Ngày nay, các bộ phim hài Tết với nội dung vui vẻ và đầy tính giải trí đã tràn ngập các rạp chiếu bóng mỗi khi Tết đến xuân về. Tuy nhiên, hẳn thế hệ cuối 8x, đầu 9x vẫn chưa quên được những bộ phim đặc sắc chuyên chiếu vào dịp Tết ngày xưa trên truyền hình.
Với sự thể hiện của những gương mặt "quốc dân" như diễn viên Quang Thắng, Quốc Khánh, Đức Khuê hay đạo diễn Trần Lực, 5 bộ phim Tết dưới đây đã từng đem lại cho các khán giả truyền hình không chỉ những giây phút giải trí sảng khoái và đầy tích cực mà còn là những bài học, câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người, ca ngợi lối sống tử tế, cách đối xử nhân văn giữa con người với con người và hướng cái nhìn đầy lạc quan về một tương lai tươi đẹp phía trước.
1. Vị khách lúc giao thừa
"Vị khách lúc giao thừa" là bộ phim có nội dung đơn giản, ít nhân vật nhưng vẫn rất hay và ý nghĩa
Một bộ phim có nội dung khá lạ với đoạn kết khá bất ngờ và ý nghĩa. phim mở đầu bằng cảnh một nghệ sĩ say xỉn nên đã vào nhầm nhà hàng xóm cùng khu. Đó là nhà của người đàn bà đã có chồng (do Minh Hòa đóng). Anh chàng nghệ sĩ say xỉn nên cứ tưởng mình đang ở trong nhà của mình, lại đóng vai làm chủ nhà mời người đàn bà và con cô uống nước như khách đến chơi.
Sau khi hiểu được sự nhầm lẫn, người nghệ sĩ vui vẻ đã được chủ nhà mời ở lại chơi và cùng nhau đón giao thừa. Kết thúc đầy bất ngờ khi họ vô tình quen nhau và chính anh chàng nghệ sĩ nhầm lẫn này lại đem niềm vui hạnh phúc của hai mẹ con trở lại khi mang đến người chồng, người cha cho một mái ấm.
2. Ngày Tết nhiệm màu
"Lương Bổng" tức NSƯT Trung Anh từng vào vai chính trong Ngày Tết nhiệm màu
Như đúng tên gọi của nó, Ngày Tết nhiệm màu là bộ phim Tết cảm động về một cái Tết nhiệm màu, đầy hạnh phúc. Một bộ phim thể hiện mong ước của cậu bé nhỏ về một mái ấm gia đình với ba, với mẹ đủ đầy.
Sau tất cả những hiểu lầm và biến cố, ước mong của cậu bé đã được thực hiện với sự xuất hiện của người ba vào cuối phim. Một tác phẩm có ý nghĩa về tình cảm gia đình đáng để bạn xem trong dịp Tết, hướng chúng ta đến sự đoàn viên trong dịp lễ Tết, một cái Tết ấm cúng và tràn đầy yêu thương với gia đình bé nhỏ.
3. Tết này ai đến xông nhà?
Bộ phim “Tết này ai đến xông nhà”
Bộ phim kể về việc đi tìm kiếm một người vợ hoàn hảo của Thi (do Quốc Khánh đóng vai), một anh chàng kĩ sư đẹp trai, cao ráo, ăn nói có duyên và khá lanh lợi, gia đình thuộc loại khá giả có điều kiện tuy nhiên anh đã đến tuổi mà chưa muốn lấy vợ. Lí do vì Thi luôn tìm kiếm những tiêu chuẩn quá hoàn hảo và rất đỗi xa vời với cô gái gọi là vợ mình. Trong khi đó Thi lại là một người không hề hoàn hảo thậm chí keo kiệt bủn xỉn với những suy tính cho các mối tình của mình.
Kết thúc phim là cảnh anh Thi kỹ sư chạy vội đi mua một đôi giày cho người con gái mà trước bạn anh giới thiệu nhưng anh chê lùn. Cuối phim, Thi đã tìm được người bạn đời hợp ý với mình và xóa bỏ đi suy nghĩ kiếm tìm một người vợ với những yêu cầu quá xa vời. Một cái kết đẹp cho Thi nhận ra nhiều điều về hạnh phúc. Một bộ phim hài vô cùng ý nghĩa rất đáng xem trong dịp Tết.
4. Chuyện xảy ra trước Tết
Tuy ra đời cách đây đã khá lâu, nhưng bộ phim Chuyện xảy ra trước Tết vẫn luôn có 1 sức hút đặc biệt với khán giả. Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ Hoàng ở thôn Hạ. Vào dịp cuối năm, ông Kiếm nảy sinh âm mưu chiếm nhà thờ tổ và đất của cụ Tự, bác ruột của Kiếm.
Chuyện xảy ra trước Tết là bài học sâu sắc về tình cảm gia đình và giá trị cuộc sống
Để đạt mục đích ấy, ông Kiếm tổ chức lễ thượng thọ cho cụ Tự thật linh đình. Tiếp đến, ông Kiếm tìm cách loại bỏ ý định ở rể của Chiến, cháu rể tương lai cụ Tự. Cuối cùng để chắc chắn, ông Kiếm cùng em trai ruột là ông Đạo định nhờ người viết di chúc giả nhưng không thành.
Đến với Chuyện xảy ra trước Tết, khán giả sẽ được sống trong không khí làng quê dịp giáp Tết, đến với phong tục mừng thọ cho người cao tuổi, với tục gói bánh chưng, với những tình cảm đôn hậu, đơn giản nhưng đầy tình nghĩa.
5. Hoa đào ngày Tết
Hoa đào ngày Tết là bộ phim để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả bởi tính nhân văn và những bài học giá trị về tình người. Nội dung phim kể về Hải (Đức Khuê thủ vai) – một anh chàng suốt ngày chỉ lo công việc, không để ý đến chuyện vợ con nên đã có tuổi mà vẫn chưa lấy vợ. Để làm yên lòng cha mẹ, Hải đã thuê Thảo – cô gái bán hoa sống cùng khu tập thể (Thùy Dương thủ vai) giả làm bạn gái anh để về ra mắt gia đình.
Cảnh trong phim Hoa đào ngày Tết
Đóng vai một cô gái Thủ đô xinh đẹp lại nhẹ nhàng, lễ phép, tình cảm, Thảo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của gia đình và họ hàng nhà Hải. Sống trong không khí ấm cúng của làng quê Việt Nam ngày Tết và sự yêu thương chân thành của bố mẹ Hải, tâm hồn cô gái làng chơi bỗng dưng xao động. Thảo dần nhận ra sự đáng quý của những điều giản dị mà cô đã quên đi khi lao theo vòng quay hối hả của cuộc sống.
Dù đoạn kết khiến không ít khán giả nuối tiếc khi hai nhân vật chính không đến được với nhau, nhưng những giá trị tình cảm trong trẻo mà bộ phim để lại cũng đã đủ khiến khán giả cảm thấy ấm áp và hài lòng.
Một chút hoài niệm về những ngày Tết xưa âu cũng thú vị lắm trong nhịp sống hối hả của Tết hiện đại khi mà con người ngày càng xa nhau.
6. Quà năm mới
Bộ phim “Quà năm mới”
Bộ phim là món quà độc đáo, ý nghĩa mà nhà sản xuất phim dành tặng cho các bạn nhỏ thiếu nhi trong dịp lễ Tết. Phim kể về 3 cậu bạn Hiếu, Duy, Đản. Mỗi người một hoàn cảnh gia đình khác nhau, chính vì thế những món quà Tết cũng khác nhau. Người có quà Tết rất chu đáo được chuẩn bị từ bố mẹ có điều kiện, người không có quà mà phải ở lại thành phố để kiếm tiền gửi về quê cho mẹ và em.
Hai cậu bạn Duy và Hiếu gặp sự cố và được Đản giúp. Khi biết gia cảnh của cậu bạn, hai bạn đã tặng họ món quà ý nghĩa. Kết thúc bộ phim, mỗi người đều nhận được những món quà ý nghĩa mà mình mong muốn có. Bộ phim là bức thông điệp tuyệt vời nhất về tình bạn, về cuộc sống, về sự quan tâm thấu hiểu và sẻ chia với nhau, với những mảnh đời còn bất hạnh. Một bộ phim ngắn mà sức chứa hơn nhiều so với dung lượng của nó.