Những "hiệp sĩ đường phố" tìm xe ô tô bị trộm ở Mỹ

GD&TĐ - Những người dân Alaska, Mỹ, bức xúc trước tình trạng trộm cắp gia tăng, tình nguyện dành 4-6 tiếng mỗi ngày để theo dõi và ngăn chặn kẻ trộm. 

Những "hiệp sĩ đường phố" tìm xe ô tô bị trộm ở Mỹ
Floyd Hall, 53 tuổi, tham gia vào một nhóm những người chuyên theo dõi những vụ trộm xe ở thành phốAnchorage, bang Alaska, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Floyd Hall, 53 tuổi, tham gia vào một nhóm những người chuyên theo dõi những vụ trộm xe ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ.

Ở bang Alaska, vùng đất lạnh giá và rộng lớn của nước Mỹ với dân cư thưa thớt, mỗi khi có chuyện xấu xảy ra, người ta không thể lúc nào cũng trông mong vào sự ứng cứu kịp thời của cảnh sát và chính quyền địa phương. Thay vì chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn tội phạm, những người dân bình thường như anh Floyd Hall quyết định tự tay thực hiện công lý, New York Times đưa tin. 

Anh Hall, 53 tuổi có giọng nói ấm áp, là một công nhân dọn tuyết với dáng người khỏe khoắn và bộ râu muối tiêu. Những lúc rảnh rỗi, anh mang theo bộ súng ngắn bán tự động dùng cỡ đạn .45 và rong ruổi trên đường tìm bắt những kẻ trộm xe ôtô ở Anchorage, thành phố lớn nhất của bang Alaska.

"Ai cũng có thể làm việc này. Tôi đâu có gì đặc biệt", Hall nói về nhóm những "hiệp sĩ đường phố" như anh hàng ngày dành từ 4 đến 6 tiếng để theo dõi ứng dụng cảnh báo các vụ trộm xe ở Alaska. Sau khi nhận được thông tin biển số của chiếc xe bị trộm, Hall và các thành viên khác sẽ lao ra đường, rượt đuổi và chặn chiếc xe lại rồi mới gọi điện báo cảnh sát tới hiện trường. 

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng đầu năm nay, Hall đã giúp tìm lại khoảng 75 chiếc xe bị mất cắp cho khổ chủ. Chính quyền thành phố cho biết họ không thống kê chính xác số lượng "hiệp sĩ đường phố" như anh Hall nhưng đoán rằng con số khá lớn. Bức xúc trước tình trạng tội phạm gia tăng và nhờ sự trợ giúp của công nghệ, lực lượng "công lý dân phòng" bỗng trở nên lớn mạnh ở Alaska. 

Anchorage, với dân số chỉ khoảng 300.000 người, cũng phải đối mặt với các vấn đề tội phạm như các thành phố khác. Dân địa phương cho biết dù ra ngoài một mình vào ban ngày hoặc đêm vẫn an toàn, gần đây họ bắt đầu phải học thói quen mới là khóa cửa nhà.

Theo cảnh sát thành phố, số vụ trộm xe ôtô đã tăng 57% năm 2017 so với một năm trước đó. Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm nay, số xe bị báo mất cắp tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Anchorage từ thành phố xếp thứ 47 cả nước về số vụ trộm xe trên đầu người năm 2015 "thăng hạng" lên vị trí thứ 6 vào năm 2016, theo cơ quan bảo hiểm quốc gia. Một số ý kiến cho rằng tình trạng tội phạm trộm cắp gia tăng là do kinh tế trì trệ và vấn nạn nghiện ngập. Hồi tháng hai, tỉ lệ thất nghiệp ở Alaska cao nhất cả nước, ở mức 7,3% sau khi giá dầu lao dốc ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu thô. 

Cảnh sát thành phố Anchorage lục soát một chiếc xe bị trộm. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát thành phố Anchorage lục soát một chiếc xe bị trộm.

Không phải tất cả mọi người đều cổ vũ hành động "công lý dân phòng" của anh Hall, đặc biệt là lực lượng cảnh sát địa phương. Trong quá trình "thay trời hành đạo", anh Hall từng "ăn đạn" của một tên trộm xe. Anh thậm chí phải ra tòa vì cáo buộc lái xe gây nguy hiểm cho người đi đường khi cố gắng truy đuổi kẻ cắp. Dẫu vậy, anh vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Họ sẵn sàng biểu tình trước tòa án nhằm gây sức ép với bồi thẩm đoàn. Còn luật sư bào chữa cho Hall hoàn toàn miễn phí.

Một "hiệp sĩ đường phố" khác bảo vệ công lý ở Anchorage là ông John Staser. Là một trung tá Công binh về hưu, ông Staser mở hai cửa hàng bán đồ thể thao ở trung tâm thành phố. Dạo gần đây, cửa hàng ông liên tục bị "thó" đồ. Gần đây nhất, ông Staser nghi ngờ một khách hàng có ý định ăn trộm nên đã dùng súng điện khống chế nghi phạm trong lúc đợi cảnh sát đến. 

Người đàn ông 60 tuổi này kể từng "bám đuôi" một kẻ trộm suốt 45 phút với ý định "thuyết giáo" một bài về "trách nhiệm với mỗi hành động của bản thân" mặc dù kẻ tội phạm đã vứt lại món đồ trị giá khoảng 1.500 USD ngay trước cửa hàng. Ông Staser chỉ chịu "buông tha" cho kẻ trộm khi hắn tuyệt vọng vẫy tờ 20 USD trước mặt một người lái xe ngang qua và đề nghị cho đi nhờ. 

Dẫu vậy, Staser biết một ngày nào đó ông sẽ bước đến lằn ranh đỏ giữa sự sống và cái chết. Những tên tội phạm hầu hết đều trẻ hơn ông rất nhiều, Staser thú thực. "Tôi sẽ phải ngừng việc truy đuổi mấy gã này", ông vừa nói vừa lắc đầu.

Cảnh sát trưởng Justin Doll cho biết ông ủng hộ các hoạt động dân phòng như người dân cùng giữ gìn trật tự khu phố, giúp nhau trông chừng tài sản nhưng ông lo lắng mọi hành động "nhiệt tình thái quá" sẽ tạo ra phong trào "thay trời hành đạo". Theo định nghĩa của nhà nghiên cứu tội phạm học Nicole Haas từ trường Đại học Leiden của Hà Lan, đây là "hành vi hình sự có tính toán được thực hiện bởi một hay nhiều công dân nhằm đáp lại mối đe dọa của một tội ác".

"Ai cũng hành động với ý tốt là bảo vệ cộng đồng nơi mình sinh sống nhưng việc này thực sự rất nguy hiểm", cảnh sát trưởng nói. "Điều tôi muốn khuyến khích anh Floyd (Hall) và những người khác làm là tiếp tục tích cực lên tiếng vì sự an toàn của cộng đồng nhưng với bọn tội phạm, hãy để chúng tôi ra tay". 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.