Năm 2003, khi Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới thì người dân xã Sơn Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) bắt đầu có thêm công ăn việc làm nhờ việc chèo thuyền đưa du khách tham quan Động Phong Nha và Tiên Sơn. Thay vì họ phải sống dựa vào ruộng đồng, rừng rú thì nhiều gia đình dọc sông Son đã mạnh dạn đầu tư đóng thuyền phục vụ du khách.
Trong chuyến công tác cùng đoàn công tác của Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tại huyện Bố Trạch, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những nổ lực của huyện Bố Trạch trong chủ trương tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Việc đầu tư xây dựng các chương trình dự án để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỷ năng chuyên môn, nghề nghiệp, khả năng hội nhập quốc tế và phát huy vài trò xung kích, tỉnh nguyện của thanh niên vì cộng đồng và sự phát triển của đất nước…
Cho thời điểm này, khi Phong Nha – Kẻ Bàng được biết đến trên toàn thế giới, lượng khách đổ về ở đây ngày một đông hơn đòi hỏi dịch vụ được mở rộng. Với việc nhiều đơn vị, công ty du lịch chú ý đến và đầu tư nhiều mô hình du lịch – dịch vụ dẫn đến nhu cầu lực lượng lao động tăng cao. Từ đó nhiều người dân của khu vực Phong Nha có thêm công ăn việc làm ổn định, giải quyết được một lực lượng lớn lao động là thanh niên và người dân địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: Một trong những đơn vị nổi bật trong việc thu hút lực lượng lao động trẻ mở ra con đường mưu sinh cho lực lượng lao động thanh niên đó là công ty Chua Me Đất (Oxalis) khi đơn vị này bắt đầu khai thác những tua du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang Sơn Đoòng.
Để phục vụ những tour du lịch thám hiểm dài ngày cần một lực lượng lớn thanh niên đảm bảo sức khoẻ, chuyên nghiệp để phục vụ (đội ngũ Porter).Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đã chủ động tuyển dụng đội ngũ Porter này là lực lượng thanh niên địa phương sau đó đào tạo trở thành những người chuyên nghiệp phục vụ các tour du lịch mạo hiểm cho công ty. Mỗi tháng họ có thu nhập ổn định từ 10-12 triệu đồng đảm bảo phục vụ cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.
Tại Phong Nha – Kẻ Bàng có rất nhiều đơn vị thực hiện các tour du lịch mạo hiểm cũng đã và đang cần một lực lượng lớn lao động được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và có khả năng nói tiếng anh để phục vụ những tour du lịch này. Nhiều hộ gia đình cũng đang chuyển dịch sang việc tổ chức mô hình du lịch nhỏ như homestay và bán các mặt hàng dịch vụ.
Để hỗ trợ người dân và lực lượng lao động trẻ, huyện Bố Trạch cũng đã tổ chức những lớp tiếng Anh "bồi" để giúp người dân có thể giao tiếp được với du khách quốc tế. Tuy nhiên cần có những mô hình đào tạo nghề bài bản, chuyên nghiệp hơn cho lực lượng lao động này để họ có thể phục vụ du lịch một cách tốt nhất - ông Hồng chia sẻ.
Hiện nay kinh phí dành riêng cho công tác thanh niên tại huyện Bố Trạch còn nhiều hạn chế do vậy những chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên thực sự chưa có điều kiện phát huy hiệu quả.
Thanh niên chưa tiếp cận với nhiều nguồn vốn hỗ trợ để mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh do vậy cần có sự quan tâm hơn nữa đối với việc đào tạo nghề, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân để giải quyết việc làm cho thanh niên từ trung ương đến địa phương…