1. Biết tôi đang làm tại một nhà mạng, anh vui vẻ bảo: “Trước đây mình cũng đi… trực tổng đài cho mạng X đấy chứ, nhưng được một thời gian thì nghỉ. Nằm nhà hoài cũng chán, muốn kiếm cơ hội giao tiếp thôi, chứ tiền bạc ở Việt Nam này đối với mình nào có quan trọng gì…”.
Lúc thân hơn, anh thật tình kể rằng, đại gia đình anh có căn nhà mặt tiền ở khu trung tâm, sống chung hết, trước đây vẫn hùn nhau bán mấy món ăn nhẹ làm kế sinh nhai. Mẹ và vài anh chị định cư ở nước ngoài. Ba anh và mấy người con còn lại, nhiều năm nay, dành hầu hết thời gian và tâm trí cho việc lo chạy giấy tờ, xin visa để qua bển…
Hỏi đến gia đình riêng, anh cười, nửa bực nửa bất cần. Con vợ mình cổ hủ và cố chấp lắm. Nó không chịu đi. Đã nói ra nước ngoài lũ trẻ mới có tương lai, nhưng nó vẫn thờ ơ không hợp tác. Mình cũng đến khổ. Kêu ly hôn thì cũng kỳ, mà cứ lằng nhằng vầy, hồ sơ biết đến khi nào mới xong. Chẳng lẽ, chờ đến chừng này tuổi rồi, mà lại bỏ cuộc?
Mới hay rằng, anh học hành lỡ dở, mà nghề nghiệp càng chẳng đến đâu, bởi cái tâm lý “qua bển rồi cũng phải làm lại từ đầu, cố gắng chi cho phí”. Cuộc sống của anh luôn ở trạng thái phấp phổng “chuẩn bị”. Chỉ có lấy vợ, sinh con là anh không “nhịn” được. Tưởng vợ sẽ vui mừng khi anh thông báo lo giấy tờ xuất cảnh, ai dè vợ tuyên bố một câu chưng hửng là: Anh muốn đi đâu, cứ việc. Nếu thuận lợi dễ dàng, thì mấy chị em anh đâu có uổng phí gần hết cả đời thế này!
Vợ chồng giận nhau gần cả tuần vì câu ấy. Thâm tâm biết vợ nói không sai nhưng anh vẫn cảm thấy chói tai, khó chịu. Ở đâu ra cái thứ đàn bà chỉ biết quanh quẩn đi làm, cun cút nuôi con, kiếm được đồng nào là cắc củm để dành, nghĩ gần và nghĩ thấp đến thế không biết! Bao nhiêu năm qua, cả nhà anh sống chủ yếu nhờ vào những khoản tiền be bé mẹ và hai chị gởi về, cộng thêm ít thùng đồ bán lại cho mấy tiệm kinh doanh hàng xách tay. Có bao nhiêu dốc hết cho cò, thủ tục, chi phí linh tinh. Chẳng ai ra ngoài đi làm, kẹt tiền quá thì xoay ra nấu nướng mở tiệm trở lại, được ít hôm thì chán, đóng cửa. Quanh đi quẩn lại, cứ thế, nên vợ chồng, con cái cắn đắng nhau hoài cũng là lẽ thường. Chừng nào đi được, đổi đời rồi, hạnh phúc sẽ tự tìm đến, có khó gì đâu! Cứ vài ba bữa, cả nhà lại phải chứng kiến một cặp nào đó cãi nhau ầm ĩ. Ba anh mệt mỏi bảo, mong là đi mau mau, chứ cứ vầy hoài, tụi nó đến bỏ nhau mất, lại ảnh hưởng đến giấy tờ, mắc công làm lại nữa…
Kể đến đây, anh bỗng tức giận bảo, tại con vợ mình nó cứ hay càm ràm chuyện tiền bạc, nuôi dạy con này nọ. Nó bảo mình vô trách nhiệm, sống ích kỷ, có khi còn nói nặng là mình “mơ hão”. Mình phải lo chuyện lớn, có thời gian đâu để tâm mấy việc tủn mủn đó được. Hồi năm trước, mình còn phải đi học làm móng, đắp bột, chải tóc, để qua bển dễ bề sinh sống. Nói thiệt nha, vợ mình mà cà chớn, mình ly hôn xong, sẽ làm giấy kết hôn giả, bảo lãnh ai đó đi cùng, lấy tiền hoa hồng cũng bộn. Mà biết đâu, lỡ phim giả tình thật, chừng đó đừng hòng mình gởi đồng bạc nào về phụ nuôi con!
2. Tôi quen chị khi hay đến tiệm gội đầu. Tuy ngoài bốn mươi, nhưng chị vẫn giữ được vẻ trắng trẻo dễ thương của một cô giá lỡ thì. Ngồi làm cho khách, nhưng chị kè kè bên mình chiếc điện thoại, online suốt, đợi người ta liên lạc về. Lúc vui, chị hào hứng kể, ảnh dễ thương lắm, chăm sóc chị từng chút một. Ngày nhắn tin mấy bận, nhắc em nhớ đi đường cẩn thận, phải ăn sáng đó nhé, chúc em ngủ ngon… Đủ thứ hết. Cái gì cũng kể chị nghe. Toàn những dự định tốt lành như đám cưới làm mấy mâm, xong bảo lãnh chị qua bển sống, chị sẽ không cần phải đi làm, tha hồ sang thăm bà con ở tiểu bang khác, ăn uống toàn đồ bổ phủ phê. Ảnh còn bảo, tháng chín này sẽ về để… gặp mặt, tiến tới luôn, háo hức quá rồi. Lúc buồn, mặt chị dàu dàu bảo, ở xa như vầy, thiệt không biết tình ý người ta ra sao. Ảnh biết đâu cũng như mấy người hồi trước chị từng quen, coi dễ mà khó lắm, lúc tán tỉnh thì vậy, chừng bàn tới chuyện cưới xin, lại không biết đâu mà lần…
Gặp lúc tiệm vắng khách, chị tỉ tê tâm sự, từng có lúc tưởng tiến tới hôn nhân với một ông Việt kiều góa vợ rồi ấy chứ. Khi con ong đã tỏ đường đi lối về, ông ta bỗng dưng im lìm, không tiếp tục xúc tiến giấy tờ cho chị đi như đã hứa. Cái đám cưới rình rang dưới quê trở thành nỗi buồn tủi bí mật mà chị mang theo trong hành trang lên thành phố tìm việc làm, đồng thời chờ đợi một thời cơ mai mối để kiếm một tấm chồng ngoại. Chị chê trai nội à? Trả lời cho câu hỏi ấy, chị cười buồn, bảo, em nghĩ mà xem, từng tuổi này, lại mang tiếng một lần đò, có ai muốn ưng chị hay không cơ chứ! Với lại, giờ có bập vô một anh chàng thuần Việt nào đấy, cũng không từng ly hôn thì đã chết vợ, con riêng con chung, nhà chồng nhà mình, nhậu nhẹt, bạo hành, gia trưởng, hỏi sao mà chị dám tiến tới với ai bây giờ?
Tôi ngó quanh, thấy tiệm làm tóc như một điểm hẹn của quý bà quý cô ươm giấc mơ lấy chồng ngoại. Này là cô bé cao ráo mới ngoài hai mươi, nói chuyện rành rẽ về thủ tục cưới xin, chứng minh mối quan hệ với tụi phỏng vấn, cứ như từng là người trong cuộc. Này là mấy bà có con gái nhỏ, nửa đùa nửa thật bảo, có mối nào ngon ngon giới thiệu cho em nó với. Mấy người lần trước không hợp… Này là cô chủ tiệm, có chồng đang sống bên Sing, dành dụm mấy tháng cô lại dắt con bay qua thăm chồng một lần, hay tắc lưỡi kêu lên rằng, đàn ông xứ mình ngày càng chán lắm em ơi, không trông mong gì được, với lại, hy sinh đời mẹ củng cố đời con, cho bọn trẻ có môi trường học hành, sinh sống, chứ một kiểng hai quê, cũng đâu sung sướng gì… Này là chị, buồn vui thất thường theo những liên lạc vượt qua đại dương để bay đến chiếc điện thoại con con bên mình.
Giọng nói vẫn còn mang âm hưởng miền quê chân chất của chị bỗng khiến tôi nghĩ về những cô dâu khốn khổ lấy chồng Đài Loan, chồng Hàn, đặt cả cuộc đời mình vào một canh bạc cầu may. Tưởng đó là chuyện ở vùng sâu vùng xa nào đó, là quá vãng xôn xao của cái thời hơn mười năm trước kia, chứ ai dè, giữa thành phố này vẫn còn những người thắc thỏm mong một cơ hội đổi đời kiểu ấy. Nhỉnh hơn được chút, chị có việc làm, có thể lựa chọn, có những kinh nghiệm mà chị em rỉ tai nhau trong việc định giá và phân loại cánh đàn ông ở trời Tây đang lăm le bắn tỉa mình. Nhưng, chờ đến bao giờ thì may mắn sẽ đến với chị đây?
3. Tôi chợt nhớ đến anh bạn kể trên, buồn cười với một ý nghĩ thầm lén một mình, rằng, hay giới thiệu hai anh chị với nhau, nhỉ! Biết đâu, cùng chung chí hướng, họ sẽ dễ dàng đồng cảm và có thể hiệp lực để biến giấc mơ của cả thời son trẻ kia thành sự thực. Mà ai bảo đảm rằng, đến khi toại nguyện rồi, họ sẽ không phải nuối tiếc khi cuộc sống mới cũng chỉ ở mức làng nhàng, mọi thứ không giống như giấc mơ mà họ từng ấp ủ bao năm dài. Hay chỉ cần biến giấc mơ trở thành sự thật thôi, là người ta sẽ đủ mãn nguyện để thấy bao đánh đổi từ tuổi trẻ cho tới sự ấm êm hạnh phúc của gia đình cũng là bình thường?