Theo Business Insider, thông báo được gửi đêm 21/12 từ tài khoản “Bí mật của Jihad”, một nhóm ủng hộ IS trên mạng xã hội Telegram. Thành viên “Abu Marya al-Iraq” gửi tin nhắn bằng tiếng Arab kêu gọi “cuộc tắm máu người Kito giáo trong dịp Giáng sinh và năm mới”.
Ngoài ra, tin nhắn còn công bố kế hoạch tận dụng mạng lưới những kẻ tấn công “con sói đơn độc” để biến Giáng sinh và năm mới của người Kito giáo thành “bộ phim kinh dị đẫm máu”. Kẻ phát thông báo còn cung cấp hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các loại vũ khí, vật liệu nổ cho mục đích tấn công.
Trong bài đăng khác trong nhóm “Bí mật của Jihad”, một thành viên triệu tập “những đứa con của Thiên Chúa” tấn công các nhà thờ, khách sạn nổi tiếng, quán cafe đông người, đường phố, chợ và những khu vực công cộng. Thành viên này còn chia sẻ danh sách các địa điểm tấn công ở Mỹ, Canada, Pháp và Hà Lan.
IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Berlin khiến 12 người chết, 48 người bị thương. Tổ chức này nói rằng kẻ tấn công là một “người lính của IS”, những người theo lệnh của tổ chức để tấn công các quốc gia liên minh.
Cảnh sát Đức tuần tra chợ Giáng sinh sau vụ tấn công ngày 19/12. Ảnh: Reuters
Nghi phạm được xác định là Anis Amri, 20 tuổi, người Tunisia thuộc phong trào Salafi liên kết thánh chiến ở Tunisia và Đức. Trước đây, IS thường sử dụng Twitter và một số mạng xã hội khác nhưng đang chuyển sang sử dụng Telegram.
Đây là ứng dụng nhắn tin có trụ sở tại Berlin, Đức, cho phép người dùng nhắn tin được mã hóa giữa các thành viên. Telegram trở thành công cụ hữu ích cho các chiến binh thánh chiến, trong khi gây khó khăn cho nhà trức trách trong việc truy tìm các tín đồ khủng bố trên mạng xã hội.
Theo Vocativ, Telegram không cấm đăng các nội dung mang tính bạo lực và không có tính năng cho phép người dùng cảnh báo nội dung không phù hợp. Ngoài ra, mạng xã hội này có tính bảo mật tài khoản cá nhân rất cao.
Nhóm hacker lừng danh Anonymous từng đánh sập hàng nghìn tài khoản liên quan đến IS trên Twitter và các diễn đàn trực tuyến nhưng không hiệu quả trên Telegram. Pavel Durova, người sáng lập Telegram cho biết, có một số lý do để phát triển Telegram với mục đích hình thành phương tiện truyền thông mà các cơ quan an ninh Nga không thể truy cập.
Durova, người được cho là thường xuyên phê bình chính phủ Nga đã trốn khỏi nước này. Ông ta phát triển Telegram với tính bảo mật cao nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan an ninh Nga. Mạng xã hội này vì thế cũng gây khó khăn cho cơ quan an ninh các nước khác trong việc tiếp cận các tài khoản có liên quan đến khủng bố.