Hải sản hấp tốt hơn chiên xào
Khi chế biến hải sản, mẹ nên cho bé ăn nhiều món hấp hơn và hạn chế các món chiên, xào. Vì các món hải sản hấp sẽ giữ các thành phần dinh dưỡng tốt hơn so với các món chiên. Ngoài ra, hải sản sau khi chiên xào không những làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng mà còn hình thành peroxit lipid có hại cho sức khỏe.
Không ăn cùng lúc với trái cây
Không nên ăn hải sản cùng lúc với các loại trái cây vì sự kết hợp thực phẩm này sẽ có tác động không tốt tới quá trình cơ thể hấp thụ canxi và protein có trong hải sản. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng protein rất cao chứa trong hải sản khi kết hợp với tannin trong trái cây sẽ tạo thành canxi không hòa tan gây kích ứng đường tiêu hóa, thậm chí đối với hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ em có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng,...
Cho trẻ ăn thử lượng nhỏ để tránh dị ứng
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện như người lớn nên rất dễ bị khó tiêu và dị ứng nếu không hợp với hải sản. Vì vậy, cần cho trẻ dùng thử một chút khi cho trẻ ăn hải sản lần đầu, nếu trẻ không bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các loại hải sản đã thử thì mới bắt đầu tăng dần số lượng trong bữa ăn của trẻ.
Không kết hợp hải sản với thực phẩm giàu Vitamin C
Không nên ăn hải sản với các thực phẩm có hàm lượng Vitamin C cao. Trong hầu hết các loại hải sản sống dưới tầng nước đáy như hến, tôm, sò chứa rất nhiều Asen pentavenlent, chất này ở dạng bình thường không gây hại cho cơ thể nhưng khi kết hợp với Vitamin C sẽ chuyển hóa thành thạch tín, đây là chất cực độc có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí gây tử vong nếu ăn nhiều.
Tránh ăn hải sản không còn tươi sống
Theo bác sỹ Đào Thị Yến Thủy - cố vấn cao cấp chuyên khoa dinh dưỡng, không cho trẻ em ăn hải sản không còn tươi sống. Trẻ em có hệ miễn dịch kém, vi khuẩn có hại trong hải sản chết khi vào cơ thể trẻ sẽ dễ dàng hình thành chất độc, sau đó kết hợp với acid béo không bão hòa bên trong có thể bị oxy hóa gây nên tình trạng dị ứng, buồn nôn, đau bụng.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều
Trong hải sản có chứa nhiều protein, canxi…vì vậy mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều mà chỉ nên cho trẻ ăn 3 – 4 bữa/tuần để đảm bảo trẻ đủ dinh dưỡng mà vẫn dễ tiêu hóa.
Chế biến cẩn thận
Trẻ em không thể tiêu hóa được vỏ tôm nên khi chế biến, mẹ cần bóc lớp vỏ cứng và làm sạch phần ruột tôm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đối với cá biển, mẹ cũng phải cẩn thận làm sạch để trẻ không bị ngộ độc.
Nên nấu chín hoàn toàn
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) khuyến cáo các mẹ cần chú ý chế biến chín hoàn toàn các loại tôm, cua, cá,… Không nên cho trẻ em ăn các món hải sản sống hoặc tái vì trẻ rất dễ mắc các bệnh giun sán.