Thầy trò chung tay vì đồng bào vùng lũ
Những ngày này, thông tin về tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc... gây rất nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân khiến ai cũng xót xa. Hơn lúc nào hết, tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta lại được thắp sáng.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong hai ngày 10 và 11/9 trường đã lập thùng quyên góp ủng đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
"Chúng tôi kêu gọi CBGVNV, phụ huynh, học sinh toàn trường tùy theo khả năng có thể tham gia ủng hộ tiền mặt/chuyển khoản. Nhà trường sẽ tổng hợp chi tiết, công khai số người và số tiền, sau đó chuyển về Ủy ban MTTQ quận Đống Đa để chuyển lên Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phân bổ tới các địa phương bị ảnh hưởng sau cơn bão YAGI vừa qua", thầy Cường trao đổi.
Cùng hướng về đồng bào và học sinh vùng lũ, nhà giáo Lê Anh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, cơn bão YAGI càn quét đã gây tổn thất vô cùng khủng khiếp với đồng bào các tỉnh miền Bắc. Nhiều người mất người thân, nhà cửa, của cải, kế mưu sinh, cuộc sống bấp bênh bởi nguy cơ từ lũ lụt.
Tết Trung thu năm nay, nhiều gia đình vẫn chưa tìm thấy người thân giữa dòng nước mênh mông, trong bùn lầy của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Nhiều gia đình đang chờ được cứu trợ giữa dòng nước lũ hung dữ, không điện, không nước sạch, không thức ăn, không liên lạc. Những gia đình có người thân đang không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tham gia lực lượng cứu trợ đồng bào chưa hẹn ngày về...
Trường Tiểu học Đống Đa sẽ tạm dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi. Toàn bộ kinh phí tổ chức Lễ hội Trung thu 2024 của nhà trường, bao gồm các hạng mục trang trí, chương trình múa lân và phần hội; tấm lòng của các thầy cô giáo, nhân viên sẽ được gửi đến đồng bào trong thời gian sớm nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.
"Không chỉ là giúp sẻ chia khó khăn với đồng bào lúc gặp gian khó, chúng tôi cũng muốn giáo dục các em học sinh về lòng nhân ái, nghĩa đồng bào và truyền thống đoàn kết bao đời nay của dân tộc mỗi khi có thiên tai, địch họa. Thông qua MTTQ các cấp, những tấm lòng hảo tâm của thầy trò, phụ huynh nhà trường sẽ được gửi đến đồng bào, các em học sinh vùng lũ trong thời gian tới", cô Lê Anh Vân chia sẻ thêm.
Những chuyến xe nghĩa tình
Không chỉ tại các trường học, nhiều tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng chủ động tham gia quyên góp, ủng hộ những nhu yếu phẩm tới trợ giúp đồng bào đang trong cơn lũ dữ.
Là thành viên của Hội Đầu bếp Ngãi Cầu, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), anh Đình Tuân tâm sự: "Để sẻ chia những thiệt thòi, vất vả của bà con vùng bão lũ, chúng tôi đã họp bàn và lên ý tưởng tự kêu gọi để ủng hộ, nhóm chỉ nhận hiện vật chứ không nhận tiền. Khi đăng bài lên mạng, rất nhiều người dân địa phương đã chia sẻ và ủng hộ bằng hiện vật để đoàn đem đi từ thiện nên rất trân quý".
Tính đến sáng 11/9, đoàn đã nhận được khoảng 5 tấn nhu yếu phẩm gồm: Gạo, mỳ tôm, sữa tươi, nước uống đóng chai, giấy ăn, giấy vệ sinh, dầu ăn, dầu gội đầu và sữa tắm dạng gói, bỉm trẻ em, nước muối sinh lý, bánh kẹo...
Tất cả đã được đóng gói, sắp xếp lên xe tải và di chuyển lên khu vực ngập lụt tại tỉnh Tuyên Quang. Trước đó, đoàn đã liên hệ và nhận được sự hướng dẫn từ cán bộ của Ủy ban MTTQ TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). Sau khi trở về, đoàn sẽ căn cứ tình hình thực tế để lên kế hoạch cho những chuyến thiện nguyện tiếp theo nếu điều kiện cho phép.