Nhóm thanh niên cướp 8 con gà ở Gia Lai đối diện với mức án nào?

GD&TĐ - Ngày 23/6, Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khởi khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 thanh niên về hành vi Cướp tài sản.

Các đối tượng tại cơ quan công an.
Các đối tượng tại cơ quan công an.

Nhóm người bị khởi tố gồm: Kpuih Tương (25 tuổi), Kpuih Thoan (15 tuổi, cùng trú tại làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, H.Đức Cơ); Siu Si Mít (17 tuổi), Rơ Châm Thuin (18 tuổi, cùng trú tại làng Chan, xã Ia Pnôn); Rơ Mah Tương (20 tuổi, trú tại làng Sung Kép, xã Ia Kla).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h30 ngày 13/6, sau khi ăn nhậu cùng nhau, Tương rủ đồng bọn cầm theo hung khí gồm nhiều dao, gậy, gạch đến nhà anh Đỗ Văn Q. tại (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) để trộm gà.

Khi nhóm đối tượng này tiếp cận đến khu vực nhốt gà của gia đình anh Q. thì phát ra tiếng động khiến vợ chồng anh Q. thức dậy và phát hiện có nhiều đối tượng đang có ý định trộm cắp.

Bị lộ, nhóm đối tượng cùng đồng bọn dùng dao, gậy đe dọa chủ không được báo công an, nếu không sẽ chém chết cả nhà.

Sau đó, các đối tượng đã vào chuồng bắt 8 con gà với tổng trọng lượng khoảng 23 kg rồi bỏ đi.

Ngày 14/6, Công an H.Đức Cơ đã tiến hành bắt giữ Tương. Tại đây, Tương đã khai nhận sau khi cướp được 8 con gà đã đến một bãi đất trống rồi thịt toàn bộ số gà trên để nướng ăn.

Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ các đối tượng còn lại trong nhóm cướp 8 con gà này.

Liên quan đến vụ việc trên trao đổi với GD&TĐ, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

"Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã chuẩn bị phương tiện nguy hiểm (dao, gậy,...) đe dọa chủ nhà để chiếm đoạt 8 con gà đã cấu thành tội cướp tài sản.Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015. Nếu bị Tòa án kết tội, các nghi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù"

Cũng theo luật sư Thơm: Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự đã hướng dẫn "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Về công cụ, dụng cụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

Trong vụ án này, có đối tượng phạm tội đang ở lứa tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) và có đối tượng là vị thành niên (từ 16 đến dưới 18 tuổi).

Căn cứ Điều 101 BLHS quy định về tù có thời hạn, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

"Đây là bài học cảnh tỉnh về sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các thanh niên dân tộc thiểu số. Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật đã có hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác...", LS Nguyễn Anh Thơm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ