Những chiến sỹ quân đội anh hùng tiếp quản Thủ đô

GD&TĐ - Theo hiệp định Geneve thì các đội quân của Pháp sẽ rút hoàn toàn khỏi khu vực Hà Nội vào ngày 9/9. Một Ủy ban hỗn hợp gồm đại diện ban chỉ huy Quân đội Nhân dân (Việt Nam) và các lực lượng vũ trang liên quân Pháp đang lên kế hoạch tiếp quản Hà Nội.

Những chiến sỹ quân đội anh hùng  tiếp quản Thủ đô

Chúng tôi, những nhà làm phim Xô Viết đã gửi đến Ủy ban hỗn hợp đơn đề nghị cho phép được đến Hà Nội trước khi các đoàn quân của Quân đội nhân dân tiến vào Thủ đô.

Cuối cùng thì vào buổi chiều ngày 7/10 chúng tôi được thông báo rằng ba nhà quay phim Xô Viết và các đồng nghiệp Việt Nam được Ban giám sát Quốc tế chấp thuận và yêu cầu chính quyền quân đội Pháp cho phép chúng tôi đến Hà Nội.

Mỗi chúng tôi đều được trao một văn bản của Ủy ban Quốc tế, được nhận tờ quyết định của bộ chỉ huy quân sự Pháp cho phép được vào Hà Nội.

Tờ “giấy thông hành” màu trắng có chữ ký của viên đại tá Winter-chỉ huy hoạt động khu vực Hà Nội- cho phép vượt qua ranh giới của giải phân cách giữa đội quân của hai bên và tự do đi lại tại Hà Nội trong thời gian thiết quân luật do người Pháp công bố vào ngày 9/10.

Trước khi mặt trời mọc chúng tôi đã rời lán trại từng ở vào những giờ cuối cùng trước khi đến Hà Nội. Bắt đầu xuất hành. Chúng tôi đi ra đường cái, ở đó đã có xe đợi sẵn. Đúng 7h sáng chiếc xe jeep với hai lá cờ nhỏ Việt Nam và Pháp lăn bánh. Một sỹ quan trẻ Việt Nam và một đại úy Pháp đội chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ có viền vàng bước ra khỏi xe. Viên đại úy chào chúng tôi với vẻ lịch sự kiểu Pháp.

Chúng tôi đi qua các vùng ngoại ô đến Hà Nội dưới trời mưa tầm tã. Trên đường phố những chiếc xe jeep đang chạy với tốc độ chóng mặt, một đoàn xe tải tuần tra của binh lính Pháp rầm rập chạy qua. Những con đường rộng lớn ở trung tâm thành phố đã được cơn mưa làm cho sạch sẽ đang gần như vắng bóng người.

Tại khách sạn “Splendid” có hai lính gác người Pháp đứng dưới mái vòm. Chúng tôi bước vào hành lang vắng lặng yên tĩnh.

Trong góc phòng gần chiếc cột là quầy bar có một vài sỹ quan người Canada ngồi trên những chiếc ghế mây thong thả uống bia. Tại hai khách sạn lớn của Hà Nội là “Metropol” và “Splendid” đang có mặt các nhân viên của Ủy ban giám sát Quốc tế, các nhà báo nước ngoài.

Chúng tôi đi lên tầng hai bước vào những căn phòng được dành cho mình. Trong một phòng lớn có chiếc giường to có màn và chiếc bàn viết có cả đèn bàn. Tôi bước lại nhấn chiếc công tắc và ánh đèn điện sáng bừng lên. Thận trọng đi trên sàn gỗ, tôi cùng với Mukhin đi vào phòng tắm. Cứ như sợ bị bỏng, anh ta vặn chiếc van, dòng nước trong vòi chảy ra! Chúng tôi cười và nhìn nhau. Đã vài tháng nay chúng tôi không được nhìn thấy những thứ này rồi!...

Ngày 9/10! Ngày này sẽ đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trong những ngày tươi sáng nhất. Những tên thực dân trong suốt 80 năm qua đã coi Thủ đô của Việt Nam là mảnh đất của mình sẽ rời đi vào ngày hôm nay.

Suốt đêm chúng tôi đã không ngủ để bàn đến từng chi tiết nhỏ kế hoạch quay phim cảnh giải phóng Thủ đô.

6h30 sáng, trên những con đường của phố Duy Tân chạy từ trung tâm thành phố đến phía Nam, chúng tôi đã đến được địa điểm gặp gỡ các sỹ quan của cả hai bên. Giữa phố là một chiếc xe có hai lá quốc kỳ Việt Nam và Pháp. Bên chiếc bản đồ các sỹ quan đang thảo luận các chi tiết cuối cùng về việc bàn giao khu vực lớn của thành phố.

Có hai sỹ quan đang nhìn đồng hồ. 6h55’. Viên chỉ huy đoàn xe thiết giáp Pháp nói gì đó vào chiếc micro vô tuyến điện. Sau khi giơ tay đeo chiếc găng da có chiếc chuông nhỏ, ông ta truyền lệnh cho đoàn xe bọc thép của mình. Tiếng động cơ gầm gừ, những chiếc xe rung lên, chọn tốc độ rồi tiến về phía bắc qua những con đường vắng vẻ.

Vài phút sau, đúng 7h sáng những chiếc xe chở lính bộ binh Việt Nam bắt đầu khởi hành qua ngã tư và theo sau những chiếc xe bọc thép. Đi theo sau xe đến giữa cầu là hàng quân những chiến sỹ Việt Nam.

Thế rồi từ lúc này đã xảy ra một phép lạ: những con phố đang vắng lặng bắt đầu trở nên sống động! Đã không còn tiếng những chiếc xe bọc thép, có hàng ngàn lá cờ đỏ thắm dường như có ai đó đã tung ra cùng một lúc đã bay phất phơ trên những khung cửa sổ, cửa chính, trên mái nhà.

Rồi lập tức trên các con phố trở nên náo nhiệt bởi những tiếng reo hò cổ vũ, những bàn tay vẫy, trẻ em được công kênh trên vai. Mọi người đều phấn khích, ca hát, cười, khóc vì vui mừng.

Vất vả lách qua đám đông đó là chiếc xe có hai lá cờ chở người sỹ quan Việt Nam đang mỉm cười và viên thiếu tá đứng tuổi người Pháp đội chiếc mũ lưỡi trai đỏ có viền vàng đang cúi đầu buồn bã.

Còn đám đông khổng lồ hàng ngàn người hân hoan tiến bước hướng về phía trung tâm thành phố đằng sau những chiếc xe bọc thép đang lùi xa.

Vào 8h sáng, đến khu vực tiếp theo là đội vệ binh Việt Nam đang đứng bảo vệ tòa nhà ngân hàng Đông dương, tòa nhà bưu điện, dinh thự của thống đốc Đông dương. Đoàn quân chiếm giữ toàn bộ khu trung tâm thành phố và tràn qua con phố của người Mỹ và phố người Anh tiến đến hồ Hoàn kiếm.

11h30. Đội vệ binh Việt Nam chiếm nhà máy nước, nhà máy điện, tiến vào thành cổ. 16h30. Những người lính Việt Nam đi qua khu vực tiếp giáp với cây cầu (Long Biên) và bước lên cầu.

Chỉ cách một bước sau lưng người lính Pháp cuối cùng đang rời Thủ đô của Việt Nam là các chiến sỹ của Quân đội Nhân dân đã lên cầu bảo vệ những nhịp cầu của mình.

Trong thời khắc này chúng tôi đã quay được cảnh tượng lịch sử mang tính biểu tượng: ở phía trước, đứng trên cầu là một chiến sỹ bảo vệ Việt Nam, còn ở phía xa hơn là 3 người lính Pháp hơi khom người đang rời đi mà không quay đầu lại. Những người lính Pháp cuối cùng đã rời khỏi Hà Nội, rút đi mãi mãi!

***********

(Trích hồi ký của Roman Carmen, đạo diễn kiệt xuất Nga về ngày lịch sử mà ông và các đồng nghiệp đã được chứng kiến và quay phim trong ngày quân Việt nam tiếp quản Thủ đô)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ