Trang bị cẩm nang thi
Theo cô Lê Thị Biên - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên), việc giáo viên trang bị cẩm nang thi rất hấp dẫn với học sinh nói chung và học sinh chuyên nói riêng. Vì các em học để thi và thi thì phải đỗ, do đó, cẩm nang thi sẽ là một trong những tài liệu gối đầu giường của học sinh.
Nhưng với cách này, thay cho việc cảm xúc và sáng tạo thì học sinh lại ghi nhớ những cẩm nang thi đã có sẵn. Khi cánh cửa sáng tạo đóng lại cũng là lúc cảm xúc không có lối tuôn trào.
Cảm nhận trước cái đẹp và sự thanh lọc tâm hồn của các em đã bị coi nhẹ trước núi kiến thức đồ sộ khi thời gian thi đang đến gần. Ấy là lúc học theo cẩm nang thi lên ngôi.
Rèn kĩ năng viết bài
Theo cô Lê Thị Biên, đây là cách các thầy cô trang bị cho học sinh kĩ năng làm bài thuần thục đến mức thành kĩ xảo. Các em sẽ là “những người thợ khéo tay” khi tạo ra các sản phẩm bài văn như trong khuôn mẫu.
Cách này mang lại chất lượng kiến thức đồng đều nhưng lại coi nhẹ xúc cảm riêng của từng cá nhân.
Cung cấp nhiều kiến thức
Việc nhồi nhét kiến thức cho học sinh, giờ học đào sâu, mở rộng, nâng cao để mỗi trò như một bị chứa đầy chặt kiến thức, theo cô Biên, cách này có ưu điểm là mang lại cho học sinh biển kiến thức vô bờ. Các em được mở mang tầm nhìn về phía chân trời kiến thức vô tận.
Tuy nhiên, nhược điểm là mỗi học sinh là một bình chứa chứ không phải là một ngọn lửa cháy sáng lên. Như vậy học sinh sẽ biết nhiều mà chưa cảm nhiều, hiểu kiến thức nhưng chưa hiểu chính mình đọng lại cảm xúc gì sau khi nhận biết kiến thức ấy.
Như vậy: Giờ văn chỉ tác động đến nhận thức lí trí chưa tác động đến sự lay động tâm hồn học sinh. Trong giờ Văn, học sinh lạnh lùng với số phận nhân vật, xa lạ với nỗi niềm rung động của nhà văn trước cuộc đời. Giờ văn trở nên tẻ nhạt vô vị và do đó cũng không có tác động tích cực đối với sự phát triển con người như chúng ta mong muốn.
Bình luận