Những 'bóng hồng' miền Tây sẵn sàng ngày nhập ngũ

GD&TĐ - Đợt giao - nhận quân năm nay nhiều 'bóng hồng' ở miền Tây Nam Bộ lên đường nhập ngũ.

Em Huỳnh Hoàng Anh (trái) lên đường nhập ngũ, tiếp nối truyền thống gia đình.
Em Huỳnh Hoàng Anh (trái) lên đường nhập ngũ, tiếp nối truyền thống gia đình.

Trong số đó có nhiều người viết đơn đăng ký nghĩa vụ quân sự, công an ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Huỳnh Hoàng Anh, 24 tuổi, ngụ tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã tình nguyện viết đơn đăng ký nghĩa vụ quân sự ngay khi vừa tốt nghiệp ngành Việt Nam học - chuyên ngành du lịch Trường Đại học Tây Đô vào năm 2022.

Bạn bè, hàng xóm đều ngạc nhiên trước quyết định khá táo bạo của cô gái trẻ. Trái lại gia đình cô thì vô cùng tự hào về cô. Sinh ra trong gia đình có cha và anh trai đều là sĩ quan quân đội, ngay từ nhỏ Hoàng Anh đã vô cùng yêu mến, thần tượng cha và anh trai mình - những người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Nhà em có truyền thống quân đội, từ khi còn nhỏ em có mong muốn viết đơn để được đứng trong môi trường quân đội. Nữ trong quân đội có nhiều khó khăn hơn so với nam, nhưng em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Hoàng Anh chia sẻ.

Quận Bình Thủy có 206 thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2023. Trong đó, Hoàng Anh là nữ tân binh duy nhất. “Lúc nhận được giấy báo trúng tuyển em rất vui mừng. Cuối cùng ước mơ được khoác lên mình chiếc áo xanh của người lính cụ Hồ đã trở thành hiện thực. Em đã chuẩn bị tư tưởng và rất vững tin để lên đường nhập ngũ. Đến ngày 9/2 tới đây, em sẽ bắt đầu được sống và học tập trong môi trường quân đội”, Huỳnh Hoàng Anh nói.

Bà Huỳnh Thị Tuyền, mẹ Hoàng Anh, cho biết: “Từ nhỏ cháu đã mê được làm bộ đội nên gia đình cũng ủng hộ cháu. Mặc dù biết vào quân đội là kỷ luật thép, nhiều khó khăn, thử thách nhưng gia đình tôi tin con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ khi nghe tin được vào quân đội, cháu mừng lắm, cứ chờ ngày được lên đường”.

Trước giờ phút em gái lên đường nhập ngũ, anh Huỳnh Hoàng Nam - công tác tại Cục Chính trị Quân khu 9, chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi em gái chọn đi theo con đường truyền thống của gia đình. Chỉ mong em có đủ sức khỏe để đào tạo tốt và trưởng thành trong quân đội”.

Tin tưởng bản thân sẽ hoàn thành nhiệm vụ

Em Lê Thị Huỳnh Như chụp ảnh cùng hai người ông.

Em Lê Thị Huỳnh Như chụp ảnh cùng hai người ông.

Lê Thị Huỳnh Như (26 tuổi), ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cũng là một trong những bóng hồng miền Tây tham gia quân ngũ năm nay. “Lúc cầm giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, em rất vui và thông báo cho ba, mẹ và người thân trong gia đình. Em nghĩ môi trường quân nhân sẽ giúp em rèn luyện đức tính, kỹ năng trong cuộc sống và công việc sau này”, Như chia sẻ.

Sở dĩ Như có ước mơ khoác lên mình chiếc áo Bộ đội cụ Hồ là vì ông nội (thương binh 3/4) và ông ngoại từng tham gia kháng chiến chống Mỹ nên ngay từ nhỏ, Như được nghe kể về những trận đánh ác liệt của quân và dân ta chống kẻ thù xâm lược.

Khi lớn lên được nghe, được thấy bộ đội huấn luyện, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện an sinh xã hội ở địa phương, em rất muốn trở thành người lính, tự nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự.

Lê Thị Huỳnh Như tốt nghiệp ngành dược của Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Ngay sau tốt nghiệp Như trực tiếp liên hệ với Ban Chỉ huy Quân sự xã Vị Trung tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự 2023.

“Khi mới ra trường có nhiều người bạn rủ em xin việc ở một số công ty, doanh nghiệp… nhưng em quyết định không tham gia, bởi muốn cống hiến một phần công sức và kiến thức đã học trên giảng đường cho quân đội”, Như bộc bạch.

Trước khi chuẩn bị hành trang lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023, Như tự tin: “Tuy chưa biết môi trường nghĩa vụ quân sự áp lực, khó khăn thế nào, nhưng em tin vào bản thân không ngại vất vả, chịu học hỏi, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ông Lê Văn Út, ông nội Như, chia sẻ: “Tuy là nữ nhưng Như đầy bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ. Chỉ mong Như hòa nhập nhanh với môi trường quân ngũ, nêu cao tinh thần đoàn kết, chịu khó nghiên cứu học hỏi và nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Nữ tình nguyện đầu tiên tham gia nghĩa vụ công an

Em Nguyễn Thị Yến Ngọc cùng gia đình.

Em Nguyễn Thị Yến Ngọc cùng gia đình.

Nguyễn Thị Yến Ngọc (24 tuổi), ở khu vực 2, phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy (Hậu Giang) là nữ tình nguyện đầu tiên tham gia nghĩa vụ công an kể từ khi thành lập tỉnh đến nay.

Sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2009), Ngọc đăng ký xét tuyển đại học ngành công an, nhưng không đạt. Sau đó, em đăng ký xét tuyển ngành thực hành xét nghiệm y học của Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và trúng tuyển.

Trong 3 năm học tại trường, Ngọc chưa bao giờ từ bỏ ước mơ trở thành chiến sĩ công an nhân dân. Năm nào địa phương có đợt tuyển nghĩa vụ là em hỏi thăm chỉ tiêu nữ, nếu có sẽ đăng ký.

Đến năm 2022, sau khi tốt nghiệp cao đẳng và công tác tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng, Ngọc hay tin địa phương có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2023 và có chỉ tiêu nữ, em nhanh chóng liên hệ với địa phương để tìm hiểu, đăng ký và trúng tuyển với kết quả sức khỏe loại I.

“Khi biết em đăng ký đi nghĩa vụ trong lực lượng công an, gia đình em lo lắm, bởi con gái “chân yếu tay mềm”, môi trường công an, quân đội lại rất khó khăn, vất vả. Nhưng vì khát khao trở thành chiến sĩ công an nhân dân nên em đã tìm mọi cách thuyết phục gia đình để thực hiện ước mơ. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho em tham gia nghĩa vụ”, Ngọc tâm sự.

Theo Ngọc, bí quyết giúp em có sức khỏe loại I, là ngoài chế độ ăn hợp lý thì còn tham gia học môn võ Vovinam giúp tinh thần em mạnh mẽ, sức khỏe dẻo dai hơn. Tuy chưa đến ngày nhập ngũ, nhưng mấy ngày qua Ngọc đã chuẩn bị xong hành trang để lên đường.

Cô gái trẻ cho biết sẽ cố gắng học tập và tham gia tốt các hoạt động trong môi trường nhập ngũ, đồng thời cố gắng nỗ lực, phát huy truyền thống gia đình. “Em muốn được phục vụ lâu dài trong ngành công an, góp phần nhỏ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự xã hội”, Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.