Trước đó, vào ngày 27/10, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên khỉ vàng Macaca mulatta được nuôi dưỡng trên Đảo Rều (Quảng Ninh).
Đảo Rều là nơi nuôi dưỡng giống khỉ vàng Macaca mulatta để phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất vaccine. 12 chú khỉ được lựa chọn để thử nghiệm vaccine COVID-19 phải là khỉ trưởng thành có sự phát triển giống như người và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm như COVID -19, HIV, lao…
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho biết, 12 chú khỉ khỏe mạnh từ 3-5 tuổi được lựa chọn từ đàn tự nhiên ngoài đảo. Các chú khỉ này có cân nặng hơn 3 kg và được kiểm tra y tế hết sức cẩn thận.
Theo ông Vũ Công Long, Trại trưởng Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm.
Theo kế hoạch, 12 chú khỉ sẽ được tiêm vaccine thử nghiệm theo hai đợt. Một đợt chia làm hai nhóm được tiêm và không tiêm. Sau khi tiêm, nhóm khỉ sẽ được nuôi trên đảo riêng biệt và theo dõi sức khỏe hằng ngày.
Việc tiêm cho khỉ cũng sẽ gần giống mô hình dự định khi triển khai cho người. Đó là hai mũi tiêm, cách nhau 21-28 ngày.
Sau khi tiêm hai mũi vaccine 1 tháng, các nhà khoa học sẽ tiến hành giải phẫu để tìm hiểu xem vaccine có ảnh hưởng gì đến các phủ tạng cũng như chức năng cơ thể hay không.
Đại diện VABIOTECH cho biết, việc thử nghiệm trên khỉ chỉ là một phần và các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục thử nghiệm trên các động vật khác, đồng thời tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm về hiệu quả bảo vệ, tính sinh miễn dịch.
Kết quả thử nghiệm trên khỉ sẽ là căn cứ để thực hiện các bước thử nghiệm tiếp theo và đề xuất thử nghiệm trên người. Về vấn đề này, đại diện VABIOTECH đã cho biết, nếu kết quả thử nghiệm trên khỉ về tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ thành công thì khoảng 4 tháng nữa công ty sẽ trình lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế.
Tháng 6 vừa qua, đơn vị này đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột.
Hiện Việt Nam có 4 đơn vị được cấp phép nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 với công nghệ chính được áp dụng là sử dụng kháng nguyên và tái tổ hợp protein. 4 đơn vị đó là IVAC, VABIOTECH, POLYVAC và NANOGEN với các công nghệ chính được áp dụng chung là sử dụng kháng nguyên và tái tổ hợp protein. Đây là công nghệ tương đồng với các quốc gia đang phát triển vaccine khác trên thế giới.
Trong 4 đơn vị nói trên, IVAC - Viện vaccine và sinh phẩm Y tế - đã hoàn thiện quy trình sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm. Đơn vị này tiếp cận theo công nghệ liên quan đến phôi của trứng gà và đã chuyển vaccine cho phòng thí nghiệm ở Mỹ để test thử thách.
Còn VABIOTECH - Công ty TNHH MTV vaccine và Sinh phẩm số 1 - cũng đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và đang bước đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 trên chuột và khỉ. Hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.
Tiếp đến là POLYVAC - Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế. Đơn vị này sử dụng công nghệ tái tổ hợp, dùng vector virus sởi. Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19, đơn vị này sẽ hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để tiếp cận với nguồn vaccine của các nước này.
Riêng NANOGEN - Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược là đơn vị đang có bước tiến xa nhất, đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Đơn vị này đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 - thử nghiệm vaccine trên người từ 10/12/2020