Những đóa hoa tri ân: Nói sao cho hết ơn thầy!

Những đóa hoa tri ân: Nói sao cho hết ơn thầy!

f
Chăm lo thế hệ mầm non tương lai của đất nước

(GD&TĐ) - Là những giảng viên, giáo viên đã có mấy chục năm miệt mài dạy học, nghiên cứu, đã góp phần đào tạo biết bao lớp học trò thành đạt. Dù tên tuổi đã rất nổi tiếng, nhưng với họ, mỗi thành công dù lớn hay nhỏ đều có bóng dáng những người thầy tận tụy, yêu thương.

Cảm ơn cha - người thầy đầu tiên

Với PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, người thầy ông ghi nhớ và mang ơn suốt cuộc đời, nhưng đến nay vẫn còn mang nỗi day dứt khôn nguôi - đó chính là bậc sinh thành. 

PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương
 

Người thầy tuổi đã ngoài thất thập xúc động nhớ lại: Cũng giống như mọi người, tôi đã được rất nhiều thầy dạy cho mình thành người có ích.

Việc học tập của tôi may mắn là rất “thông đồng bén giọt”: Cấp một học trường làng, cấp hai học trường huyện, cấp ba học trường tỉnh, học ĐHSP tại Thủ đô, học trên ĐH tại Maxcơva. 

Các  thầy giáo của tôi, từ các hương sư đến các vị giáo sư, đều là những con người đáng kính trọng, không những đã mở mang trí tuệ cho tôi mà còn là tấm gương cao đẹp về đạo đức con người để tôi noi theo…

Hằng năm, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi luôn luôn nhớ đến các thầy giáo cũ với lòng biết ơn vô cùng sâu sắc. Chỉ tiếc rằng, đa số đã về cõi vĩnh hằng… 

Tôi muốn nói đến người thầy đầu tiên, không ai khác chính là bố tôi.

Bố tôi là một thầy giáo trường làng, mẹ tôi làm nghề dệt lụa và làm ruộng. Mặc dù đời sống gia đình không hề sung túc, nhà tranh vách đất, ăn uống đơn sơ, đạm bạc, nhưng anh chị em chúng tôi được bố mẹ lo cho học hành tử tế, được dạy dỗ một cách nghiêm túc từ lúc chưa cắp sách đến trường.

Ngay từ lúc bé chúng tôi đã phải làm việc mặc dù là công việc đơn giản. Tôi và em trai được phân công dọn dẹp nhà cửa vào buổi sáng thường ngày. Chúng tôi dạy sớm, tập thể dục cùng bố, sau đó là làm vệ sinh nhà cửa. Công việc không nặng nề gì, chỉ là sắp xếp giường chiếu gọn gàng, lau chùi bàn ghế sạch sẽ, quét nhà đổ rác, tưới cây trong vườn…

Chúng tôi có một mảnh vuờn nhỏ để trồng rau. Bố tôi thường cùng hai anh em trai chúng tôi cuốc đất, vun luống, trồng rau, tưới rau hàng ngày vào buổi chiều. Lớn tuổi hơn, công việc lao động cũng tăng lên. Ví dụ đi gánh nước, đi làm ruộng, cắt cỏ và tự mình giặt quần áo, thậm chí nếu cần thì thổi cơm, luộc rau, làm thức ăn….Về sau, khi bước vào đời, tôi nghiệm ra rằng thói quen lao động đã giúp tôi rất nhiều...

Đối với bố tôi, lao động không phải chỉ làm xong công việc mà ông còn có những yêu cầu cao hơn. Tôi nhớ, nhiều lần khi chúng tôi trồng xong một luống rau, ông quay lại nhìn và bắt chúng tôi nhổ lên trồng lại. Lí do là hàng cây trồng không thẳng.

Tôi sợ nhất là khi cùng ông đóng tranh hay khẩu hiệu gì đó lên tường nhà. Ông bắt tôi đứng xa và ngắm nhìn để ông đóng đinh sao cho thẳng. Khi đóng xong ông xuống thang đứng ngắm lại. Nhiều lần ông mắng tôi “thế mà bảo thẳng à, rõ ràng là bị lệch rồi”.

Mỗi lúc kiểm tra vở viết của tôi, nếu chữ viết không ngay ngắn, thẳng hàng là ông mắng ngay. Ông dạy chúng tôi: “Cái gì cũng phải thẳng thắn, nhất là con người. Một con người không thẳng thắn là điều xấu hổ”. 

Bố tôi có rất nhiều học trò đi làm cách mạng (trước năm 1945) và rất nhiều người trưởng thành. Mỗi lúc về làng, họ đều đến thăm ông và đều nói rằng ông là người hướng dẫn đầu tiên cho họ tìm ra con đường đúng đắn.

Vào gần cuối đời ông gặp phải một chuyện buồn. Ông vốn là đảng viên, nhưng năm 1954  bị quy là phần tử phản động chui vào Đảng (đó là năm có phong trào “đấu phản động”). Về sau thì ông cũng được giải oan và được kết nạp lại vào Đảng.

Và tôi cũng có một mối ân hận suốt đời. Khi bố bị quy sai, tôi không nghĩ bố mình bị oan, mà chỉ nghĩ: “Trời ơi, bao nhiêu năm ở cùng bố mà không nhận ra bố là một kẻ phản động…”. Đó là một ý nghĩ tồi tệ, day dứt mãi không thôi!     

Các thầy đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê

“Tôi không bao giờ quên hình ảnh GS Nguyễn Thị Dụ, khi đó mới chỉ là một bác sĩ, ghé miệng, hút đờm dãi cho bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Chuyện là, một bệnh nhân trong bệnh viện đang đặt nội phế quản thì bị sặc, đờm dãi vọt lên từ nội khí quản. Nếu bình thường, bác sĩ sẽ dùng máy hút đờm dãi cho người bệnh, nhưng đúng lúc đó thì mất điện.

Tình huống nguy cấp, bởi nếu để đờm dãi tắc trong nội phế quản, bệnh nhân sẽ tử vong. Không chần chừ, cô Dụ đã ghé miệng hút thứ mà mọi người chỉ nghe đã thấy ghê đó. Hình ảnh ấy khiến một sinh viên như tôi choáng váng và ấn tượng mãi về sự xả thân vì người bệnh”.

GS. TS. NGND Nguyễn Lân Việt
GS. TS. NGND Nguyễn Lân Việt
 

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt - nguyên Hiệu truởng Trường ĐH Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu câu chuyện về những người Thầy của mình:

Cùng với cô Dụ, thầy Vũ Văn Đính khiến tôi hết sức khâm phục bởi tấm gương quên mình vì người bệnh.

Tôi thực sự ngạc nhiên bởi trong thời gian rất dài, có khi hàng tuần lễ, thầy, cô ở trong bệnh viện cả ngày lẫn đêm; thời gian dành cho gia đình vô cùng ít ỏi.

Thầy Đính là người có chuyên môn rất giỏi và luôn bám sát người bệnh. Chúng tôi được thầy dạy từ cách phát hiện triệu chứng, cách theo dõi người bệnh, cách điều trị, làm các thủ thuật… Chính những điều tưởng như nhỏ bé đó đã giúp tôi trưởng thành dần trong nghiệp hành nghề của mình.

Tôi cũng rất nhớ hình ảnh GS. Phạm Khuê lúc nào cũng tay lăm lăm cuốn sổ. Mọi bệnh nhân vào bệnh viện, thầy đều ghi chép lại không thiếu một người. Từ đó, thầy chọn ra những ca bệnh hay, hiếm gặp rồi tự nghiên cứu, đọc thêm tài liệu để giảng lâm sàng cho chúng tôi. Phải tâm huyết với nghề lắm lắm mới làm được như vậy.

Rồi thầy Nguyễn Quang Quyền, người luôn cuốn hút sinh viên bởi phương pháp giảng bài rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Thầy vào lớp, tay cầm xương chày, xương mác; tay kia cầm mấy viên phấn màu, từ từ vẽ lại giải phẫu của cẳng chân, giải thích chỗ này có một dây thần kinh đi ra, chỗ kia có mạch máu nên khi cắt phẫu thuật phải hết sức chú ý.

Bài giảng có điểm nhấn, cách dẫn giải chi tiết, vừa dễ hiểu, vừa hấp dẫn. Với phương tiện rất đơn giản ấy, thầy Quyền đã giành giải Nhất trong giảng dạy về sư phạm y học của các nước khu vực Đông Nam Á...

Tôi rất muốn nhắc lại hàng loạt những người Thầy của tôi: GS Đặng Văn Chung; GS Phạm Khuê; GS Vũ Văn Đính; GS Nguyễn Thị Dụ; GS Trần Đỗ Trinh; GS Phạm Gia Khải; GS Lê Huy Liệu; GS Trần Đức Thọ; GS Nguyễn Văn Xang; GS Nguyễn Khánh Trạch; GS Trần Ngọc Ân; GS Chu Văn Ý…

Họ đã góp phần tạo nên một thế hệ vàng cho nền y khoa Việt Nam. Tôi thực sự may mắn vì được các thầy, cô dìu dắt, vừa dạy kiến thức, vừa truyền lửa đam mê. Xin trân trọng tri ân, cảm ơn các Thầy!

Hiếu Nguyễn (ghi)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ