ gìn và bảo vệ ngôi trường và lớp học của mình.
Giúp đỡ những gia đình học sinh nghèo vượt khó (trong trường, lớp: Giáo viên tập hợp danh sách những học sinh vi phạm nội quy như đánh bài, chơi cờ caro, trốn tiết, chơi điện tử…, huy động những học sinh này đi lao động giúp đỡ những gia đình học sinh trong trường hoặc lớp có hoàn cảnh khó khăn mà vươn lên trong học tập.
Khó khăn khi thực hiện biện pháp này là cần rất nhiều thời gian, rất khó xác định lao động những gì để giúp đỡ những gia đình học sinh khó khăn.
Nếu như phân công lao động không hợp lí sẽ lãng phí thời gian mà không mang lại hiệu quả. Mặt khác, sẽ là bất lợi nếu gia đình học sinh được giúp đỡ ở địa bàn cách xa trường học.
Để khắc phục những khó khăn này, giáo viên cần liên hệ trước với gia đình học sinh đó, ngỏ ý giúp đỡ và hỏi thăm trước những công việc mà gia đình đó cần chia sẻ.
Giáo viên phân công lao động và lựa chọn những gia đình học sinh ở không quá xa địa bàn trường học. Kết quả mà giáo viên hướng tới từ biện pháp giáo dục này là bồi dưỡng tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và sự tự ý thức ở học sinh .
Đọc sách: Giáo viên đưa ra hình thức kỉ luật học sinh như đến thư viện của trường tìm đọc một cuốn sách mà giáo viên giới thiệu. Trong thời gian 1 tuần, học sinh phải đọc và chia sẻ những điều mà mình đã đọc và học được ở cuốn sách đó trong giờ sinh hoạt lớp.
Có khó khăn khi thực hiện biện pháp này. Đó là khả năng tự đọc, nhận thức của mỗi học sinh khác nhau. Những học sinh vi phạm phần lớn lười học, không thuộc bài, không soạn bài, thường xuyên bị điểm kém…có học lực trung bình, yếu kém.
Giáo viên không thể bao quát hết được những cuốn sách có trong thư viện trường để hướng dẫn và kiểm chứng kết quả đọc của các em. Thêm nữa, không phải học sinh nào cũng gạt bỏ được sự tự ti để trước lớp giới thiệu một cách trôi chảy về cuốn sách mình đã đọc.
Giải pháp hạn chế khó khăn để biện pháp giáo dục trở nên hiệu quả hơn là giáo viên không cầu toàn về kết quả đọc sách của học sinh, cần lựa chọn những cuốn sách tiêu biểu, có dung lượng vừa phải, hoặc giáo viên sẽ lựa chọn chủ đề có nội dung giáo dục tương ứng với điều học sinh vi phạm:
Để đạt được hiệu quả giáo dục từ biện pháp kỉ luật này, giáo viên hướng dẫn học sinh cách đọc, thường xuyên động viên, khích lệ học sinh, không yêu cầu quá cao về kết quả tự đọc của các em, ghi nhận những điều học sinh đã làm được và khen thưởng những học sinh tích cực đọc và trình bày khá tốt trước lớp.
Giáo viên có thể yêu cầu 1, 2, 3 học sinh cùng đọc một cuốn sách, cùng giới thiệu về một đối tượng. Giáo viên lắng nghe, so sánh và uốn nắn lại.
Để triển khai có hiệu quả công tác giáo dục bằng kỷ luật tích cực, vai trò của người quản lý vô cùng quan trọng.
Theo đó, những công việc cần triển khai là: Xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường;
Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm nhà trường về vấn đề đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực;
Chỉ đạo nội dung đổi mới cụ thể bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; tổ chức, chỉ đạo thường xuyên các hoạt động thực tiễn đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực;
Kiểm tra, đánh giá các hoạt động đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực;
Tăng cường xây dựng hệ điều kiện cho quá trình đổi mới phương pháp chủ nhiệm lớp bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Cô Lương Thanh Hằng