Những bí ẩn về con tàu ngầm gặp nạn của Nga

GD&TĐ - Vào ngày 1/7, trong quá trình tiến hành đo độ sâu, đám cháy đã bùng phát trong tàu ngầm nghiên cứu nước sâu của Bộ Quốc phòng Nga AS-31 “Losharik”, khiến 14 thủy thủ bị ngộ độc và hy sinh. Theo các nguồn tin quân sự Nga, vụ việc xảy ra ở vùng lãnh hải của Nga và tàu AS-31 “Losharik” đang lưu trú tại căn cứ hải quân ở Severomorsk (vùng Murmansk). 

Tàu ngầm hạt nhân AS-31 “Losharik” đang neo đậu tại căn cứ hải quân Severomorsk (vùng Murmansk)
Tàu ngầm hạt nhân AS-31 “Losharik” đang neo đậu tại căn cứ hải quân Severomorsk (vùng Murmansk)

Tất cả chỉ có vậy, Nga không công bố chi tiết vụ việc vì nó thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Tuy nhiên, tàu ngầm AS-31 “Losharik” thuộc loại tàu nào và hoạt động của nó nhằm mục đích gì đang câu chuyện nóng của dư luận thế giới.

Đôi nét về AS-31 “Losharik”

Tàu ngầm AS-31 “Losharik” được Văn phòng kỹ thuật hàng hải Malakhit (St. Petersburg) thiết kế vào năm 1988 - 1990 với ý tưởng tạo ra một tàu ngầm hạt nhân có khả năng lặn sâu trong khoảng thời gian dài. Dự án được bảo vệ vào năm 1992. Việc chế tạo AS-31 “Losharik” được bắt đầu thực hiện tại Tổ hợp Công nghiệp phương Bắc “Sevmash” ở Severodvinsk (vùng Arkhangelsk), nhưng do sự chậm trễ trong tài trợ, nó chỉ được hoàn thành vào năm 2003.

Về cấu trúc, AS-31 gồm một chuỗi gồm 7 khoang áp suất hình cầu làm từ titan, nơi lắp đặt các động cơ, trạm chỉ huy và khu sinh hoạt của thủ thủ đoàn. Các khoang trên con tàu AS-31tương đối độc lập và được kết nối với nhau bởi hệ thống chuyển tiếp, một trong những khoang này là một nhà máy điện hạt nhân.

Tàu ngầm AS-31 dài 69 mét, rộng 7 mét, tốc độ là 30 hải lý/giờ. Độ lặn sâu tối đa ước tính của AS-31 “Losharik” là 6.000 mét. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, quyền tự chủ bơi lội của AS-31 từ vài ngày đến vài tháng, số thủy thủ đoàn của nó là 25 người..

Tàu ngầm AS-31 không được trang bị vũ khí lại hoạt động dưới biển sâu nên cần một tàu sân bay đi kèm. Được biết, vào năm 2012, tàu ngầm hạt nhân BS-136 Orenburg dự án 09786 (667 Kalmar) đóng vai trò là tàu sân bay hỗ trợ cho các hoạt động của “Lossharik” AS-31.

Nhiệm vụ của Losharil AS-31 là gì?

Theo tin từ giới quân sự Nga, AS-31 “Losharik” tiến hành các hoạt động dưới đáy biển, trong đó có những nhiệm vụ hết sức đặc biệt. Ví dụ, trong khuôn khổ của cuộc thám hiểm “Sevmorgeo”, biên giới của thềm lục địa Nga ở Bắc Cực đã được làm rõ. Cụ thể, AS-31 “Losharik” đã tìm cách lấy các mẫu đất biển từ độ sâu hơn 2 km làm cơ sở để chứng minh rằng dãy núi ngầm Lomonosov và Mendeleev thuộc thềm lục địa của Nga.

Sau khi nghiên cứu các mẫu đất bazan và đá dolerit được khai thác từ đáy của phần phía Bắc và phía Nam dãy núi ngầm Mendeleev, các nhà khoa học đã xác định rằng chúng có nguồn gốc từ giữa kỷ Ordovic, tức là khoảng 470 triệu năm trước và hoàn toàn trùng khớp với các mẫu của Quần đảo Novosibirsk, một phần thềm lục địa của Nga.

Tổng diện tích các khu vực dưới nước mà Nga coi là sự tiếp nối của thềm lục địa (phần tự nhiên của lục địa) ước tính khoảng 1,2 triệu km2. Theo Bộ Môi trường, trữ lượng hydrocarbon dưới thềm mở rộng ước tính khoảng 5 tỷ tấn nhiên liệu tham chiếu - khoảng 12% trữ lượng dầu thế giới.

Sau cuộc thám hiểm mang tên “Sevmorgeo”, các tay máy, hệ thống chiếu sáng bên ngoài và thân tàu AS-31 “Losharik” đã bị hư hại. Việc sửa chữa thiết bị đã được hoàn thành vào năm 2017, khi các cuộc thử nghiệm dưới biển sâu của nó được thực hiện cùng với tàu sân bay - tàu ngầm BS-64.

Theo tờ “Kommersant” (Nga), cho đến nay, nguyên nhân chính thức dẫn đến sự cố trên tàu AS-31 “Losharik” vẫn chưa thể kết luận. Bằng chứng là đại diện của các cơ quan điều tra địa phương thậm chí không được phép đến bến để tiếp cận con tàu. Chính vì vậy, thi thể của các thủy thủ hy sinh vẫn chưa được xác định và đưa về cho người thân chôn cất. Tất cả chỉ vì “bí mật quốc gia”.

Theo tờ RBK (Nga), mùa hè này, rất có thể AS-31 “Losharik” tham gia dự án lập bản đồ dưới đáy Bắc Băng Dương và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Vậy “nhiệm vụ đặc biệt” thuộc “bí mật quốc gia” mà giới quân sự cũng như truyền thông Nga lấp lửng nhắc đến là gì?

Cũng theo tờ RBK, các phương tiện nghiên cứu biển sâu của quân đội Nga theo truyền thống thuộc thẩm quyền của Tổng cục Nghiên cứu biển sâu (GUGI) - một trong những cơ quan bí mật nhất của Bộ Quốc phòng Nga. Chính vì vậy, các nhiệm vụ được giao cho bộ phận này không được tiết lộ. Dù không chính thức tuyên bố, nhưng nhiệm vụ của AS-31 “Losharik” không chỉ bao gồm việc lập bản đồ đáy biển, giải cứu tàu ngầm gặp nạn và thu thập các mảnh vỡ của máy bay chìm, mà còn, ví dụ, nghe trộm các dây cáp liên lạc quốc tế , điều làm NATO đặc biệt lo ngại. Trong khi đó, tờ The Barents

Observer (Na Uy) cho rằng, AS-31 “Losharik” có thể “vận chuyển các thiết bị nhỏ cho mục đích quân sự, được thiết kế để đặt dưới đáy biển”. Các thiết bị như vậy có thể được sử dụng để chuyển hướng sự chú ý của tàu ngầm nước ngoài khi tàu ngầm Nga rời khỏi Bán đảo Kola đến Bắc Đại Tây Dương. Các thiết bị nghe khác có thể phát hiện âm thanh do tàu địch tạo ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ