Những đóng góp tích cực về phương pháp giảng dạy từ Dự án USAID BUILD-IT

GD&TĐ - Ngày 15/4 tại Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra  Diễn đàn phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn, với sự tham dự của hơn 100 đại diện đến từ các trường đại học, doanh nghiệp.

Các diễn giả khách mời tham gia trao đổi tại Diễn đàn.
Các diễn giả khách mời tham gia trao đổi tại Diễn đàn.

Sự kiện thuộc Dự án USAID BUILD-IT do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) thực hiện.

Một trong những nội dung nổi bật của diễn đàn là bài phát biểu của ông Ace Wilson đến từ công ty Intel, tiếp nối bằng chuyên mục đối thoại trực tiếp do Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) và kết thúc phần diễn đàn buổi sáng bằng một phiên thảo luận về hợp tác đổi mới sáng tạo trong việc dạy học. Buổi chiều, hội thảo tiếp tục với các chương trình phát triển bền vững nhằm thúc đẩy việc học tập dựa trên các vấn đề thực tiễn trong các lớp học.

Trong suốt thời gian diễn ra diễn đàn, các thành viên của BUILD-IT trong các lĩnh vực học thuật, chính phủ và doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ và thảo luận về những hình mẫu thành công trong lĩnh vực học tập dựa trên vấn đề thực tiễn trong giáo dục đại học Việt Nam. Tập trung cốt lõi của các phiên thảo luận tại diễn đàn là nhấn mạnh về việc đào tạo nên một lực lượng lao động hiệu quả dựa trên phương pháp học tập dựa trên việc giải quyết vấn đề.

Đại diện các đơn vị tham gia trao đổi tại sự kiện.

Đại diện các đơn vị tham gia trao đổi tại sự kiện.

Để giúp các giảng viên hiểu và áp dụng hiệu quả hơn với cách giảng dạy này, dự án BUILD-IT đã sáng tạo và triển khai chương trình phát triển tập huấn đào tạo giảng viên nguồn (Certified Facilitator) và khóa tập huấn giảng viên giảng dạy (Master Teacher Training) để áp dụng phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề thực tiễn trong các lớp học và chuẩn bị cho lực lượng lao động của ngành công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, các khách mời tham dự cũng chia sẻ các góc nhìn, quan điểm đã được quan sát trong 10 năm qua, đồng thời chỉ ra sự thay đổi về chất lượng của lực lượng lao động tại Việt Nam.

Theo ông Jeffrey Goss - Chủ nhiệm dự án BUILD-IT, Phó Hiệu trưởng điều hành các Chương trình Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona, trong những năm qua, các cuốn sổ tay BUILD-IT đã được phát triển với sự cộng tác và đóng góp ý kiến từ các đối tác của BUILD-IT và được thiết kế để định hướng và biên soạn các phương pháp hay nhất đã được các tổ chức đối tác triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Diễn đàn học tập dựa trên vấn đề thực tiễn là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn BUILD-IT năm 2022, tập trung vào các chủ đề chính được các đối tác ưu tiên trong cuốn sổ tay BUILD-IT.

“Trong 7 năm qua, BUILD-IT cùng các đối tác doanh nghiệp, đại học đã làm việc với đội ngũ giảng viên, lãnh đạo của các tổ chức đối tác đại học Việt Nam để tích hợp Phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn vào các lớp học và dự án trên khắp Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi muốn nhìn lại những thay đổi và tác động đã có đối với học sinh ngày nay và lực lượng lao động STEM trong tương lai.

Chúng tôi mong muốn chia sẻ và lắng nghe về những thử thách đối với sự bền vững và khả năng mở rộng mà chúng tôi đã gặp phải cũng như cách chúng tôi vượt qua để đưa Phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn đến với hàng chục nghìn sinh viên đang chuẩn bị tham gia lực lượng lao động…” - ông Jeffrey Goss chia sẻ.

PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phát biểu tại sự kiện.
PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho rằng nhà trường may mắn đã được làm đối tác chiến lược của Đại học Bang Arizona trong 10 năm qua trong nhiều dự án HEEAP, VULII và bây giờ là BUILD-IT. Ở các dự án này nói chung và BUILD-IT nói riêng, giảng viên chúng tôi được tham gia nhiều tập huấn để thay đổi phương pháp giảng dạy từ chỉ đơn thuần là nghe giảng sang giảng dạy tích cực, chủ động, và giảng dạy theo phương pháp học tập dựa trên việc giải quyết vấn đề thực tiễn, gọi tắt là PBL.

“Nhờ đó, IUH đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại. Những dự án nổi bật trong mối quan hệ giữa IUH và BUILD-IT phải kể đến như xây dựng hệ thống đánh giá KPI, kiểm định ABET-AUN QA, nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên với mô hình CFT/ MTT, ứng dụng giảng dạy 4.0.

Những kết quả từ sự hợp tác này không những đem lại tiếng vang cho IUH cũng như đem lại giá trị thực tiễn cho sinh viên nhà trường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và được đánh giá rất tốt trong quá trình làm việc nhờ được ứng dụng thực tế vào quá trình học tập…” - PGS.TS Đàm Sao Mai chia sẻ.

“Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có cơ hội làm việc với Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) trong sáng kiến hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực của lực lượng lao động TPHCM lên tầm quốc tế sẵn sàng làm việc, cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Đại học Bang Arizona để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực bậc đại học, cao đẳng và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm vào ngày 18/10/2021.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện.

Một trong những hoạt động của Dự án Thúc đẩy Hợp tác Trường Đại học – Doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD IT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ là nhằm giúp các trường thành viên của dự án tiếp cận và triển khai các đợt tập huấn đào tạo giảng viên nguồn nhằm tạo nên một đội ngũ giảng viên có thể truyền đạt lại cho các giảng viên khác áp dụng các phương pháp dạy học mới, tiên tiến trong lớp học của họ.

Việc cải tiến phương pháp giảng dạy đòi hỏi bản thân mỗi giảng viên luôn phải cập nhật kiến thức và thay đổi chính mình để đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và để tạo ra những sinh viên tốt nghiệp năng động, có kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề và đưa ra các giải pháp và giá trị cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Tôi đánh giá cao diễn đàn về Phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn vì nó gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của Sở GD&ĐT về nâng cao năng lực của lực lượng lao động TPHCM” - ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu tại phiên khai mạc sự kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ