Những con kênh "chết" tại làng miến Dương Liễu

Những con kênh "chết" tại làng miến Dương Liễu
Con kênh Đan Hoài có màu nước đen kịt và mùi hôi rất khó chịu
Con kênh Đan Hoài có màu nước đen kịt và mùi hôi rất khó chịu

Làng miến Dương Liễu nổi tiếng là một làng nghề truyền thống sản xuất ra nhiều loại miến ngon cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến Dương Liễu những ngày cận Tết, có thể thấy rõ một không khí làm việc khẩn trương để chuẩn bị hàng phục vụ cho thị trường Tết.

Trung bình một ngày, một hộ dân ở đây sản xuất từ 3 – 5 tạ miến, vào dịp Tết thì số lượng này có thể tăng gấp rưỡi. Miến ở Dương Liễu có hai loại chính là miến mộc và miến vàng, có độ dai và ngon hơn hẳn so với các loại miến khác nên rất được người tiêu dùng tin dùng.

bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân vẫn thản nhiên phơi miến ngay bên cạnh kênh Đan Hoài
Bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân vẫn thản nhiên phơi miến ngay bên cạnh kênh Đan Hoài

Tuy nhiên, có thực tế đáng buồn là nghề truyền thống phát triển thì môi trường ngày càng ô nhiễm. Theo UBND xã Dương Liễu thì toàn xã có 86 hộ làm miến cung cấp mỗi ngày hàng chục tấn miến cho thị trường. Theo đó thì lượng rác thải từ các xưởng làm miến trong làng cũng vô cùng lớn.

Nhưng vấn đề là toàn xã lại chưa có bất cứ một biện pháp xử lý nước thải nào. Các hộ gia đình tuy có đường ống dẫn chất thải riêng nhưng tất cả hệ thống dẫn chất thải của toàn xã lại được đổ thẳng ra hai con kênh chính là kênh Đan Hoài và kênh Tiêu. Nước thải không qua xử lý cứ ngày này qua tháng khác ứ đọng tại hai con kênh này dẫn đến việc nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống gần kênh Đan Hoài cho biết : “ gia đình tôi sống ở ngay gần con kênh này đã bao nhiêu năm rồi, suốt ngày phải chịu mùi hôi thối từ kênh bốc lên, những ngày mưa còn đỡ chứ những ngày nắng thì không thể chịu nổi ” .

Các con kênh nhỏ khác cũng đang phải chịu số phận tương tự
Nhiều con kênh nhỏ trên địa bàn đã "chết"

Rác, bã rong và nước thải chưa qua xử lý, lưu cữu nhiều năm ken đặc hai con kênh Đan Hoài và Tiêu . Điều đáng nói là hàng ngày người dân vẫn mang miến, bột rong, bột sắn…đem phơi ngay bên cạnh các con kênh bất chấp ruồi nhặng, bụi bặm và vô vàn những ô nhiễm.

Chị Phạm Thị Vĩnh, một chủ sản xuất miến phân trần : “ cả làng nhà nào cũng làm miến, mà bãi phơi miến thì có hạn nên chúng tôi phải chấp nhận phơi miến ngay bên cạnh các con kênh dù biết là mất vệ sinh. Nếu không phơi ở đây thì cũng không biết phơi ở đâu nữa”. Bãi phơi miến của Dương Liễu khá rộng nhưng lúc nào cũng trong tình trạng chật kín. Khi bãi phơi đã hết chỗ, người dân lại mang miến ra phơi ở các đường quốc lộ.

nhìn từ xa, con kênh Tiêu đã gần như biến mất, thay vào đó là một con kênh “bã rong” đen ngòm
Nhìn từ xa, con kênh Tiêu đã biến mất, thay vào đó là một con kênh “bã rong” đen ngòm

Theo ông Ngô Khang Kiện, phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu thì xã có thành lập một đội xử lý rác thải do Hội Phụ Nữ xã Dương Liễu phụ trách, hoạt động này đã bắt đầu từ bốn năm nay. Bên cạnh đó xã cũng đã triển khai một số các hoạt động khác để nhằm phần nào đó giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, điển hình như xã cũng đã ký quyết định dành 10.000 m2 đất làm một bãi rác mới.

Tuy nhiên, hiệu quả của những động thái trên xem ra chưa thấm tháp vào đâu. Người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm; nhiều  con kênh đã và đang “chết”, cùng hàng loạt những vấn đề kéo theo như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, bệnh tật…

Thiết nghĩ, tình trạng này không sớm được khắc phục thì hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh của  Dương Liễu sẽ ra sao? Giải quyết tình trạng bất cập về cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường không mới ở các làng nghề, song vẫn luôn nhức nhối trong việc khắc phục.

Thu Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.