Khi cha mẹ may mắn được ông bà nuôi dưỡng bằng giá trị văn hóa tinh thần
Khi còn là những đứa trẻ, hẳn ai cũng từng được cuộn tròn trong lòng ngoại, nghe bà kể chuyện Lưu Bình Dương Lễ, sự tích Bánh chưng bánh dầy... Tuổi thơ chúng ta đầy ắp những ước mơ được giỏi giang như nàng Châu Long xinh đẹp, nhân hậu và khéo léo như nàng Tấm têm trầu, đôi khi còn không ngừng mong muốn có một sức khỏe phi thường như Thánh Gióng và chơi đàn hay ho như Thạch Sanh.
Những ước mơ theo chúng ta suốt hành trình khôn lớn, với những đúc rúc vô giá từ kho tàng truyện cổ của bà: gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy, ở hiền nhất định sẽ gặp lành, hai bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm... Hành trang vào đời của chúng ta giản dị, nhưng vô cùng quý báu.
Cái đáng giá nhất mà chúng ta có được, chính là một tâm hồn được nuôi dưỡng bằng nền tảng văn hoá, tinh thần chân, thiện, mỹ, và những giá trị nhân văn cao đẹp. Điều này cũng góp phần hình thành nên nhân cách và văn hoá của một thế hệ, một dân tộc. Khi lớp trẻ thấm nhuần những bài học nhẹ nhàng nhưng thâm sâu từ cha ông, họ sẽ biết định hướng cuộc đời mình một cách đúng đắn và sử dụng nó như một kim chỉ nam để sống, và tin tưởng vào những điều tốt đẹp, trong cuộc đời lắm bon chen và nhiều sa ngã này.
Ấy vậy mà khi cuộc sống càng hiện đại, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao và có nhiều lựa chọn hơn, thì chính chúng ta - những người từng được thế hệ cha ông đắp bồi một nền tảng văn hoá Á Đông thuần khiết - lại vô tình bỏ quên việc truyền những giá trị cao quý đó lại cho thế hệ kế thừa của mình. Những đứa trẻ của thời đại công nghệ hầu như không biết gì về những nhân vật cổ tích đã đi hết thời thơ ấu và lớn lên cùng cha mẹ chúng.
Các con ngơ ngác trước những câu hò, điệu lý, dân ca, ví dặm, vì chưa từng được mẹ hát cho nghe trước khi đi ngủ bao giờ. Những trò chơi ô ăn quan, lò cò, bịt mắt bắt dê... chẳng thể nào vui vẻ kịch tính như các game hành động trên các thiết bị cảm ứng đầy mê hoặc. Và điều quan trọng nhất, chính chúng ta cũng chạy theo guồng quay của xã hội hiện đại, thoả hiệp với những tâm hồn bị đóng băng bởi công nghệ, và đẩy con cái mình xa rời với mọi giá trị dân gian xưa cũ.
Đừng để con thiệt thòi vì không được kế thừa kho tàng văn hoá dân gian
Hãy bắt đầu kể con nghe về những câu chuyện cổ tích ngay từ bây giờ |
Nhưng, liệu con cái chúng ta có được cái niềm tin ấy không, nếu bọn trẻ không hề được trao cho những bài học giá trị ấy? Khi bị tước đi cơ hội tiếp xúc với văn hoá dân gian, trẻ cũng bị tước mất cái nền tảng văn hoá mà ông bà, cha mẹ đã cố công vun đắp từ bao đời. Không biết cội nguồn, tổ tiên, sự hình thành cuộc sống, trẻ cũng sẽ không thể có được tình yêu với nơi mình đã được sinh ra. Và sẽ thiệt thòi biết mấy, nếu tồn tại một thế hệ lớn lên trong hoang mang vì không được tiếp thu nhân, trí, lễ, nghĩa, cùng những giá trị nhân văn tốt đẹp, thậm chí có thể trở thành những cá nhân vô tâm và lệch lạc về nhân cách. Tất nhiên, chẳng cha mẹ nào lại mong muốn điều đó.
Sẽ là chưa muộn nếu chúng ta bắt đầu cho trẻ được tiếp xúc với những giá trị văn hoá dân gian ngay từ bây giờ, từ những điều rất nhỏ. Và điều quan trọng chúng ta không hề lẻ loi trên hành trình này. Như cách bài hát Bống Bống Bang Bang, hay MV Bước Chân Cổ Tích… đã thực sự lan toả tình yêu văn hoá dân gian đến các bạn nhỏ. Để những câu chuyện cổ không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn con, mà còn theo chân con trên mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách trên hành trình dài để học cách trưởng thành và khôn lớn.