Những đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 tại Cần Thơ?

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo TP Cần Thơ đẩy mạnh hơn tiêm ngừa công đồng, "không giới hạn điểm tiêm" tại buổi làm việc với TP Cần Thơ sáng nay (31/7).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với Thành ủy, UBND TP Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với Thành ủy, UBND TP Cần Thơ.

Tại buổi làm việc sáng nay, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ báo cáo: Thành phố ghi nhận 1.302 ca nhiễm Covid-19 (tính từ 8/7 đến 20/7). Trong đó, ghi nhận 532 ca trong khu cách ly, phong tỏa; 770 ca ngoài cộng đồng. Hiện đã điều trị khỏi 70 ca và có 10 ca tử vong.

Thành phố hiện có 21 ổ dịch lớn, chủ yếu phân bố trên địa bàn các quận trung tâm. Trong đó có 7 ổ dịch tại các công ty trong các khu công nghiệp và 1 ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (đã cơ bản khống chế).

Về năng lực cách ly, thành phố có 42 khu cách ly, khả năng tiếp nhận 6.517 công dân, hiện đã tiếp nhận 3.075 công dân. Dự kiến sẽ thành lập thêm 34 khu cách ly y tế tập trung mới, để nâng khả năng tiếp nhận hơn 10.000 công dân.

Về năng lực xét nghiệm, toàn thành phố hiện có 13 máy xét nghiệm Realtime RT PCR, với công suất hơn 2.260 mẫu đơn/ngày đêm, và có 31 cơ sở xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ báo cáo tại hội nghị.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ báo cáo tại hội nghị.

Trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, thành phố phân thành 3 tầng điều trị, dự kiến tiếp nhận bệnh nhân là 2.655 giường, với 241 máy thở. Đặc biệt các trường hợp bệnh nhân nguy kịch sẽ được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để điều trị.

Hiện nay, thành phố đã hoàn thành 3 đợt tiêm chủng vắc xin với 44.781 liều và chuẩn bị cho đợt tiêm chủng thứ 4 tại 17 điểm gồm 63 bàn tiêm với công suất tiêm dự kiến là 12.000 liều/ngày. Đồng thời chuẩn bị mở rộng số điểm tiêm, bàn tiêm, nâng công suất tiêm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng tiến độ và an toàn.

Theo ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, mặc dù thời điểm xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên thì thành phố đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Nhưng từ thời điểm xác định ca nhiễm đầu tiên cho thấy, ca bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng trước đó. Nên nguy cơ lây nhiễm rất cao và hiện có xu hướng tiếp tục tăng lên mặc dù thành phố đã nỗ lực rất nhiều trong việc phong tỏa, cách ly truy vết, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng...

Qua đó, TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung nhân lực y tế và sớm phân bổ vắc xin, phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Có phương án tiết giảm thủ tục hành chính trong điều chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch lên tuyến trên nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Bộ trưởng cũng lưu ý thành phố trong việc yêu cầu người hạn chế ra đường khi không cần thiết, đặc biệt là tại những khu vực phong toả.

Nhằm hỗ trợ TP Cần Thơ đẩy lùi dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ cử các chuyên gia, đoàn công tác Bộ Y tế hỗ trợ thành phố trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm và đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch tại các khu công nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác tiêm ngừa cho người dân, không giới hạn điểm tiêm và yêu cầu người dân thành phố cài đặt sổ sức khoẻ điện tử, để kiểm tra và giám sát tiêm chủng người dân...

Những đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 tại Cần Thơ?
UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 năm 2021

Theo đó, tổng số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho thành phố đợt này là 84.290 liều, trong đó vắc xin AstraZeneca là 68.000 liều, vắc xin của Pfizer là 1.170 liều và 15.120 liều vắc xin của Moderna.

Dự kiến thời gian tiêm chủng đợt 4 kéo dài trong 8-10 ngày; thành phố bố trí 17 điểm tiêm ngừa ở 9 quận, huyện với 63 bàn tiêm, tối đa là 12.000 liều/ngày.

Thành phố sẽ tiêm ưu tiên cho đối tượng là người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch, làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên; lực lượng Quân đội, Công an;

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, ban ngành thường xuyên tiếp xúc nhiều người chưa được tiêm trong các đợt trước;

Bên cạnh đó là những người cung cấp dịch vụ thiết yếu như: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước; Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo…

Đặc biệt, đợt tiêm chủng lần này còn có đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thành phố; các Công ty dược phẩm, phòng khám ngoài công lập và các nhà thuốc trên địa bàn thành phố; các đối tượng khác...

Theo ông Lê Quang Mạnh, Bí thư thành Uỷ Cần Thơ, từ tháng 8 đến tháng 12 sắp tới, Cần Thơ được trung ương phân bổ, tổng số 1,76 triệu liều vaccine. Với lượng này sẽ đủ tiêm cho người dân thành phố. Do đó, thành phố phải tiêm nhanh, tiêm an toàn cho người dân.

Hiện, thành phố Cần Thơ có 910.000 người đủ tuổi tiêm vaccine. Số vaccine đủ để tiêm cho ít nhất là 2 liều/người theo đúng tiêu chuẩn. Trong vòng 5 tháng tới, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine trên địa bàn toàn thành phố theo đúng tiến độ vaccine đưa về. Với số lượng tiêm lớn, cần tổ chức tiêm đến tận phường, xã, thị trấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.