Một số hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông tưởng chừng “sai lè” vì có nguy cơ dẫn đến tai nạn nhưng lại không phải thế. Trong quy định của luật giao thông và một số quy định liên quan, các hành vi tưởng rằng có lỗi này lại không được quy định cụ thể nên không thể xử phạt.
Buông cả hai tay khi lái ô tô
Hình ảnh nữ diễn viên buông hai tay khi lái xe
Luật giao thông hiện hành quy định người điều khiển, người ngồi trên ô tô phải thắt dây an toàn, làm chủ tay lái, quan sát mặt đường lưu thông phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông. Do đó, khi đang điều khiển ô tô mà người lái buông cả hai tay ra là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể có những tình huống bất ngờ xảy ra.
Thời gian qua một số vụ việc như tài xế xe khách buông hai tay ăn mì, nữ nghệ sĩ buông cả hai tay để múa trong xe đã được dư luận phản ánh. Tuy nhiên, bất ngờ là hiện nay hành vi này lại chưa được quy định cụ thể trong luật nên không thể xử phạt được.
Lái mô tô bằng một tay
Một phụ huynh vừa lái xe vừa giữ con rất nguy hiểm
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe.
Tuy nhiên, hành vi lái xe mô tô bằng một tay thì không bị xử phạt. Việc buông tay khi đang lái xe dù là một hay hai tay đều rất nguy hiểm, đặc biệt với các loại xe tay ga điều khiển ga hay thắng đều bằng tay.
Khi lưu thông trên đường khó tránh việc có lúc người lái tạm buông một tay để điều khiển xe. Tuy nhiên, việc này chỉ nên xảy ra thật nhanh trong tình huống thực sự cần thiết.
Xe mô tô không có gương chiếu hậu bên phải
Nghị định 46/2016, quy định xử phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông mà phương tiện không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển, hoặc có nhưng không có tác dụng.
Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị phạt nếu có gương chiếu hậu bên trái đúng chuẩn
Như vậy, nếu chiếc xe không có gương chiếu hậu bên phải mà vẫn có gương chiếu hậu bên trái thì sẽ không mắc lỗi và không bị xử phạt.
Không xi nhan ở đường cong
Luật giao thông đường bộ có quy định khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Nghị định 46/2016 quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ. Hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức mà không bật đèn xi nhan thì sẽ được loại trừ, không xem là lỗi vi phạm.