Sự việc khiến giao thông trên tuyến đường bị ách tắc. Nhiều người bức xúc đã quát tháo, dùng tay đập vào cửa kính xe, nhưng nữ tài xế vẫn tiếp tục nhấn ga. Khi có xe máy chặn đầu đuôi chiếc ôtô, nữ tài xế mới chịu dừng lại.
Chuyện văn hóa giao thông của người Việt nói hoài chẳng hết, nó là một trong vô vàn những hệ quả nảy sinh do lỗ hổng từ văn hóa nền tảng có gốc gác từ tư duy tiểu nông. Là sự manh mún, lặt vặt, láu cá, tư lợi, bất chấp, lý sự cùn, hung hăng, hèn nhát, hiếu kỳ…và phần nào đó là sự vô cảm.
Ra đường, đến nơi công cộng ai cũng tỏ ra mình bận rộn khẩn thiết hơn thiên hạ, ai cũng cho mình cần đến sau, đi trước người khác nhưng hãy nhìn vào quán nhậu, cà phê bất cứ giờ giấc nào cũng đông ngồn ngộn, la cà cả buổi.
Người viết bài này thường xuyên bay nội địa bằng vé Eco (phổ thông) nên cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều vị khách thuộc tầng lớp bình dân, chứng kiến những chuyện chướng tai gai mắt. Xếp hàng "check in" thì chen chúc, thụi sau lưng người khác, lúc ra máy bay cũng nhốn nháo cốt làm sao đi trước người khác càng nhiều càng tốt!
Lên máy bay, mặc dù tiếp viên đã thông báo tắt hết các thiết bị điện tử khi cất và hạ cánh, nhưng không hiểu sao chẳng ai mảy may để ý. Cũng có những nam thanh nữ tú, có lẽ là sinh viên và người có học thức thản nhiên lôi điện thoại ra "tự sướng". Rồi thì tranh nhau khoang hành lý, cãi vã í ới om sòm, nói chuyện điện thoại thì oang oang như kiểu đây là chuyên cơ của riêng mình.
Máy bay đáp xuống chưa dừng hẳn nhưng tất cả đứng dậy rào rào mở khoang hành lý tranh thủ chen lấn ra càng gần cửa càng tốt…!
Có lần đi chuyến bay gặp cô tiếp viên trưởng là người nước ngoài, sau một hồi sắp xếp và giữ trật tự đến toát mồ hôi thấy cô ta nhìn đám khách hung hăng, hiếu kỳ và lắc đầu nguầy nguậy mà cảm thấy xấu hổ vô cùng. Cách đây mấy hôm, một sự việc xảy ra trên chuyến bay VN7259 hành trình Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, hai hành khách đã lao vào đánh nhau vì… tranh giành chổ ngồi!
Đi máy bay còn đỡ, xe khách thực sự mới thấy hết ý thức công cộng của người Việt ta như thế nào. Nhưng chiếc xe bus hai tầng bên ngoài sang trọng là thế, nhưng bước lên trên mới thấy cảnh nhồi nhét mỗi dịp cao điểm. Ngồi trong xe ăn đủ thứ quà vặt và sẵn sàng mở cửa quăng ra ngoài bất cứ thứ gì không còn cần thiết, kể cả túi nôn, chai nhựa!
Đến các bến xe, bến tàu đập vào mắt là cảnh tượng nhếch nhác, xe cộ lộn xộn, đủ thứ rác lăn lóc giữa nền. Nhân viên bán vé thì cộc lốc kiểu bất cần, mua không mua thì thôi! Bảo vệ bến xe thì hung hăng sẵn sàng văng tục vào khách hàng khi có thể. Đủ các loại cò mồi, lừa đảo, xin đểu, "chặt chém", tranh giành khách bát nháo... luôn phải cảnh giác giữ cho chặt điện thoại, tiền bạc mỗi khi lách qua chổ đông người. Có cảm giác ở chốn này chẳng thể tin một ai!
Một con đường trung tâm Quận 1 – Tp Hồ Chí Minh, giờ cao điểm lòng đường chật chội, xuất hiện từng đoàn xe hai bánh lượn rất dẻo trên vỉa hè bẻ qua bẻ lại tránh những gốc cây, vỉa hè cũng tắc nốt và người ta lại dùng đến những ấm thanh inh ỏi từ chiếc còi.
Cách đây chưa lâu, một video được ghi tại Nhật Bản phát tán trên mạng, khi thấy xe bus chở học sinh qua đường tất cả các loại xe lớn bé, kể cả xe máy đều dừng lại như gặp phải đèn đỏ, chờ đến khi chiếc xe chở học sinh qua đường an toàn thì các phương tiện mới lưu thông trở lại.
Bên cạnh những hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì không ít những hành động đẹp, có văn hóa cần được nêu gương như tinh thần dũng cảm của người lái tàu hỏa đã ghì phanh cho đến phút chót và bị thương nặng để cứu hàng trăm hành khách trên tàu. Hay như hành động của anh Phan Văn Bắc, tài xế xe tải dũng cảm cứu xe khách có dấu hiệu mất phanh đang đổ đèo Bảo Lộc…
Văn hóa giao thông kém cỏi chỉ là hệ lụy của cái gốc văn hóa nền tảng bị mất. Muốn có văn hóa giao thông cần phải có con người văn hóa trước đã. Xây dựng văn hóa giao thông không có gì lớn lao mà chúng ta hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, có thể là dừng lại khi gặp đèn đỏ, chậm lại một chút để nhường đường cho người khác, nói với nhau những lời dễ nghe khi lỡ va chạm…