Nhiều đời nay, người dân thôn Tràng Cát thuộc xã Kim An, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã gắn bó với nghề trồng lá dong. Có lẽ chưa ở đâu sắc xanh của lá dong lại trở thành biểu tượng thiêng liêng trong đời sống cộng đồng đến vậy.
Mà kể cũng lạ, dù nằm ở vị trí “cửa ngõ Thủ đô” nhưng suốt bao nhiêu năm nay Tràng Cát vẫn giữ được nhịp sống khoan thai, nhè nhẹ.
Ai ai cũng gắn bó với vườn dong, khóm lá. Thế nên người ta mới bảo, Tràng Cát không lộng lẫy bởi những ngôi nhà đồ sộ cầu kỳ, cũng không có cảnh người xe hối hả nhưng vẫn nên thơ và sinh động bởi tầng tầng, lớp lớp lá dong mọc san sát hai bên đường làng.
Lá dong mọc san sát hai bên đường làng. |
Trong câu chuyện của những vị cao niên, cách đây khoảng 600 năm, ở thôn Nga Mi Hạ xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai có bà Đàm Sứ, thấy Tràng Cát là vùng đất tốt tươi nên đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, rồi trồng cây lá dong.
Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ biến lá dong thành loại cây trồng chính để bán ra thị trường.
Bất kể mọi ngóc ngách, mọi con đường khung cảnh Tràng Cát đều hiện lên lung linh, kỳ ảo. Hòa quyện trong sắc xanh ngọc thạch bóng bẩy của cây dong, là mái ngói rêu phong, của những ngôi nhà 3 gian đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ; Là màu nón lá tinh khôi của các mẹ, các chị mỗi buổi sáng ra vườn. Tưởng như đó chính là "linh hồn" giúp ngôi làng này “để nhớ để thương” trong lòng những người có dịp dừng chân tại nơi đây.
Lá dong “phần hồn” của những chiếc bánh chưng ngày Tết. |
Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, được theo chân người Tràng Cát thu hoạch từng khóm lá và hít hà mùi hương ngan ngát của nhựa dong… mới cảm nhận hết được sự tinh túy, làm nên “phần hồn” của những chiếc bánh chưng ngày Tết.
Ở Tràng Cát có đến hơn 300 hộ trồng lá dong, nhà ít thì một vài sào, nhà nhiều thì lên tới vài hec-ta, loại cây này cũng dễ trồng và không khó chăm sóc. Chỉ cần ươm một lần là chăm bón và thu hoạch vài năm.
Cây ưa bóng râm nên người dân còn tận dụng trồng xen với chuối và các loại cây ăn quả.
Những bó lá đợi xe ô tô tới chuyển đi. |
Lá dong Tràng Cát được bán quanh năm cho các nhà hàng gói bánh dày, làm giò, gói quà… Tuy nhiên, lá để gói bánh chưng Tết luôn được chăm sóc cẩn thận nhất.
Hàng tháng người Tràng Cát lại đi dọn chân lá một lần, đến tầm tháng 9 là ngưng cắt, chăm thúc cây cho lá to và đẹp. Không khí nhộn nhịp “ăn lá dong, ngủ lá dong” sẽ bắt đầu từ rằm tháng chạp cho đến tận ngày 30. Bởi vậy mà trẻ con trong làng không đếm ngày đếm tháng để đợi Tết, mà chỉ nhìn trong vườn khi nào hết lá dong thì tức là xuân sắp sang.
Khoảng 17, 18 tháng Chạp là cao điểm của vụ thu hoạch. Xe ô tô về lấy lá chuyển chở đi các nơi chật kín đường làng. Người dân cắt lá, phân loại, xếp lá thành từng bó đến 11, 12 giờ đêm. Năm nay thời tiết mưa ẩm nên lá dong lên đều và đẹp hơn.
Người Tràng Cát cẩn thận sắp xếp từng tấm lá dong. |
Cẩn thận xếp lá thành từng bó, cô Thanh kể: “Đặc trưng của lá dong Tràng Cát lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng.
Với chiều dài khoảng 50cm-60cm, chiều rộng 25cm-35cm lá dong nơi đây được nhiều vùng ưa chuộng lắm! Không ít người muốn đem giống về trồng ở các vùng lân cận nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở Tràng Cát”.
Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ngày nay, lá dong nơi đây không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất ngoại để phục vụ bà con người Việt ở nước ngoài.
Lá dong "xuất ngoại". |
Chú Trường bảo: "Lá dong mà bán ra nước ngoài thì phải được chuẩn bị kĩ càng, lá phải được cắt dài cuống, bó thật chặt, không nhúng qua nước mới tươi lâu và bền được".
Nhờ cây dong mà cuộc sống của người Tràng Cát cũng sung túc, ổn định hơn. Với 2 sào lá, sau khi trừ chi phí thì những hộ như nhà chú Trường cũng có hơn mười triệu đồng để lo toan cho ngày Tết.
Cùng với cây cam cây bưởi, người dân nơi đây luôn bám đất, gắn bó với cây dong, tiếp tục gìn giữ và phát triển làng.
Không những thế, ở đây lá dong còn là “linh hồn” của người Tràng Cát qua nhiều thế hệ, là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì ý nghĩa đó, người dân Tràng Cát vẫn luôn hy vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, xuân về.