Những dòng suối không trở về

GD&TĐ - Ở những vùng quê thanh bình, yên ả, những dòng suối ngày đêm chảy róc rách quanh những xóm làng, mang dòng nước trong mát về cho những cánh đồng bát ngát đã trở thành một hình ảnh thân thương, gần gũi, gợi lên bức tranh quê bình dị mà hữu tình. 

Suối gắn bó với cuộc sống mưu sinh của người dân.
Suối gắn bó với cuộc sống mưu sinh của người dân.

Những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của đô thị hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ý thức của người dân đã khiến những dòng suối quê hương trở thành những dòng suối chết, không bao giờ trở lại...

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê trung du, nơi có rừng cọ, đồi chè, những đồng lúa bát ngát dưới chân những đồi núi nhấp nhô. Xưa kia, quê tôi có những dòng suối trong mát chảy quanh những thửa ruộng mang nước về cho những ruộng lúa, chảy về những ao đầm cho những mùa lúa chín, mùa tôm cá trĩu nặng.

Những con suối bắt nguồn từ những dòng thác ở phía rừng, đó là những dòng nước trong mát, trắng xóa chảy từ trên núi cao xuống thành những dòng thẳng tắp. Để rồi những dòng nước ấy khi xuống chân rừng, chảy thành những dòng suối nhỏ, cần mẫn, róc rách đêm ngày để uốn dòng theo những cánh đồng.

Trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi và cả những ai sinh ra và lớn lên ở vùng trung du yên ả này thì hình ảnh dòng suối là một phần ký ức, là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời mình. Nhớ khi trưa hè oi ả, những đứa trẻ quê chúng tôi rủ nhau ra suối chơi trò đắp đập, be bờ để chặn dòng bắt tôm cá, đắp suối thành những ao nước sâu để vẫy vùng tắm mát.

Có hôm, cả bọn rủ nhau ra bờ suối câu cá cờ, cá rô và câu cả những chú cua béo mẫm nằm dưới lòng suối. Có những chiều rủ nhau ra ven suối cắt cỏ cho trâu, hái rau dớn, hái quả vả ven rừng. Những ngày đến trường, bọn trẻ trong xóm không đi theo đường chính mà rủ nhau men theo con suối để có đoạn được lội qua suối cho thỏa thích.

Dù thời gian có trôi đi nhưng hình ảnh những dòng suối dịu mát tình quê hương luôn sống mãi trong tâm hồn mỗi con người thôn quê yêu dấu.

Đối với người dân vùng trung du, miền núi, vùng cao, những dòng suối có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Suối mang nước về cho những thửa ruộng vào vụ cấy cày. Ở miền núi, người dân sáng tạo ra những chiếc cọn nước khổng lồ và đặt ngay cạnh suối để đưa nước về ruộng.

Thời xưa, người dân vùng cao Tây Bắc còn tận dụng lực chảy của nước suối để làm những chòi giã gạo ngay ven suối. Suối còn mang nước về những ao đầm, hồ để người dân be bờ thả cá tôm, dùng nước suối để làm thủy điện và dẫn nước về nhà để dùng cho sinh hoạt hằng ngày.

Có những nơi, cư dân sống chủ yếu ở hai bên bờ suối, họ dựa vào suối để duy trì cuộc sống. Nước suối trong mát để tắm mát, rửa ráy, giặt giũ. Suối cho cá tôm để bữa ăn hằng ngày thêm phần dư vị.

Chiều chiều, những đứa trẻ quê rủ nhau ra suối vùng vẫy, tắm mát giữa một không gian chiều quê thanh bình. Những con suối hiền hòa chảy từ muôn đời là một phần không thể thiếu để làm cho môi sinh được trong lành, cho hệ sinh thái được sinh sôi, phát triển. Để từ đó, môi trường có tác động tích cực đến cuộc sống của con người.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, dưới tác động, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng quê đã tác động không nhỏ đến việc làm ô nhiễm, xóa sổ những dòng suối.

Đó là việc san lấp những thửa ruộng để lấy mặt bằng cho nhà máy, công xưởng, thay vào những dòng suối hiền hòa xưa kia là những đường ống bê tông dùng để thoát nước.

Có những nơi, chất xả thải, rác thải, phế liệu đều đổ dồn ra bờ suối khiến cho dòng chảy bị ứ lại, dòng nước vốn trong vắt nay chuyển sang màu đen ngòm, các sinh vật như tôm, cua, cá suối không có cơ hội sống sót. Cả dòng suối như một bể nước dài chứa chất thải và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Cỏ cây ven bờ cứ thế mà khô héo dần.

Có những nơi, phía đầu nguồn do tình trạng chặt phá rừng bừa bãi đã làm cạn kiệt nguồn nước từ nơi mạch núi. Xưa kia những dòng thác chảy từ trên núi xuống để tạo nên những dòng suối thì nay khô cạn dần và chỉ còn những dòng nước nhỏ không đủ sức chảy.

Vì thế, những dòng suối phía hạ nguồn cứ thế mà khô dần, mất dần dòng chảy. Ở những chỗ khô cạn, cỏ mọc rậm um tùm, bùn đất khô nứt nẻ, dần dần đã mất đi dấu vết của những con suối. Có chăng, ở những đoạn có nước thì lại biến thành những vũng nước đục ngầu.

Những con suối ngày càng bị thu hẹp. Có nơi đổ đất, lấp ruộng, lấn dần ra suối, chỉ để lại một dòng chảy nhỏ để thoát nước. Nếu xưa kia, dòng suối rộng, nước sâu, phải lội hay bơi thuyền nan mới qua được thì nay chỉ cần cái “nhảng chân” nhẹ là qua được bờ bên kia một cách dễ dàng.

Có nơi, người dân be bờ, đắp đập, lấn suối làm ruộng khiến cho chiều ngang của những con suối bị thu hẹp dần. Ở vùng cao, người dân còn khai thác đá, cát sỏi ở lòng suối khiến cho những đoạn suối trở nên nham nhở, nước đục ngầu, có những đoạn sâu khá nguy hiểm cho con trẻ.

Ở những vùng quê, người dân từ bao đời nay vốn dựa vào suối để mưu sinh, canh tác ruộng đồng thì nay, chính họ lại làm ô nhiễm, vẩn đục những con suối. Đó là việc người dân phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, vứt những chai thuốc, túi thuốc xuống suối khiến cho dòng nước trở nên ô nhiễm nặng.

Thuốc sâu chảy xuống suối khiến cho các sinh vật không thể sống sót được. Đặc biệt, những hộ dân sống quanh những con suối đã “tiện thể” xả thải nước bẩn qua những đường ống nhựa khiến cho những đoạn suối bị tù đọng, nước bị biến sang màu đen, rêu mọc phủ kín mặt nước. Đi qua những con suối, người ta vẫn ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên, nhất là khi trời mưa.

Môi trường sống nơi những vùng quê trung du vốn được cho là trong lành, không ô nhiễm, không khói bụi nhưng nay đã không còn như vậy. Những nhà máy, công xưởng với những cột khói cao ngút trời như xé toang bầu không khí thoáng đãng của những vùng quê.

Những dòng suối đang oằn mình hoặc nằm bất động trong cơn “hấp hối” khi sắp phải giã từ, sắp bị xóa sổ. Có những dòng suối thì ra đi mãi mãi trong sự vùi lấp của đất đá. Không còn nữa những dòng suối trong mát của tuổi thơ ngày nào, không còn nữa những chiếc cọn nước tung lên những ngụm nước suối trong vắt để đổ vào những cánh đồng bát ngát lúa non.

Ai đó muốn lội xuống suối để rửa chân cũng rụt vội lại bởi rác, rêu và màu đen của nước. Muốn xuống bắt con cua, con bống cho bữa ăn đậm chất quê cũng không sao kiếm được. Có những nơi, người dân phải chặn dòng, rẽ dòng không dám cho suối chảy vào ao nhà mình vì sợ cá bị ô nhiễm.

Vẫn còn những con suối đấy nhưng nước cạn đến tận bùn, khô, đen ngòm và cỏ mọc rậm um tùm. Hôm nay và tương lai, có thể con cháu chúng ta không còn biết đến những con suối mát lành của quê mình, không có những kỷ niệm tươi đẹp của tuổi thơ nơi làng quê. Và để rồi, khi trong trang sách có những câu thơ, những bài văn viết về dòng suối, các em học sinh có thể sẽ ngơ ngác không biết suối là gì.

Chúng ta cần cứu lấy những con suối để cứu lấy môi trường sống của chính chúng ta. Vẫn biết rằng, quá trình đô thị hóa và công nghiệp phát triển sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu ý thức của người dân, việc xử lý chất thải, rác thải không làm tổn hại đến môi trường thì chắc chắn những dòng suối quanh những xóm làng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của nó.

Các địa phương cần tuyên truyền cho người dân việc giữ gìn môi trường, môi sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ở những cánh đồng cần xây những bể chứa rác thải để người dân đổ vỏ thuốc trừ sâu vào đó, tránh được việc ném xuống dòng suối.

Hằng năm, các lực lượng trong các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân... cần tổ chức phát quang hai bên bờ suối, khơi dòng chảy, làm vệ sinh rác thải cho dòng suối để trả lại cho suối những dòng nước sạch.

Đừng để những dòng suối không trở về, đừng để môi trường sống quanh ta trở nên ô nhiễm. Mỗi người, mỗi địa phương cần hành động để cứu lấy những con sông, con suối, cứu lấy vẻ đẹp thanh bình của những làng quê như thể cứu lấy sự sống của chính chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ