Nhộn nhịp sứ mệnh Mặt trăng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các cường quốc chinh phục không gian như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đang triển khai các sứ mệnh Mặt trăng của riêng mình.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Các cường quốc chinh phục không gian như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đang triển khai các sứ mệnh Mặt trăng của riêng mình, trong đó Nga và Ấn Độ đang có tàu tiếp cận hành tinh này vào cùng thời điểm.

Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) dự kiến sẽ cho hạ cánh tàu đổ bộ Mặt trăng mang tên Chandrayaan-3 xuống phần cực Nam của hành tinh vào ngày 23/8 nếu không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra. Ấn Độ đang đặt nhiều kỳ vọng vào sứ mệnh này nhằm khẳng định vị thế của một cường quốc trong cuộc đua chinh phục không gian.

Tàu Chandrayaan-3 được Ấn Độ phóng đi từ ngày 14/7 tại Trạm không gian Satish Shawan ở bang Andra Pradesh và điểm đến là cực Nam của Mặt trăng vào ngày 23/8. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định con tàu mang theo cuộc phiêu lưu không gian mới của đất nước Ấn Độ cũng như hoài bão của người dân nước này.

Khu vực tàu Ấn Độ hướng tới ở cực Nam Mặt trăng có nước đóng băng được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy, nhiên liệu và nước cho các sứ mệnh chinh phục hành tinh này trong tương lai. Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 cao khoảng 2m và có khối lượng chỉ hơn 1.700 kg, tương đương với một chiếc xe SUV.

Tàu của Ấn Độ được thiết kế để triển khai một tàu tự hành thám hiểm Mặt trăng nhỏ hơn, nặng 26 kg. Sau khi hạ cánh thành công, sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong vòng 2 tuần để tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học, như phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt trăng.

Nếu tàu Ấn Độ hạ cánh thành công thì nước này sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có thiết bị đổ bộ Mặt trăng, sau Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc. Năm 2019, Ấn Độ từng thất bại trong sứ mệnh của tàu Chandrayaan-2 do tàu đổ bộ và xe tự hành bị phá hủy khi đang cố gắng hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng.

Cùng thời điểm với tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ, Nga cũng đang thực hiện sứ mệnh chinh phục Mặt trăng của tàu Luna-25. Ngày 11/8 vừa qua, tên lửa Soyuz 2.1 mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny, đánh dấu sứ mệnh đầu tiên tới Mặt trăng trong lịch sử nước Nga hiện đại kể từ năm 1976.

Tuy nhiên, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos xác nhận nỗ lực hạ cánh của tàu Luna-25 xuống cực Nam Mặt trăng đã thất bại hôm 21/8, do tàu đâm sầm xuống bề mặt hành tinh này. Bất chấp thất bại, Nga cho biết đã ghi nhận được nhiều kinh nghiệm quý giá khi triển khai sứ mệnh Luna-25 để chuẩn bị tốt cho các sứ mệnh khác trong tương lai.

Hồi tháng 4/2023, Công ty startup lĩnh vực vũ trụ của Nhật Bản là Ispace cũng gặp thất bại khi đưa tàu đáp xuống Mặt trăng. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cũng đang có kế hoạch thực hiện các cuộc đổ bộ của con người lên Mặt trăng sớm nhất vào năm 2025 trong một sứ mệnh có 3 giai đoạn mang tên Artemis.

Sau khi sứ mệnh Artemis I thành công, một chuyến bay của phi hành đoàn Artemis II quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất có thể sẽ được Mỹ tiến hành sớm nhất là vào năm 2024. Sau đó sẽ là chuyến hạ cánh đầu tiên trên Mặt trăng của các phi hành gia cùng với sứ mệnh Artemis III.

Hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cũng hé lộ kế hoạch đưa người lên Mặt trăng trước năm 2030. Đây là một phần của dự án lớn của Trung Quốc thiết lập một trạm nghiên cứu cố định trên Mặt trăng. Những động thái này cho thấy sự nhộn nhịp trong các sứ mệnh chinh phục Mặt trăng đang được các nước đồng loạt tiến hành hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.