Những cặp đôi bận rộn hoặc những cặp đôi làm ăn xa quê thường có xu hướng tổ chức lễ cưới vào cuối năm hoặc những ngày sau Tết để có thời gian chuẩn bị tốt hơn cũng như tiết kiệm chi phí đi lại và tận dụng sự có mặt của đông đảo người thân khi họ về quê ăn Tết.
Bởi vậy mà những ngày cuối năm, cùng với không khí tất bật của những ngày cận tết, các đám cưới cũng diễn ra rộ hơn đôi khi khiến cho việc chuẩn bị lễ cưới của bạn có phần gấp gáp, cập rập.
Do đó, bạn nên lưu ý một số điều sau để việc tổ chức lễ cưới vào những ngày này bớt khó khăn hơn:
1. Xác định mong muốn của cả hai
Quan trọng nhất khi chọn ngày cưới không phải chọn ngày tốt xấu hay chọn địa điểm mà chính là xác định rõ mong muốn của cả hai. Bạn muốn tổ chức theo phong cách nào? Truyền thống hay phá cách? Kinh phí dự trù ra sao? Bạn có giới hạn khách mời không? Hai nhà sẽ tổ chức chung hay riêng?
Tất cả những câu hỏi đó phải được đem ra bàn bạc và có được sự đồng thuận của cô dâu chú rể và người lớn cả hai gia đình. Điều này sẽ khiến công cuộc chuẩn bị ngày cưới của bạn sẽ rõ ràng và suôn sẻ hơn.
2. Chọn thời điểm
Thời điểm tổ chức cũng là một vấn đề cần được xem xét cẩn thận. Thông thường mọi người sẽ chọn ngày cưới vào tối Thứ 6, Thứ 7 cuối tuần để khách mời có thể sắp xếp chung vui. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thời điểm cuối năm là mùa “ăn chơi”.
Do đó, bạn cần tránh tổ chức lễ cưới vào các ngày quá đặc biệt như Giáng sinh hay Năm mới vì thời điểm đó có thể các cơ quan, công ty đã có kế hoạch cho Year End Party của mình.
Ngoài ra, việc chọn ngày cưới tổ chức tiệc cuối năm cũng khiến mức phí cho các dịch vụ tăng theo. Do đó, bạn cần xác định và đặt chỗ càng sớm càng tốt, vừa giữ được mức chi phí tốt, vừa có thể chọn được một nơi ưng ý.
3. Chọn địa điểm
Sau khi xác định được phong cách đám cưới mong muốn và thời điểm tổ chức, đây là lúc thích hợp để bạn chọn lựa vị trí đẹp cho tiệc cưới của mình.
Theo kinh nghiệm, không phải cứ chọn những nơi sang trọng, mắc tiền là tốt. Địa điểm tổ chức đám cưới của bạn nên thỏa mãn được các yếu tố sau:
- Thuận tiện đi lại cho hai gia đình và hầu hết khách mời.
- Sảnh tiệc đáp ứng vừa đủ số lượng khách mời.
- Chất lượng món ăn tốt.
- Chi phí phù hợp ngân sách.
Trong trường hợp tổ chức đám cưới ngoài trời, bạn nên thỏa thuận với bên địa điểm tổ chức để có một phương án dự trù khi gặp vấn đề thời tiết. Đừng để những cơn mưa bất chợt cuối năm khiến bữa tiệc của bạn bị gián đoạn nhé.
4. Chuẩn bị các khâu cho quá trình tổ chức lễ cưới
Lễ cưới dịp cận tết cũng có những trình tự, thủ tục tương tự như lễ cưới vào các dịp khác trong năm, chỉ có điều khác ở chỗ việc chuẩn bị lễ cưới dịp này thường cập rập hơn và khó tránh khỏi việc chi phí cho các dịch vụ bị đẩy lên cao hơn thời gian khác trong năm.
Bởi vậy, nếu có dự định cưới vào dịp này, bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo nhất trong khoảng thời gian trước đó.
Chuẩn bị lễ cưới trong thời đại ngày này có những thuận lợi hơn so với trước đây bởi bạn hoàn toàn có thể tham khảo trước thông tin về các dịch vụ cưới cũng như trao đổi trực tiếp, đặt chỗ qua điện thoại nên dù làm việc ở xa quê, bạn vẫn có thể chuẩn bị dần cho lễ cưới của mình sẽ diễn ra vào dịp cuối năm hoặc sát tết.
Không chỉ vậy, việc đặt sớm các dịch vụ cưới có thể giúp bạn chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, tránh các tình huống phát sinh như trung tâm tổ chức tiệc cưới không còn địa điểm tổ chức lễ cưới vào ngày các bạn chọn hoặc nơi in thiệp cưới không nhận cung cấp dịch vụ do giáp tết,… Có một số việc bạn nên chủ động chuẩn bị từ trước khi về quê tổ chức lễ cưới như:
- Đặt trước những dịch vụ thực sự cần thiết phải sử dụng trong lễ cưới sau khi đã thỏa thuận rõ ràng về các điều khoản cũng như có thể nhờ người thân trực tiếp kiểm tra tại nơi cung cấp dịch vụ.
- Thỏa thuận cụ thể về giá cả để tránh trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ bất ngờ đòi tăng giá khi sát ngày tổ chức lễ cưới.
- Dự trù những phương án dự phòng nhất định để luôn chủ động trong mọi khâu chuẩn bị tổ chức lễ cưới.
- Chụp ảnh cưới, mua nhẫn cưới ngay tại nơi bạn làm việc, không nhất thiết phải đợi tới khi về quê mới chuẩn bị những việc này.
5. Tâm lý sau đám cưới
Các cặp đôi cần chuẩn bị cho mình tâm lý thật thoải mái cho những trách nhiệm sau ngày cưới. Đặc biệt thời điểm cuối năm là thời gian chuẩn bị cho những ngày Tết truyền thống với việc sửa sang và dọn dẹp nhà cửa.
Bên cạnh đó, cưới dịp cận tết đôi khi khiến cho bạn phải thay đổi kế hoạch nghỉ tuần trăng mật ngay sau lễ cưới như thường lệ bởi dịp Tết là dịp cả nhà sum họp cũng là cơ hội để hai bạn hòa nhập vào gia đình mới sau khi cưới.
Cô dâu chú rể nên chuẩn bị sẵn tâm thế làm quen với cuộc sống gia đình mới cũng như đối nội, đối ngoại trong dịp Tết để trở nên gắn bó, thân thiết hơn với gia đình hai bên:
- Cặp tân lang, tân nương nên hỏi ý kiến bố mẹ hai bên về việc thăm hỏi, chúc tết họ hàng hai bên gia đình trong dịp Tết.
- Cô dâu cũng nên chuẩn bị sẵn một số món ăn để có thể phụ giúp gia đình chuẩn bị mâm cơm ngày tết ấm áp, đủ đầy.
- Đừng quên chuẩn bị những món quà Tết cho ông bà, cha mẹ hai bên cũng như lì xì cho các cháu trong nhà.