Nhu cầu tuyển dụng ngành IT: Chuyên môn cần đi cùng kỹ năng

GD&TĐ - Ngành công nghệ thông tin (IT) có nhu cầu tuyển dụng lớn đang mở ra cơ hội việc làm.

Sinh viên ngành IT cần kết hợp giữa kiến thức, lý thuyết với kỹ năng thực tiễn để đáp ứng nhu cầu cho nhà tuyển dụng.
Sinh viên ngành IT cần kết hợp giữa kiến thức, lý thuyết với kỹ năng thực tiễn để đáp ứng nhu cầu cho nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, để nâng tính hiệu quả thì việc đào tạo chuyên môn gắn với kỹ năng, thực tiễn là mục tiêu cần thiết.

Nhu cầu tuyển dụng cao, đãi ngộ tốt

Theo báo cáo của TopDev (đơn vị kết nối tuyển dụng CNTT hàng đầu tại Việt Nam), nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao đang gia tăng mạnh với các chế độ thu hút nhân tài như: Mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ tốt nhằm thu hút và giữ chân nhân sự có trình độ chuyên môn cao.

Mức lương trung bình cho lập trình viên năm 2024 dao động từ 1.000 - 3.000 USD/tháng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm. TopDev phân tích, các vị trí chuyên môn như kỹ sư AI (trí tuệ nhân tạo) và chuyên gia an ninh mạng thường có mức lương cao là do nhu cầu tuyển dụng lớn, trong khi đó tình trạng nhân lực trong các lĩnh vực này khá khan hiếm.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) là kỹ sư IT hiện đang làm việc cho một công ty công nghệ hoạt động về bảo mật ngân hàng chia sẻ: “Mức lương một kỹ sư nhận được có thể lên tới hơn 5000 USD/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực này rất khó, đòi hỏi nhiều yếu tố, bước đầu không chỉ cần bằng cấp, trình độ mà đòi hỏi thực tiễn, kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực”.

Thống kê tại khu vực TPHCM cho thấy, có đến hơn 55% lượng nhân sự toàn ngành IT hiện đang làm việc tại các dự án lớn, trong các công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam cũng như nước ngoài. Tiếp đến là khu vực Hà Nội và Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng…

Sự phát triển của các lĩnh vực như AI, Big Data (dữ liệu lớn), điện toán đám mây và an ninh mạng đang tạo nhiều cơ hội việc làm phong phú. Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm kiếm lập trình viên, kỹ sư mạng, chuyên gia an ninh mạng và các vị trí khác có liên quan đến công nghệ thông tin.

Theo thống kê hàng năm, số lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin còn thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 người. Hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 100 trường đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành công nghệ thông tin, hằng năm có khoảng 50.000 - 70.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nguồn cung này chưa thể đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Những doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực IT thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như lập trình viên, designer và quản lý sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những ai muốn thử sức trong môi trường năng động và sáng tạo.

“Trong tương lai, dự báo ngành IT tiếp tục phát triển. Đây là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm qua. Sự đầu tư ngày càng mạnh vào Việt Nam từ các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ mang lại làn gió mới cho ngành IT trong những năm sắp tới”, bà Trương Quỳnh Như, đại diện TopDev nhận định.

nhu-cau-tuyen-dung-nganh-it-2-5544.jpg
Nhu cầu tuyển dụng ngành IT đang mở ra cơ hội việc làm cho giới trẻ.

Đào tạo kỹ năng gắn với thực tiễn

Theo số liệu từ Bộ TT&TT cho thấy, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 500.000 lao động công nghệ để bù đắp nhu cầu cho thị trường đang thiếu.

Lao động ngành IT mặc dù khá khan hiếm, tuy nhiên nhà tuyển dụng không thể tuyển nhân sự một cách ồ ạt hay chỉ căn cứ vào tiêu chí về bằng cấp. Bởi đây là một ngành đặc thù.

Theo Th.S Lê Văn Hùng, làm việc tại Công ty TNHH phát triển phần mềm Toshiba (Việt Nam) hiện nay, doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những ứng viên có bằng cấp hàn lâm mà còn chú trọng đến kỹ năng thực tiễn và khả năng làm việc nhóm.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học chuyên ngành nhưng chưa đủ kỹ năng và kiến thức thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại của đơn vị.

Từ thực tế này, nhà tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp bắt buộc phải chú trọng hơn đến việc triển khai các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho nhân sự. Đồng thời họ phải chạy đua trong việc đưa ra các chính sách để thu hút, giữ chân nhân tài.

Cũng theo Th.S Hùng, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT đều phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nội bộ, chuyên sâu hơn cho nhân sự của công ty mình để phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) cho rằng: Các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, tập trung xây dựng những phòng thí nghiệm, đào tạo thêm kiến thức cho kỹ sư vừa ra trường thì mới có thể đáp ứng tốt chất lượng nhân sự để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ