(GD&TĐ) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa chính thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 (đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 8/11/2012). Trong các chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết đề ra, đáng chú ý có chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% và chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Khá nhiều ý kiến cho đó là những chỉ tiêu còn “khiêm tốn”, chỉ tương đương với mức đạt được của năm 2012. Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn nền kinh tế năm 2012 và triển vọng năm 2013, chưa hẳn đó đã là “khiêm tốn” mà ngược lại, muốn đạt được cũng sẽ phải phấn đấu rất nhiều…
Mức tăng trưởng này sở dĩ được tính toán, dự báo ở mức trung bình vì quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội hiện nay (thực tế từ cuối năm 2012, xuất phát từ diễn biến kinh tế - xã hội đất nước) là ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Điều quan trọng là ở các giải pháp thực hiện, với trọng tâm là giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Đây là những giải pháp trọng tâm mà chúng ta đã thực thi trong suốt cả năm 2012 này và được xác định sẽ tiếp tục trong không chỉ năm 2013, thế nhưng, hiệu quả đạt được đến giờ phút này vẫn còn quá nhiều hạn chế. Cái quan trọng nhất là tăng trưởng của doanh nghiệp quá thấp, đặc biệt khối doanh nghiệp nhà nước vốn chiếm số lượng lớn vốn quốc gia, đồng thời cũng là nhóm đối tượng có nợ xấu cao nhất hiện nay.
Một thực tế đã trở thành “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là chưa bao giờ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lại cao như vậy. Thực tế, con số chính thức cao hơn nhiều so với số báo cáo. Doanh nghiệp ngừng hoạt động tính theo đăng ký kinh doanh, vì thế chỉ có doanh nghiệp báo mới biết; mà chắc chắn không ai thống kê nổi rằng có bao nhiêu doanh nghiệp “chết” mà không… báo! Doanh nghiệp khó khăn, kinh doanh bết bát đương nhiên “đánh” thẳng vào thu ngân sách quốc gia. Mọi năm vào thời điểm này, thu ngân sách đều đã đạt 100% năm, nếu năm nào thấp thì cũng đạt 94% năm. Năm nay, hết tháng 11, thu ngân sách mới được 85%.
Đó đều là các chỉ số “âm” so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Khó ai có thể dự báo được sang năm 2013, doanh nghiệp có khởi sắc lên được hay không, nhưng nhiệm vụ vực dậy năng lực kinh doanh của doanh nghiệp là yêu cầu tiên quyết, trong đó chủ đạo đương nhiên vẫn là khối doanh nghiệp nhà nước - thước đo “sức khoẻ” của nền kinh tế chúng ta hiện nay. Các doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng năm sau.
Nếu GDP tăng 5,5% (dù thấp so với kỳ vọng nhưng chắc chắn sẽ phải rất cố gắng mới đạt được; như cả năm 2012 này, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nhưng dự báo GDP cũng chỉ đạt được ước tính 5,2%, trong khi chưa ai dám chắc sang năm tới, nền kinh tế có “sáng” hơn hay không) thì tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước phải tăng gấp 3 lần, khoảng 15%.
Đối với CPI (thước đo của chỉ số lạm phát) thì có nhiều triển vọng hơn. Cuối năm 2011, khi chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 1 đơn vị số (tức dưới 10%, trong khi CPI của năm 2011 là 18,13%), đã có nhiều ý kiến cho rằng “bất khả thi”. Nhưng thực tế đến thời điểm này, các diễn biến cho thấy chắc chắn mức tăng CPI cả năm sẽ chỉ 8%, thậm chí có thể chỉ 7,5%. Bởi vậy, mới nói chỉ tiêu đề ra cho năm 2013 giữ mức tăng CPI cao nhất 8% không phải là không thể đạt được. Mối quan tâm vẫn là chỉ tiêu về tăng trưởng GDP như chúng tôi đã đề cập ở trên, với trách nhiệm chỉ nằm ở khối doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ tiêu không cao, nhưng ít nhất đó là cái mốc chúng ta có thể đạt được. Hẳn nhiều người sẽ không vui với con số này, nhưng thà thực tế một chút vẫn hơn là đưa ra những mức kỳ vọng quá cao để rồi gây thất vọng lớn khi con số đạt được thấp xa thực tế, như bài học điều chỉnh 5 – 6 lần chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012, để rồi vẫn bị “vượt kế hoạch” khi mục tiêu cuối cùng đưa ra là 18% vẫn thua mức thực tế 18,13%, đưa lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, với những hậu quả để lại cho suốt cả năm 2012 mà nền kinh tế phải đối mặt và sẽ tiếp tục phải đối mặt, ít nhất trong năm 2013 tới đây.
Nhất Nguyên