Có thể dùng những phần thưởng nho nhỏ để động viên học sinh. Ảnh: Lan Anh |
(GD&TĐ) - “Hôm nay được 5 hay 6 chữ hả con” - đó luôn là câu đầu tiên chị Liên hỏi mỗi chiều đón con ở cổng trường.
Nhiều người thắc mắc vì sao lại hỏi con như vậy, chị phân trần: Khổ quá, năm nay học sinh lớp 1 cô giáo không chấm bài bằng điểm nữa mà “chấm” bằng chữ. Nếu hôm nào cháu làm bài tốt, không có sai sót gì, cô sẽ phê “Bài làm tốt, đáng khen”; trường hợp còn có sai sót, lề vở sẽ được thêm dòng chữ “Con cần cố gắng hơn nữa”.
Như để chứng minh, chị Liên nhanh nhảu mang vở của con ra khoe. Hôm nay, con chị được “5 chữ”. Nhưng đó không phải những dòng nắn nót của cô giáo mà là 5 chữ đỏ chót được “triện” vào vở từ dấu khắc sẵn. Như hiểu những thắc mắc đó, chị Liên vội giải thích: Lớp có đến 50 cháu, nếu cô viết 50 chữ như thế này thì đến bao giờ. Có lẽ thế nên “triện” kiểu này cho tiện.
Khi được chia sẻ câu chuyện con chị Liên, một giáo viên tiểu học cho biết: Còn nhiều hình thức thay cách chấm điểm “lạ” lắm. Có đồng nghiệp chia sẻ rằng họ dùng “dấu” thay điểm. Ví dụ, bài được đánh dấu “cộng” sẽ tương đương với điểm 10; nếu có thêm dấu “trừ” đằng trước dấu “cộng” sẽ là điểm 9; rồi dấu “trừ” đi kèm một dấu “chấm” sẽ là một điểm khác... Nói chung là vô cùng phức tạp, người lớn cũng khó có thể nhớ nổi chứ không nói gì trẻ nhỏ mới chập chững những con chữ đầu tiên.
Có cô đơn giản hơn thì dùng “hoa” thay điểm. Ví dụ bài gắn hoa màu đỏ sẽ tương đương 10 điểm, màu xanh 9 điểm, màu vàng 8 điểm... Hoặc được 10 hoa tương đương 10 điểm, 9 hoa tương đương 9 điểm...
Kết luận, người giáo viên kể về những câu chuyện này cho rằng: Thực ra, chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 là rất tốt, rất được cha mẹ học sinh ủng hộ. Tuy nhiên, không ít giáo viên hiểu chưa đúng nên làm chưa trúng.
Ví như, hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT Hà Nội đã ghi rõ: Với môn Toán và Tiếng Việt, giáo viên sẽ nhận xét học sinh bằng lời trực tiếp khi kiểm tra miệng và các hoạt động học tập ở mỗi bài học; nhận xét trên lớp qua bài luyện tập trên vở, bài kiểm tra viết dưới 20 phút và ghi nhận xét vào thời điểm cuối tuần, cuối tháng và cuối học kỳ... Tuy nhiên, nhiều cô giáo vẫn chưa thông nên nhầm lẫn, dẫn đến quy đổi việc chấm điểm thành những hình thức khác.
Nên hiểu rằng, cho điểm khác với nhận xét. Bởi để nhận xét, giáo viên không chỉ đơn giản là xem bài làm học sinh đúng hay sai mà phải bỏ công sức theo dõi, quan sát học sinh nhiều hơn trong suốt quá trình học tập. Việc nhận xét cũng có thể là dùng lời trực tiếp với từng học sinh chứ không nhất thiết ghi vào trong vở.
Có thể dùng những phần thưởng nho nhỏ, có thể là một bông hoa, thậm chí chỉ là tràng pháo tay để động viên những học sinh học tốt, có tiến bộ. Tuy nhiên, không nên “đóng cứng” những lời nhận xét, bởi vô hình trung, hình thức chỉ là biến tướng của việc cho điểm mà thôi.
Đan Thảo