Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối

GD&TĐ - Chiều 27/2, dù trời Huế khá lạnh nhưng gần  4.000 thí sinh đang theo học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã đến trường THPT chuyên Quốc học cùng  tham gia "ngày hội" tư vấn tuyển sinh do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Ban tư vấn gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh
Ban tư vấn gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh

Xác định năng lực học để chọn trường

Nhiều ý kiến thắc mắc về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2106 đã được các chuyên gia tham gia hội đồng tư vấn giải đáp cụ thể cho từng thí sinh. Bên cạnh đó việc BTC  thực hiện việc tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề đã phần nào  giúp thí sinh có thêm những hiểu biết cơ bản về các trường ĐH, CĐ cũng như lựa chọn cho mình những ngành, nghề phù hợp với năng lực học tập .

Tại buổi tư vấn, rất nhiều câu hỏi gửi đến ban tư vấn về việc Bộ GD&ĐT có còn áp dụng cách xét tuyển như năm qua nữa không? Nếu có thay đổi thì việc này sẽ được thực hiện thế nào?

Thay mặt hội đồng tư vấn, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM - giải thích: Năm 2016, Bộ GD&ĐT có thay đổi trong xét tuyển vào các trường ĐH.

Thời gian xét tuyển các đợt bắt đầu từ 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ. Đợt 1 bắt đầu từ 1/8 đến hết ngày 12/8, các đợt xét bổ sung cách nhau 10 ngày.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành. Các đợt bổ sung, thí sinh đăng ký 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành.

Thí sinh đã đăng ký xét tuyển rồi không được rút hồ sơ. Vì vậy thí sinh hãy cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Đông đảo học sinh các trường đã có mặt từ sớm để tham gia tư vấn tuyển sinh
Đông đảo học sinh các trường đã có mặt từ sớm để tham gia tư vấn tuyển sinh  

Cần nghiên cứu thật kỹ đối tượng được ưu tiên

Trả lời thắc mắc của học sinh Bích Phương đến từ trường THPT Gia Hội (TP Huế) về việc trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 có nhiều thí sinh trúng tuyển ở ĐH Huế nhưng khi đến nhập học thì bị các trường trả về do khai không đúng chế độ ưu tiên khu vực hoặc đối tượng. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đáng tiếc này?

Có mặt tại Ban tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Lê Văn Anh - Phó Giám đốc ĐH Huế - giải thích: Về khách quan, từ năm 2014 trở về trước, các trường đại học, cao đẳng trực tiếp nhận hồ sơ dự thi của thí sinh và hồ sơ này đã được kiểm tra, điều chỉnh trước khi tổ chức kỳ thi và báo gọi nhập học nên ít xảy ra sai sót.

Năm 2015, theo quy chế mới hồ sơ của thí sinh được các trường kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc sau khi các em đến nhập học, nên xuất hiện tình trạng nêu trên.

Về chủ quan: Thứ nhất, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, thí sinh không nghiên cứu kỹ các quy định về chính sách ưu tiên, nên khai không chính xác về khu vực ưu tiên hoặc đối tượng ưu tiên. Thứ hai, một số thầy cô ở các trường THPT do không nắm kỹ hoặc chưa thật chu đáo khi hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, nên dẫn đến việc khai không đúng với quy chế.

Do đó để không xảy ra những sai sót như kỳ thi tuyển sinh năm 2015 về chế độ ưu tiên, PGS.TS Lê Văn An lưu ý các thí sinh:  Phải nghiên cứu thật kỹ chính sách ưu tiên được ghi trong Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy năm 2016; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan.

Đặc biệt trong các buổi tư vấn tuyển sinh và khi nhà trường tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký dự thi, các em cần chú ý lắng nghe và nêu các câu hỏi nếu cảm thấy chưa rõ. Ngoài khi làm hồ sơ đăng ký dự thi nếu cảm thấy chưa hiểu, các em nên hỏi trực tiếp các thầy cô nhận hồ sơ hoặc trực tiếp hỏi qua kênh tư vấn tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng.

Liên quan đến các câu hỏi về điều kiện để được xét tuyển vào các trường quân đội Trung tá Nguyễn Hùng Đông – trợ lý tuyển sinh Trường Sĩ quan Pháo binh trả lời:  Năm 2016, các trường khối quân đội về cơ bản không có gì thay đổi trong việc sơ tuyển và xét tuyển.

Ở phần sơ tuyển: Trình tự các bước làm thủ tục, đăng ký mua hồ sơ sơ tuyển tại các địa phương, đơn vị vẫn giữ nguyên như năm 2015. Một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng được đăng chi tiết trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong quân đội năm 2016 do Bộ Quốc phòng ban hành.

Ở phần xét tuyển: Tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ và nhu cầu sử dụng của từng quân binh chủng mà các trường được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu đào tạo khác nhau.

Trước câu hỏi của các học sinh về việc năm nay ngành sư phạm xét tuyển như thế nào? Các trường sư phạm có yêu cầu sơ tuyển thí sinh? GS.TS. Lê Văn Thuyết - Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế chia sẻ: Năm nay, ngành sư phạm vẫn xét tuyển như năm 2015, nghĩa là tổ hợp các môn thi theo các ngành. 

Do đặc thù của ngành sư phạm là để tìm đúng người có tố chất tốt, đạo đức tốt, để đào tạo họ trở thành những người sau này truyền đạt, chia sẻ kiến thức với mọi người nên hầu như luôn có sự sơ tuyển đầu vào. Ví dụ: Tại Đại học Huế, vào sư phạm, hạnh kiểm 3 năm phải loại khá trở lên, sư phạm tiếng Anh thì môn tiếng Anh (thi THPT) phải trên hay = 5.

Đánh giá về buổi tư vấn tuyển sinh, thầy Đặng Phước Mỹ - PGĐ sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế nhận xét: Buổi tư vấn đã đem đến những thông tin bổ ích cho các thầy cô giáo, phụ huynh và đặc biệt là các học sinh khối 12. Qua đó giúp các em có thêm nhiều sự lựa chọn về ngành học, trường học phù hợp với khả năng, nguyện vọng sở thích và điều kiện kinh tế gia đình mình.

Với buổi tư vấn hữu ích này, hy vọng rằng học sinh Thừa Thiên Huế sẽ đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến, đồng thời có được lựa chọn chính xác nhất cho con đường tương lai của mình.

Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 2Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 3Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 4Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 5Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 6Những câu hỏi "nóng" thí sinh Huế nhờ chuyên gia gỡ rối ảnh 7

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ