* Thầy Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Sáng tạo trong quá trình triển khai dạy học cả ngày
Chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội chỉ đạo của Ban quản lý Trung ương. Từ thực tiễn triển khai, chúng tôi nhận thấy, để có được thành công, việc đầu tiên là cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên;
Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, động viên giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng linh hoạt những phương pháp mới vào giảng dạy đảm bảo phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Mạnh dạn tổ chức những hoạt động trãi nghiệm sáng tạo cho học sinh, tổ chức nhiều câu lạc bộ trường học để học sinh có một sân chơi lành mạnh, giúp các em phát triển tư duy và kỹ năng sống.
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu và góp phần quan trọng vào thành công chung của Chương trình SEQAP, đó là: Làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh thấy rõ lợi ích của học sinh khi được tham gia học cả ngày tại trường, đồng thời huy đồng thêm nguồn kinh phí xã hội hoá giáo dục để hỗ trợ một phần cho nhà trường trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt là phải giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc thực hiện chương trình, nội dung và xây dựng kế hoạch dạy học. Giáo viên chủ nhiệm phải kiểm tra chặt chẽ việc tự học của học sinh, phải xác định cho học sinh nội dung học ở nhà; không chỉ học bài, làm bài mà đòi hỏi học sinh phải tự đọc, tìm hiểu bài trước khi đến lớp.
Học sinh không thực hiện giáo viên phải liên hệ với phụ huynh hoặc đến tận nhà học sinh để tìm hiểu nguyên nhân và từ đó phối hợp với phụ huynh để tạo điều kiện tốt cho học sinh tự học ở nhà.
Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp để nắm chắc việc thực hiện chương trình, chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.
* Thầy Nguyễn Sỹ Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên: 6 bài học quan trọng
Từ thực tiễn triển khai ở địa phương, chúng tôi rút ra được những bài học quan trọng để thực hiện Chương trình SEQAP được thành công.
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình các cấp, sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng vào các hoạt động của Chương trình.
Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy học cả ngày FDS nhằm tạo sự đồng thuận ủng hộ về vật chất, tinh thần của chính quyền các cấp, cha mẹ học sinh và nhân dân, đồng thời phối kết hợp tốt với nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của Chương trình.
Hai là, phải coi trọng công tác lập kế hoạch FDS, kế hoạch được xây dụng trên cơ sở đánh giá phân tích thực trạng về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của nhà trường; có sự tham gia của chính quyền địa phương và được các cấp quản lý phê duyệt; các giải pháp thực hiện kế hoạch cần chi tiết, khả thi.
Xây dựng Chương trình, thời khóa biểu các tiết tăng, tổ chức các hoạt động tập thể, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sinh hoạt câu lạc bộ,… cần sát với đối tượng học sinh, đảm bảo không quá tải và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, góp phần tạo hứng thú, tích cực học tập và tham gia các hoạt động khác của học sinh.
Thứ ba, tổ chức tốt các hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn theo Modunle, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình SEQAP trong và ngoài nhà trường để giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động theo mục tiêu của Chương trình SEQAP.
Thứ tư, thực hiện nguồn kinh phí cung cấp từ Chương trình dân chủ, công khai, minh bạch: Công khai các khoản kinh phí được cấp và nguồn khác; công khai tiêu chuẩn xét chọn học sinh được ăn trưa, học sinh được hỗ trợ khẩn cấp, học sinh có thành tích được khen thưởng … trên bảng tin nhà trường. Thực hiện thu, chi đúng theo các văn bản hướng dẫn tài chính của nhà nước.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác bán trú cho học sinh: Ngoài các chính sách của nhà nước, của tỉnh các trường cần tăng cường sự đóng góp của cha mẹ học sinh bằng vật chất, bằng ngày công lao động để tổ chức ăn trưa cho tất cả học sinh trong các ngày học cả ngày.
Thứ sáu, từ cấp Sở GD&ĐT cho đến cấp phòng, ban giám hiệu các trường tiểu học phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của Chương trình trong những năm qua tại các đơn vị để kịp thời rút kinh nghiệm trong quản lý chỉ đạo nhằm đảm bảo tính bền vững khi Chương trình kết thúc.