Việc lộ thông tin khách đi máy bay đã diễn ra từ lâu, song bất chấp việc cơ quan thanh tra, công an vào cuộc, tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên, công khai, thách thức pháp luật.
Hốt hoảng vì bị taxi nắm trọn lịch trình
Vừa trở về từ chuyến du lịch Nha Trang, chị Phan Thị Mỹ Nhân (nhà trên đường Nguyên Hồng, Hà Nội) cho biết, chuyến đi đáng lẽ hoàn hảo nếu không có chuyện liên tiếp nhận cả chục tin nhắn từ số lạ mời đặt xe.
“Trước khi đi một ngày, rất nhiều người đã nhắn tin cho tôi. Nội dung không gì khác ngoài việc mời đặt xe đi sân bay Nội Bài. Chưa hết, vừa hạ cánh xuống Cam Ranh, bật điện thoại lên, tin nhắn đầu tiên mà tôi nhận được là tin mời đặt xe về thành phố.
Nhìn thấy những tin nhắn này, phản ứng đầu tiên của tôi là hơi hốt hoảng, tại sao họ biết tôi và còn nắm rõ lịch trình bay của tôi”, chị Nhân nói.
Khoản 2, Điều 64, Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Cùng một “hoàn cảnh”, anh Nguyễn Văn Tuệ (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) cho hay, anh thường xuyên phải đi công tác bằng máy bay.
Công ty đặt vé cho anh bay rất nhiều hãng. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đi là anh nhận được loạt tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ taxi. Thậm chí, có lần anh nhận được cả tin nhắn của các khách sạn nơi đến mời đặt phòng.
“Tôi thấy vô cùng khó chịu. Các hãng hàng không đều cam kết bảo mật thông tin của chúng tôi. Nhưng cứ đặt vé đi đâu là có taxi ở đó mời chào. Nhiều bạn bè của tôi cũng chịu cảnh tương tự. Chuyện lộ, lọt thông tin khách hàng không phải bây giờ mới nói. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, song sao bấy lâu nay, đâu vẫn hoàn đấy?”, anh Tuệ bức xúc.
Câu hỏi mà anh Tuệ đặt ra cũng là câu hỏi chung của nhiều khách đi máy bay khác.
Khi đặt vé máy bay, có một số thông tin chính của hành khách được các hãng hàng không yêu cầu cung cấp bao gồm: Họ và tên, số điện thoại, email, giới tính, tuổi... Các thông tin cá nhân này được lưu giữ trên hệ thống đặt giữ chỗ của hãng hàng không và được sử dụng để phục vụ hành khách trong quá trình vận chuyển hàng không từ lúc đi cho tới lúc kết thúc hành trình.
Từ khoảng những năm 2013 đến nay, thông tin hành khách đi tàu bay đã bị lộ ra ngoài. Một số hãng taxi đã sử dụng để chào mời hành khách sử dụng tại một số cảng hàng không có khoảng cách xa thành phố như: Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương.
Có dấu hiệu coi thường pháp luật
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia công nghệ thông tin cho hay, việc lộ thông tin hành khách (danh sách cả chuyến bay kèm theo số điện thoại và các thông tin liên lạc khác) có thể xảy ra tất cả các hãng hàng không thông qua 2 loại chương trình phần mềm chủ yếu gồm: Phần mềm đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé của hãng và một số chương trình tự phát triển được kết nối với hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ để phục vụ các mục đích quản lý của hãng.
Các đối tượng được phép tiếp xúc với hệ thống này là những người được đánh giá là “có nguy cơ cao” liên quan đến việc làm lộ, lọt thông tin, bao gồm nhân viên công nghệ thông tin liên quan trực tiếp đến việc quản trị hệ thống, chương trình phần mềm đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé hành khách; nhân viên phòng vé, nhân viên của các đơn vị phục vụ mặt đất…
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288, BLHS 2015. Theo đó, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phía Cục Hàng không VN cho hay, cơ quan này đã từng tổ chức thanh tra về vấn đề này. Cơ quan công an cũng đã được mời vào cuộc.
Đáng nói, việc này không hề dừng, ngay cả khi công an đang điều tra, thanh tra đang thanh tra. Điều này cho thấy mức độ tinh vi trong phương pháp lấy thông tin và sự trắng trợn, coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm.
Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, từ cuối năm 2014, cơ quan này đã chủ động mời công an vào điều tra và phát hiện một số cá nhân, đại lý lấy thông tin khách hàng.
“Các trường hợp trên đều bị buộc thôi việc và cắt hợp đồng ngay lập tức, không có chuyện bao che, dung túng. Chúng tôi lấy thông tin khách hàng để phục vụ khách hàng tốt hơn. Tuyệt đối không để các đối tượng xấu truy cập và làm ảnh hưởng đến khách hàng của mình”, vị này thông tin.
Được biết hiện tại, Vietnam Airlines vẫn đang tiếp tục mời cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý tình trạng trên. Thư khiếu nại của hành khách, số điện thoại của khách và các số điện thoại của tổng đài, lái xe dịch vụ đã gọi điện, nhắn tin chào mời khách sẽ được chuyển qua cơ quan công an.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ ký hợp tác với cơ quan công an để có thể điều tra, xử lý thường xuyên, liên tục, lâu dài vấn đề này”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Đại diện Vietjet cũng cam kết thường xuyên phối hợp với Cục Hàng không VN, các cơ quan chức năng... nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp để đảm bảo tuân thủ các qui định về bảo mật thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin của khách hàng trong phạm vi hệ thống khai thác và cung cấp dịch vụ do hãng kiểm soát.
Điều đó cho thấy, bản thân các hãng hàng không cũng không mong muốn việc thông tin khách hàng bị lộ, lọt. Cục Hàng không VN cũng đã nhiều lần vào cuộc thanh tra, làm rõ vấn đề. Cơ quan công an nhiều lần được mời vào điều tra xử lý.
Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng có văn bản giao Bộ Công an chủ trì xác minh các vụ việc khai thác, sử dụng trái pháp luật thông tin về nhân thân hành khách đi máy bay.
Tuy nhiên, rõ ràng tình trạng lộ lọt thông tin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi các đối tượng xấu chưa bị xử lý nghiêm, rất dễ xảy ra tình trạng nhờn luật và khách đi máy bay sẽ vẫn là người chịu thiệt.