Những trường hợp trẻ nhỏ phải đối mặt với ranh giới sinh - tử chỉ vì nụ hôn tưởng rất bình thường từ người lớn không phải là hiếm.
Nhưng mọi cảnh giác, thận trọng của cha mẹ dường như vẫn là chưa đủ để ngăn những điều tồi tệ xảy ra với đứa con bé bỏng, quý giá của mình. Như cậu bé Ellis, 1 tuổi, trong câu chuyện được chính mẹ bé chia sẻ dưới đây.
Ellis đang sống cùng cha mẹ tại Abergaveny (xứ Wales). Mẹ bé, Charlotte Jones, cho biết, cô đưa con trai tới phòng khám khi cậu bé tỏ ra không được khỏe. Tại đây, bác sĩ cho rằng bé bị viêm amidan và bị lở miệng.
Nhưng chỉ trong vài ngày, bệnh tình của Ellis chuyển biến xấu rất nhanh. Sau đó, bé được nhanh chóng chẩn đoán mắc virus Herpes đơn (HSV-1).
Với người lớn, HSV-1 không gây hại gì nhưng với trẻ sơ sinh - thuộc nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu - thì virus lại có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Ở bệnh nhi, HSV-1 có thể lan nhanh tới não bộ trẻ, gây suy đa nội tạng và kết cục xấu nhất là tử vong.
Ellis đã được đưa ngay tới viện để chống chọi với loại virus cực kỳ đáng sợ này. Mẹ bé quyết định chia sẻ loạt ảnh cho thấy bệnh tình mà Ellis mắc phải. Những hình ảnh có thể khiến bất cứ ông bố bà mẹ nào nhìn thấy cũng phải rùng mình. Bởi chúng cho thấy tình trạng nghiêm trọng mà cậu bé phải đối mặt.
Trên Facebook, mẹ Ellis bày tỏ: "Mọi người thực sự không hề nhận ra một nụ hôn, một cái chạm thôi từ một người bị bệnh lở miệng (giộp môi) cũng có thể trở thành mối đe dọa khôn lường với sinh mạng của một em bé.
Con bị sốt tới 40 độ, dịch mũi tụ, phải đặt 2 ống thông, dùng vô số thuốc, không ăn uống gì suốt 1 tuần, ngoại trừ ít nước trái cây truyền qua chai.
Chúng tôi đã rất may mắn khi Ellis đã vượt qua mọi chuyện một cách kiên cường. Nhưng đối với một em bé có hệ miễn dịch yếu, kết cục đã có thể rất khác".
Lý do mẹ Ellis chia sẻ câu chuyện của con trai mình là để cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm đến từ những điều tưởng như rất bình thường: "Làm ơn đừng hôn một bé sơ sinh hay trẻ nhỏ nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào của bệnh lở miệng/giộp môi. Hãy vệ sinh bàn tay bạn thật sạch trước khi bạn chạm vào trẻ!
Trong 1 tuần, môi con đã biến đổi rất nhiều. Con vẫn còn cả chặng đường phía trước phải vượt qua nhưng Ellis đang hồi phục tốt".
Herpes là một bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus Herpes đơn gây ra. Chúng để lại những nốt mụn giộp đau đớn ở miệng hoặc cơ quan sinh dục và thường lây truyền qua quan hệ tình dục. Nhiễm virus Herpes thuộc dạng bệnh nhiễm một lần, mắc cả đời.
Có 2 dạng virus Herpes là HSV-1 và HSV-2. Chúng xâm nhập cơ thể qua làn da ẩm của miệng, dương vật, âm đạo và trực tràng. Cả 2 dạng virus herpes đều có thể gây lở miệng, mụn giộp sinh dục, chín mé (các khối áp xe nhỏ) ở ngón tay và bàn tay.
Herpes đặc biệt nguy hiểm với các bé dưới 6 tháng tuổi và trẻ mới sinh bởi hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang hoàn thiện.
Đôi khi, bệnh Herpes ở trẻ sơ sinh chỉ tác động tới mắt, miệng hay da bé. Khi đó, phần lớn bệnh nhi sẽ hồi phục bằng các liệu pháp điều trị kháng virus. Nếu lan sang các cơ quan nội tạng của bé, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.
Gần 1/3 trẻ sơ sinh bị dạng bệnh Herpes này sẽ thiệt mạng, ngay cả khi đã được điều trị.
Một em bé phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus Herpes cao nhất trong vòng 4 tuần đầu đời và con đường lây nhiễm chủ yếu là 1 trong 2 con đường sau:
1. Trong giai đoạn mẹ mang thai và chuyển dạ
Nếu người mẹ bị Herpes sinh dục lần đầu tiên trong vòng 6 tuần cuối cùng của thai kỳ thì em bé có nguy cơ nhiễm cao. Do đó, bạn tuyệt đối không nên hôn trẻ nếu biết mình có virus Herpes trong người hay mới đây từng bị bệnh lở miệng/giộp miệng.
Virus Herpes cũng có thể truyền từ mẹ sang con qua quá trình sinh thường (bằng đường âm đạo).
2. Sau sinh
Virus Herpes có thể truyền sang bé qua bệnh lở miệng/giộp môi nếu ai đó bị nhiễm đã hôn bé. Nó cũng có thể xâm nhập cơ thể bé qua các nốt mụn nước trên ngực người mẹ mang virus HSV-1 trong người và đang cho con bú.
Dấu hiệu cảnh báo sơ sinh bị nhiễm Herpes:
- Bé lờ đờ, mệt mỏi hoặc gắt gỏng, khó chịu.
- Bé bỏ bú, không ăn uống.
- Bé bị sốt cao.
- Bé bị phát ban hay lở loét trên da, mắt và bên trong miệng.
Ngoài ra, hãy gọi cấp cứu ngay nếu bé:
- Thiếu sức sống, mệt mỏi, phờ phạc.
- Trở nên uể oải và không phản ứng.
- Khó đánh thức dậy khi đang ngủ.
- Gặp khó khăn về hít thở hoặc bắt đầu rên rỉ, làu bàu.
- Thở gấp, thở nhanh.
- Da hoặc mặt lưỡi có màu xanh.