Đối với hầu hết mọi người, từ “ngủ” gợi lên sự bình an và thư giãn sau một ngày dài. Tuy nhiên, trong quá trình này cơ thể lại trải qua nhiều thay đổi từ việc khôi phục sức khỏe để chuẩn bị cho ngày tiếp theo đến liên tục phân loại, sửa chữa và làm mới.
Do vậy mà mỗi lần khi tỉnh dậy, bạn cảm thấy mình như một người khác, khỏe khoắn và năng động hơn. Vậy trong khi bạn ngủ đã xảy ra điều gì với cơ thể?
Não được làm sạch
Trong thời gian hoạt động hàng ngày, chất độc và các chất thải khác tích tụ khắp các tế bào của não và cơ thể. Nhưng khi bạn ngủ, não sẽ mở ra một van cho phép dịch não tủy chảy từ xương sống vào não, rửa các mô và lấy đi tất cả các chất độc đối với nó.
Quá trình này là một phần của một chu kỳ lớn hơn được gọi là hô hấp tế bào, một loạt phản ứng giúp tế bào tạo ra năng lượng từ chất dinh dưỡng và giữ cho cơ thể hoạt động.
Mặc dù sự làm sạch này xảy ra trên toàn cơ thể, nhưng hiệu quả của nó là đáng chú ý nhất trong não và đây là một trong những lý do mà bạn cảm thấy sảng khoái sau một giấc ngủ dài.
Để hoàn thành công việc này, não cũng sử dụng nhiều năng lượng hơn so với các bộ phận khác trong cơ thể khi ngủ.
Hình ảnh não mở van để dịch não tủy chảy vào giúp làm sạch não.
Cao hơn trong khi ngủ
Khi bạn đứng, ngồi hay hoạt động trong ngày, trọng lượng cơ thể gây áp lực trên cột sống và nén xương sống xuống khiến chất lỏng chảy ra từ giữa các đĩa đốt sống và bạn thực sự bị... lùn đi đến 1cm vào cuối ngày.
Tương tự như vậy, khi lưng bạn giải tỏa căng thẳng vào ban đêm, chất lỏng được cho phép trở lại vào các khớp nối và cơ thể tăng thêm 1cm.
Mặc dù chênh lệch chiều cao không đáng kể nhưng sự thiếu áp lực cũng cho phép trẻ em và thanh thiếu niên tăng trưởng trong khi ngủ do áp suất không đè nặng lên cột sống và chân khi nằm xuống và các hormon tăng trưởng được giải phóng trong khi ngủ.
Tê liệt tạm thời
Nghe có vẻ đáng sợ nhưng hiện tượng này giúp bạn không hành động theo những giấc mơ. Đây có lẽ là một điều tốt đối với cơ thể.
Trong giấc ngủ REM, giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, thường xuất hiện những giấc mơ nên não đã ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh và thụ thể trong cơ, gây tê liệt tạm thời.
Thỉnh thoảng, điều này có thể xảy ra một thời gian ngắn khi ngủ hoặc khi thức dậy, trong thời gian đó bạn hoàn toàn tỉnh táo nhưng không thể di chuyển.
Đây có lẽ cũng là gốc rễ của nhiều truyền thuyết cổ đại hay văn học dân gian Trung Quốc về các chuyến thăm của quỷ hay các sinh vật khác mà con người lại không thể di chuyển.
Giảm huyết áp và nhịp tim
Khoảng 30 phút trước khi ngủ, cơ thể bắt đầu giảm nhiệt độ. Điều này xảy ra để làm chậm sự trao đổi chất để bạn có thể ngủ hàng giờ mà không bị đói. Kết quả là nhịp tim và huyết áp cũng giảm.
Khi thức dậy, huyết áp và nhịp tim nhanh chóng tăng trở lại để đáp ứng nhu cầu về năng lượng. Nhưng trong một thời gian ngắn, có một sự mất cân bằng, dẫn đến sự chậm chạp và tư duy mơ hồ của những người vừa mới thức dậy.
Nhịp tim và huyết áp giảm khi ngủ.
Giảm cân
Nếu bạn cảm thấy khát nước khi thức dậy vào buổi sáng thì nguyên nhân chính là do cơ thể đã bị mất hơn 0,5kg nước vào không khí xung quanh khi ngủ đêm.
Điều này cũng xảy ra vào ban ngày nhưng việc ăn uống trong lúc thức đã bù lại lượng cân nặng giảm đi. Chính vì vậy, bạn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để tăng cường sức khỏe, duy trì cân nặng cũng như nỗ lực ăn kiêng hay tập thể dục bạn đã làm khi thức.
Lưu trữ và sắp xếp kỷ niệm
Mỗi con người đều có những hoạt động riêng và những tương tác với người khác như nói chuyện, gặp gỡ... trong ngày. Tất cả những việc làm này tạo nên ký ức và được lưu giữ trong não.
Trong trạng thái ngủ, não sẽ tái hiện các sự kiện của ngày, sắp xếp và lưu giữ chúng trong trung tâm bộ nhớ dài hạn, đồng thời loại bỏ những kỷ niệm không cần thiết. Việc lưu giữ ký ức này là điều quan trọng để con người có thể hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thể nhớ những kỷ niệm cụ thể từ thời thơ ấu rất sống động nhưng lại khó khăn hơn nhiều khi nhớ chính xác những gì họ đã làm 2 ngày trước do có sự phân loại trong bộ nhớ ưu tiên.
Ngoài ra, trong khi ngủ, bộ não còn gợi lên một thực tế tưởng tượng chỉ tồn tại trong đầu mà bạn nghĩ là có thật, đó là giấc mơ. Khi bạn tỉnh dậy, hầu như tất cả giấc mơ đều biến mất khỏi trí nhớ.
Không chỉ thế, sự co giật cơ cũng rất thường gặp khi ngủ do sự thay đổi nhiệt độ cơ thể, nhịp thở bị chậm lại, cơ bắp giãn ra nghỉ ngơi khi ngủ khiến não hiểu sai là bạn đang ngã và phát tín hiệu làm người bạn giật lại làm tỉnh giấc.