Cách đây hàng ngàn năm, các bác sĩ và thợ thủ công đã biết cách tạo ra những bộ phận cơ thể người bị mất đi do chấn thương, phẫu thuật cắt bỏ hoặc bệnh tật. Các bộ phận giả trước đó chủ yếu được làm ra để phục vụ mục đích trang trí như ngón chân nhân tạo ở Ai Cập cổ đại hay cánh tay của hiệp sĩ người Đức là những minh chứng sớm nhất về chức năng hoạt động của chi giả.
Ngón chân giả từ thời Ai Cập cổ đại
Các nhà khoa học tại Đại học Manchester, Anh đã tìm ra hai ngón chân giả của xác ướp Ai Cập - được xem là những bộ phận cơ thể nhân tạo lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy. Ngón chân giả có niên đại từ giữa năm 950 đến 710 trước CN. Cấu tạo của một ngón chân có ba phần, làm từ gỗ và da, được khai quật cùng với xác ướp nữ giới gần Luxor, Ai Cập. Người Ai Cập cổ đại thường xuyên tạo ra các bộ phận cơ thể giả để trang trí cho xác chết.
Tuy nhiên, trong cuộc thử nghiệm, hai tình nguyện viên đều bị mất ngón chân cái bên phải đã đeo mẫu chân giả này cho biết việc đeo ngón chân giả giúp họ đi lại dễ dàng hơn. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện ngón chân giả cổ khác trong ngôi mộ Ai Cập có niên đại 600 năm trước CN.
Ngón chân giả từ thời Ai Cập cổ đại.
Mắt nhân tạo ở Iran
Năm 1998, các nhà khảo cổ học Iran đã khám phá ra tròng mắt nhân tạo có niên đại cách đây đến 5.000 năm. Bộ phận giả này được phát hiện tại nghĩa địa Shari-Sokhta thuộc sa mạc Sistan giữa biên giới của Iran và Afghanistan. Tròng mắt này có dạng nửa hình cầu với đường kính chỉ hơn 2,5cm, làm từ nhựa cây trộn với mỡ động vật. Tròng mắt giả được chạm khắc với các tia sáng vàng tại trung tâm mắt.
Theo xác định của các chuyên gia, tròng mắt này thuộc về một phụ nữ khỏe mạnh nhưng đã qua đời ở độ tuổi 25-30. Nghiên cứu bằng kính hiển vi cho thấy sự hình thành của nhiễm trùng khi mi mắt tiếp xúc với tròng mắt lâu ngày.
Cánh tay giả của Hiệp sĩ người Đức
Hiệp sĩ người Đức Gotz von Berlichingen (1480-1562) nổi tiếng với cánh tay giả của mình trong các trận chiến. Năm 1504, trong cuộc bao vây ở Landshut, Gotz bị mất cánh tay phải nhưng may mắn sống sót; sau đó ông được lắp tay giả bằng sắt hoạt động nhờ khớp nối. Chi giả này có các ngón tay với những khớp nối có thể cầm tấm khiên, giữ chặt dây cương hay thậm chí cầm cây bút lông ngỗng. Chi giả này được một chuyên gia sản xuất vũ khí chế tạo.
Chân giả có móng ở Trung Quốc
Trong năm 2007, các nhà khảo cổ đã khai quật được một cái chân giả có móng với niên đại 2.200 năm tuổi tại Turpan (Trung Quốc). Bộ phận này được gắn với người đàn ông từ 50-65 tuổi. Các nhà nghiên cứu xác định xương bánh chè, xương đùi, xương chày của người này hợp với nhau một góc 80 độ, do đó không thể đi lại được bình thường.
Chân giả có móng bên dưới giống như chân ngựa. Dấu vết mòn của chân giả này cho thấy nó được sử dụng thường xuyên trong nhiều năm. Dựa trên phân tích carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu tin rằng người đàn ông này sống ở thời người Gushi cổ đại trong thế kỷ đầu tiên trước CN.
Mũi giả ở nhà thiên văn học người Đan Mạch
Sinh năm 1546, nhà thiên văn học người Đan Mạch, Tycho Brache đã thực hiện các phép đo chính xác nhất các hành tinh khác mà không có kính thiên văn học và ông cũng là người phát hiện sao chổi là ngoài bầu khí quyển của trái đất. Năm 1566, Brahe đã bị thương và mất mũi của mình sau trận đấu tay đôi với Manderup Parsberg vì tranh cãi về một công thức toán học. Sau khi mất mũi, Brahe được lắp một chiếc mũi giả bằng đồng.
Mũi giả ở nhà thiên văn học người Đan Mạch.
Răng giả cổ nhất trên thế giới ở Tuscany
Các nhà khảo cổ đã phát hiện những chiếc răng giả có tuổi đời sớm nhất trên thế giới tại tu viện San Francessco Tuscany. Chiếc răng giả với 400 năm tuổi gồm 3 phần: răng ở chính giữa và hai răng nanh cố định hai bên. Những chiếc răng này được tìm thấy trong ngôi mộ của một gia đình quý tộc chứa 100 xác chết. Sự tích tụ của canxi và các mảng bám chân răng giả cho thấy nó đã được sử dụng trong thời gian dài.
Chân giả bằng gỗ ở Áo
Các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ Áo thông báo đã phát hiện một vật có hình dạng chân bằng gỗ có niên đại từ thế kỷ thứ 6 sau CN, đây được tin là bộ phận cơ thể giả cổ nhất ở châu Âu. Nhà khảo cổ Sabine Ladstaetter nhận định, người đàn ông đã tìm cách khắc phục phần chân bị gãy bằng chiếc chân gỗ và có thể di chuyển dễ dàng bằng chiếc chân này ít nhất 2 năm trở lên. Các nhà nghiên cứu cũng xác định hài cốt của người đàn ông thể hiện dáng vẻ của một người có địa vị cao trong xã hội. Bà Lastaetter cho biết, việc lắp ghép chân giả này đã chứng tỏ kỹ thuật y khoa thành thục tại thời điểm đó.