'Nhức mắt' nhà siêu mỏng ở dự án đường trăm tỷ tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua, TP Hà Nội quyết tâm xóa bỏ, xử lý những trường hợp nhà đất không đủ điều kiện quy định về xây dựng.

Dọc hai bên tuyến đường dài 1,9km với vốn đầu tư 500 tỷ đồng xuất hiện nhiều căn nhà hình tam giác.
Dọc hai bên tuyến đường dài 1,9km với vốn đầu tư 500 tỷ đồng xuất hiện nhiều căn nhà hình tam giác.

Sau 4 năm khởi công xây dựng, tuyến đường dài 1,9km với vốn đầu tư 500 tỷ đồng trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) kết nối đường nội đô Tam Trinh với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang dần hoàn thiện. Đây cũng là lúc những công trình “siêu mỏng” xuất hiện cùng với tuyến đường.

Nhà méo mó bên đường

Thời gian qua, TP Hà Nội quyết tâm xóa bỏ, xử lý những trường hợp nhà đất không đủ điều kiện quy định về xây dựng. Tuy nhiên cứ sau mỗi tuyến đường giao thông được mở ra thì lại xuất hiện những công trình nhà đơn lẻ với hình thù kỳ dị bên đường.

Chiều 28/3, ghi nhận tại Dự án Tuyến đường nối tiếp đường phía Đông khu hành chính quận Hoàng Mai đến đường Tam Trinh (đoạn từ Đồng Tầu đến đường Tam Trinh) chứng kiến nhiều công trình siêu mỏng ở đây. Nhiều thửa đất sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, tuy không đủ diện tích để xây dựng, nhưng chủ nhà vẫn tận dụng để cải tạo, sửa chữa.

Cụ thể, hàng loạt công trình cải tạo, xây dựng dọc hai bên đường của dự án đã hoàn thành với hình thù khác nhau. Nhiều diện tích căn nhà chỉ dưới 20m2, có kích thước như những “dải khăn đỏ”.

Trong đó, có công trình chỉ còn dính một ít trên mặt đất cũng được chủ đất xây lên và mở chuồng cọp trông xấu xí, mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà như bị cắt thành hình tam giác được xây dựng cải tạo và có thể mở cửa hàng kinh doanh.

Dự án Tuyến đường nối tiếp đường phía Đông khu hành chính quận Hoàng Mai (Hà Nội) đến đường Tam Trinh (đoạn từ Đồng Tầu đến đường Tam Trinh) có chiều dài 1,9km, mặt cắt ngang 30m, vỉa hè mỗi bên 7,5m.

Dự án do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư được phê duyệt vào năm 2018, bắt đầu khởi công xây dựng năm 2019. Dự án có mức đầu tư 500 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng dành cho xây lắp, số còn lại chủ yếu dành cho công tác đến bù giải phóng mặt bằng.

Đến nay, qua 4 năm triển khai tuyến đường đang được hoàn thiện. Sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ kết nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3. Tuyến đường được kỳ vọng góp phần giải quyết áp lực giao thông từ các tỉnh thành phía Nam tiếp cận cửa ngõ Thủ đô và ngược lại.

Căn nhà siêu mỏng ở ngách 42/197 Thịnh Liệt tại dự án.

Căn nhà siêu mỏng ở ngách 42/197 Thịnh Liệt tại dự án.

Cần sự quyết liệt từ chính quyền

Trước thực trạng nhiều công trình có biểu hiện siêu mỏng, siêu méo tại dự án trên, ông Bùi Thanh Nhã, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, quận có báo cáo thành phố về hướng xử lý diện tích đất nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng của hộ dân hai bên đường.

Theo ông Nhã, qua thống kê hiện có 15 trường hợp sau khi cắt xén đất để phục vụ giải phóng mặt bằng mở đường hiện không đủ diện tích để xây dựng. “Quận Hoàng Mai đã gửi thông báo về Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Theo đó, ô nhỏ nhất là hơn 1m2, ô nhiều nhất là 23m2...”, ông Bùi Thanh Nhã thông tin.

Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cũng cho biết, trên thực tế các hộ dân có diện tích nhỏ như vậy là từ hiện trạng cũ sau giải phóng mặt bằng, không phát sinh xây dựng mới.

“Trong số 15 trường hợp có diện tích đất nhỏ trên, có một số trường hợp là anh em trong gia đình đã thống nhất hợp khối để xây dựng...”, ông Bùi Thanh Nhã nói. Đối với trường hợp diện tích đất là 23m2 và 17m2, theo ý kiến của Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai là báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để có thể cho cải tạo chỉnh trang và cao không quá 4,5m.

“Đối với các trường hợp còn lại phải hợp khối để đủ điều kiện xây dựng. Trường hợp không hợp khối được thì có thể quận phải lập một dự án khác để quản lý, chỉnh trang đô thị...”, ông Bùi Thanh Nhã thông tin thêm.

Trước phản ánh nhiều trường hợp diện tích không đủ điều kiện để xây dựng nhưng đã hoàn thiện nhà “siêu mỏng, siêu méo”, đại diện Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, sau khi bị cắt xén giải phóng mặt bằng người dân chỉnh trang, cải tạo để bảo vệ những tài sản còn lại vì trước phương án thu hồi đã là nhà và đang sinh hoạt bình thường.

“Các hộ dân nằm trong chỉ giới 30m của dự án đường phải thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định, diện tích còn lại là sở hữu của người dân...”, đại diện Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai thông tin thêm.

Liên quan đến dự án trên, Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai đã thông báo tới UBND phường Thịnh Liệt để thống kê toàn bộ những trường hợp sau khi cắt xén không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, cấp giấy phép xây dựng để báo cáo với thành phố.

“Tuyên truyền vận động để hợp khối xây dựng trong một thời gian (có thể 30 - 45 ngày). Trường hợp không hợp khối được thì quận Hoàng Mai báo cáo thành phố có thể lập dự án mới để thu hồi.

Với 15 trường hợp trên chỉ còn khoảng hơn 100m2 tổng diện tích, quy trình lập dự án mới có thể làm vườn hoa, cây ATM, quảng cáo... thì mới có thể giải tỏa và thu hồi của người dân…”, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai chia sẻ.

Loay hoay trước thực trạng diện tích nhà sau giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng, anh Phan Trọng K. cho hay, quy trình hợp khối rất phức tạp, phải được hai nhà đồng ý.

Trước câu hỏi liên quan đến việc sau khi hợp khối, liệu hình dáng căn nhà có được chỉnh sửa thành một khối thống nhất với căn liền kề hay vẫn giữ nguyên hiện trạng siêu mỏng, siêu méo, đại diện Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, người dân phải chấp hành nghiêm túc và hợp tác với chính quyền địa phương để đảm bảo xây dựng phù hợp cảnh quan đô thị.

Trao đổi với báo chí, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai khẳng định: Dự án được xây dựng hướng tới mục tiêu hoàn thiện các đồ án được thành phố phê duyệt, phát triển về hạ tầng giao thông, đáp ứng được áp lực giao thông từ các tỉnh thành phía Nam tiếp cận Thủ đô. Việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ