Nhóm trưởng theo mô hình VNEN: Bí quyết “chọn mặt gửi vàng”

GD&TĐ - Trong các lớp học theo Mô hình Trường học mới (VNEN), chức danh nhóm trưởng có vai trò rất quan trọng vì thay vai trò của giáo viên điều hành tất cả các hoạt động của nhóm. 

Nhóm trưởng theo mô hình VNEN: Bí quyết “chọn mặt gửi vàng”

Theo thầy Nguyễn Hồng Sơn - Chuyên viên phụ trách chuyên môn cấp tiểu học (Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), để các nhóm trưởng có thể điều hành hoạt động trong nhóm hiệu quả, giáo viên cần thực hiện tốt việc lựa chọn nhóm trưởng, dành thời gian bồi dưỡng khi HS được nhận vị trí này, đồng thời, phải có cách luân phiên vai trò nhóm trưởng một cách phù hợp.

Lựa chọn nhóm trưởng theo năng lực thực tế của HS

Với việc lựa chọn nhóm trưởng, thầy Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, giáo viên thực hiện ngay từ đầu năm học. Những HS được lựa chọn làm nhóm trưởng thường do giáo viên chỉ định và giới thiệu, nhất là đối với HS lớp 2.

Đối với HS lớp 3, 4, 5 các em có thể tự bầu nhóm trưởng trên cơ sở định hướng của giáo viên. Khi lựa chọn nhóm trưởng cần phải căn cứ vào năng lực thực tế của mỗi HS. Tuy nhiên, các thành viên nên luân phiên nhau nắm giữ vai trò nhóm trưởng, bởi vì thay đổi nhóm trưởng nghĩa là thay đổi phong cách quản lý nhóm sẽ tạo nên hứng thú mới cho thành viên.

Giáo viên nên lựa chọn thời gian và địa điểm để tổ chức bồi dưỡng cho các nhóm trưởng, tốt nhất là trong 2 tuần đầu của tháng 8. Giáo viên dành một khoảng thời gian thoả đáng để đến từng nhóm hướng dẫn các em thao tác điều khiển hoạt động.

Cần lưu ý các em bám sát logo hướng dẫn và 10 bước học tập của HS. Đối với mỗi bài học hay hoạt động, căn cứ vào logo hướng dẫn mà nhóm trưởng phân công hoạt động cá nhân, cặp hay cả nhóm. Giáo viên cũng cần lưu ý đặc trưng của Mô hình VNEN là hoạt động nhóm nên cá nhân cũng trong nhóm và cặp trong nhóm nên mọi hoạt động phải qua sự điều hành của nhóm trưởng.

Để tất cả HS đều có khả năng điều hành nhóm, để nhóm trưởng phát huy vai trò, hiệu quả, giáo viên phải có kế hoạch bồi dưỡng nhóm trưởng thường xuyên, liên tục và giúp đỡ các em còn lúng túng. Những tháng đầu năm học, hướng cho các em lựa chọn những HS khá giỏi, sau chuyển dần vai trò nhóm trưởng sang những HS trung bình, đến cuối năm học, có thể khuyến khích một vài em HS yếu làm nhóm trưởng.

Có như vậy mới kích thích sự ganh đua, tạo môi trường học tập công bằng, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo cho tất cả các thành viên trong nhóm, trong lớp.

Tổ chức hiệu quả bộ máy lớp học VNEN

Theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, mỗi lớp học đều có ban quản lí lớp học. Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hội đồng tự quản của trường, của lớp… do HS trong lớp bầu, thông qua một kì tranh cử và bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong lớp còn tổ chức thành các tiểu ban như: Tiểu ban Thông tin, tiểu ban về Trật tự, tiểu ban về Văn hóa, Thể dục - Thể thao… Mỗi tiểu ban đều có kế hoạch hoạt động phù hợp với công việc. Ban quản lí lớp là cầu nối giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng.

Việc tổ chức Ban quản lí lớp nhằm xây dựng ý thức tự quản lớp học cho HS, giúp HS giảm bớt vất vả về quản lí lớp, nhất là khi lớp có nhiều nhóm với các trình độ khác nhau, hoặc quản lí HS bán trú, nội trú.

Qua tổ chức ban quản lí lớp, HS học được bài học đầu tiên về dân chủ, về trách nhiệm công dân, tăng cường tính đoàn kết, tinh thần đồng đội, sự hợp tác...

Trên cơ sở phát triển tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng, giáo viên tổ chức cho HS tự đánh giá bản thân, như: Mỗi HS tự điểm danh hàng ngày, tự đánh giá kết quả bài làm của mình (qua nhiều hình thức thích hợp, trong đó có Phiếu tự đánh giá kết quả học tập), không quay cóp, gian lận trong kiểm tra…

Việc tự quản của HS cũng góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, xây dựng tư cách công dân cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ