Nhớ thầy giáo - họa sĩ Trương Bé

GD&TĐ - Trương Bé là họa sĩ lớn của Huế và Việt Nam, là người thầy truyền nhiệt huyết, niềm tin cho nghệ sĩ trẻ.

Từ trái qua: Họa sĩ Trương Bé, nhà giáo Võ Thị Quỳnh, nhà văn Võ Mạnh Lập, nhà văn Nguyễn Quang Hà tại triển lãm tranh ở Huế. Ảnh: NVCC.
Từ trái qua: Họa sĩ Trương Bé, nhà giáo Võ Thị Quỳnh, nhà văn Võ Mạnh Lập, nhà văn Nguyễn Quang Hà tại triển lãm tranh ở Huế. Ảnh: NVCC.

Không hiểu Quảng Trị - xứ sở được xem là cằn khô sỏi đá nhất của miền Trung và cả nước - với gió quốc tế thổi triền miên, với nắng cháy gay gắt, với mưa lạnh kinh hoàng, có là nơi ươm mầm cho các họa sĩ, nghệ sĩ canh cánh nỗi lòng muốn nói cùng trời đất chăng?

Tôi đã rất quý một thầy giáo, họa sĩ trẻ Võ Xuân Huy, người từng tổ chức triển lãm nghệ thuật sắp đặt độc đáo, làm rung động trái tim bao khách du lãm gần xa, có tên rất triết học: “Xuống đất gặp trời” tại địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh. Giờ em ấy đã đi xa, có lẽ đã gặp trời xanh nơi quê nhà.

Với Trương Bé, người quê Vĩnh Linh, ít tuổi hơn tôi (sinh năm 1942), nên khi kết bạn, gọi tôi bằng anh; tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1974, học sau đại học ở Học viện Mỹ thuật Budapest, Hungary (1983 - 1986).

Từ 1988 đến 2000, anh là Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế; vì là bạn khá thân của tôi, nên tôi cứ lặng lẽ dõi theo “đường bay” của tranh bạn.

Họa sĩ Trương Bé.

Họa sĩ Trương Bé.

Từ 1994 đến 2009, Trương Bé còn giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam, khóa 4; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 4, 5, 6; thành viên Hội đồng nghệ thuật Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 5, 6… Dù làm gì, anh vẫn khẳng định mình là họa sĩ, luôn tận hiến cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Nhất là lúc chọn đưa hội họa trừu tượng vào sơn mài truyền thống Việt: “Ông đã đến với hội họa trừu tượng từ khá sớm, khi mà nhiều người vẫn còn e ngại với phong cách này, và đã thành công trong việc đưa hội họa trừu tượng lên sơn mài truyền thống Việt Nam” (Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Họa sĩ Trương Bé từng tâm tình: “Mỗi con người là một thực thể độc lập của vụ trũ nên khi thả hồn vào những khoảng mênh mông của trời đất, tôi như tìm được chính mình và nơi đó tình yêu nghệ thuật của tôi thăng hoa”.

Cuộc chơi này của Trương Bé, từ ban đầu là những bức tranh cỡ nhỏ và vừa khá quen thuộc, càng về sau, họa sĩ có xu hướng vẽ trên những bức tranh khổ cực lớn (có bức cỡ 244 x 615 cm), với những chủ đề vượt không gian - thời gian hiện hữu, hướng đến trời đất mênh mang với: “Thiên - Địa - Nhân”, “Nhịp điệu vũ trụ”, “Nhịp điệu vật chất”, “Chòm sao Bạch Dương”, “Tinh vân”, “Tiếng vọng từ vũ trụ”, “Cột bụi vũ trụ”, “Những đường cong huyền bí”, “Càn khôn”, “Vòng luân chuyển”, “Hỗn độn và hài hòa”…

Tác phẩm 'Thiên hà', sơn mài, 2018 của họa sĩ Trương Bé. Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ cung cấp.

Tác phẩm 'Thiên hà', sơn mài, 2018 của họa sĩ Trương Bé. Ảnh tư liệu gia đình họa sĩ cung cấp.

Ngày 12/9/2019 khai mạc cuộc triển lãm cá nhân “Nhịp điệu Vũ trụ” của họa sĩ Trương Bé tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, với 50 tranh sơn dầu và sơn mài khá hoành tráng, được giới chuyên môn đánh giá cao, tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng phương Nam và thị trường nồng nhiệt chào đón.

Trước triển lãm, Trương Bé phải trải qua một ca đại phẫu (do bệnh cũ tái phát), còn rất mệt mỏi, nhưng đã gọi điện báo cho tôi rằng: “Bé phải cố gắng bay vào TP Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc, vì quỹ thời gian dường như sắp hết, có lẽ đây là cuộc rong chơi nghệ thuật cuối cùng…”.

Nếu không có vấn đề về sức khỏe, tôi cũng đã vù vào trong ấy vui cùng Trương Bé. Đồng cảm với nỗ lực sống, tìm cách lướt qua bệnh tật, sáng tạo đến giây phút cuối cùng, tôi càng yêu quý Trương Bé và những bức tranh hơn 50 năm qua, đặc biệt trong những ngày tháng cuối, họa sĩ để lại cho đời.

Tác phẩm 'Ảo diệu', tranh sơn mài, 2012 của họa sĩ Trương Bé (sưu tập của Đỗ Hoài Nam, San Francisco, Mỹ).

Tác phẩm 'Ảo diệu', tranh sơn mài, 2012 của họa sĩ Trương Bé (sưu tập của Đỗ Hoài Nam, San Francisco, Mỹ).

Rất nhiều người trân trọng và yêu quý họa sĩ: “Trương Bé là một họa sĩ đỉnh cao khi đã kết hợp được chất liệu sơn mài dân tộc trong suốt cuộc hành trình của đời nghệ sĩ, với trình độ bậc thầy trong lĩnh vực hội họa trừu tượng ở Việt Nam… mà ông là một trong những nhà tiên phong đã nhất quán với con đường ông lựa chọn.

Tôi đã luôn mê say trước những tác phẩm của vị họa sĩ lão thành, dù là khi ngồi uống rượu tại nhà riêng của ông trong một ngày mưa ở Huế, hay tại những cuộc triển lãm mà tranh ông luôn làm không gian bừng sáng. Khi nhập tâm trước mỗi tác phẩm của Trương Bé, dù trong kích thước một bức tranh giá vẽ hay cả một tác phẩm hoành tráng, tôi luôn cảm thấy nhịp tim thay đổi một cách ngoài ý thức.

Và kinh nghiệm thưởng lãm cho thấy tác phẩm đang đánh thức những giác quan xuyên qua nhận thức của lý trí thông thường. Tôi rất trân trọng cảm xúc đó, vì nó là thứ ta không thể tìm thấy trong đời sống hàng ngày” (Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)…

Vì vậy khi nghe tin dữ: Họa sĩ Trương Bé, một tên tuổi lớn của làng mỹ thuật Việt Nam và Huế vừa qua đời rất nhiều bài báo trên các tờ báo, nhiều người đã ngưỡng mộ và thương tiếc vô cùng một cây cọ vẽ độc sáng đang độ chín đẹp, một tài năng truyền sức sống mới cho tranh sơn mài: “Họa sĩ Trương Bé là tấm gương lớn về sức làm việc không mệt mỏi, sáng tạo đến giờ phút cuối cùng.

Đến những năm cuối đời, ông vẫn có nhiều triển lãm tạo được tiếng vang lớn, để lại cho cuộc đời kho tác phẩm đồ sộ. Ông là họa sĩ lớn của Huế và Việt Nam, là người thầy truyền nhiệt huyết, niềm tin cho nghệ sĩ trẻ.

Nghệ thuật của ông để lại ấn tượng mạnh mẽ. Dù là họa sĩ lớn tuổi, lại sử dụng chất liệu truyền thống nhưng tranh của ông rất đương đại. Ông ra đi là một mất mát lớn”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, viết…

Lúc còn sống, họa sĩ Trương Bé đã tâm niệm: “Tôi là nghệ sĩ, tôi cảm nhận rồi thì việc tiếp theo là biểu hiện. Phải biểu hiện để chia sẻ đến với người xem, để họ cùng cảm nhận... Tôi nhìn trời đất, vũ trụ với sự vận hành theo quy luật huyền bí, bất biến. Từ đó, tôi phản ánh, sáng tạo, tái tạo cái mình cảm nhận được bằng ngôn ngữ hội họa trừu tượng”.

Giờ họa sĩ đã phiêu bồng trong cõi bất tử đầy sắc màu biến hóa (gam chủ đạo: Trắng, đen, đỏ, vàng, sắc độ trầm tích bàng bạc nhiều màu tự nhiên) của những tác phẩm ông vẽ.

“Từ hiện thực sang trừu tượng, với Trương Bé, là cái không hình, không giới hạn, để mình gửi gắm những ý tưởng đến nhân gian nhiều nhất. Những vệt màu vung lên một cách mạnh mẽ để tạo những mảng lớn hay những nét thả lỏng hững hờ dường như mất hút vào nền vải, những mảng màu khô quánh cào xước lên mặt tranh hay dịu dàng nhẹ trôi êm ả.

Cảm xúc trong tranh Trương Bé có khi mạnh mẽ bạo liệt nhưng cũng có khi trầm tĩnh duy lý đến từng phân vuông. Nó luôn biến, sự biến hóa của hình, của màu tạo nên cái động, là cái cốt lõi trong tác phẩm của anh”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung - Tây Nguyên đánh giá.

“Hội họa Trương Bé đi từ hiện thực đến trừu tượng như nước hóa thành mây rồi lặng lẽ rơi về chốn nhân gian những giọt hồn mát trong lành và tinh khiết. Ta gặp trong hội họa của ông những đường nét, sắc màu mạnh mẽ, va đập, có sức biểu cảm cuốn hút làm mê hoặc lòng người…”, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét…

Tác phẩm 'Chòm sao Bạch Dương', sơn mài, 2019 của họa sĩ Trương Bé.

Tác phẩm 'Chòm sao Bạch Dương', sơn mài, 2019 của họa sĩ Trương Bé.

Tác phẩm 'Càn khôn', sơn mài của họa sĩ Trương Bé (sưu tập Nguyễn Đức Thành, Hà Nội).

Tác phẩm 'Càn khôn', sơn mài của họa sĩ Trương Bé (sưu tập Nguyễn Đức Thành, Hà Nội).

Giờ những người ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và một số bộ sưu tập cá nhân của các nhà sưu tập trong, ngoài nước (Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…) hoặc ghé thăm nhà ông (số 27A Trần Văn Kỷ, phường Tây Lộc, TP Huế) sẽ được gặp ông qua tranh sơn dầu và sơn mài, trò chuyện lặng thầm cùng ông về “Trời - Đất - Con người”; về “Nhịp điệu Vũ trụ”, “Càn khôn”, “Cụm Thiên hà”; về “Nhịp điệu vật chất”, “Vũ trụ hạt”, “Sóng hạt”, “Cột bụi vũ trụ”, “Tiểu hành tinh”; về “Huyền bí”, “Cấu trúc xanh”, “Cây nhân sinh”; về “Mạch nguồn sự sống”...

Đã hơn hai năm, Trương Bé đi xa, nhưng: “Cái trác tuyệt của nghệ thuật hiện đại trên chất liệu truyền thống” (chữ của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành) mà họa sĩ Trương Bé gửi lại cho đời vẫn còn đây.

Tập sách “Họa sĩ Trương Bé - Cuộc đời và nghệ thuật” vẫn còn đây. Tha thiết mong trong tương lai gần, sẽ có tour du lịch “Thám hiểm Vũ trụ” không phải của các nhà thiên văn học, của các nhà vật lý học, của các nhà khoa học, mà là của một nghệ sĩ mang “Giấc mơ vũ trụ” vào trong tranh.

Với tour du lịch mộng mơ ấy, chúng ta sẽ có một cuộc hội ngộ những quan sát về thiên văn, chúng ta sẽ gặp: Trương Bé - một họa sĩ Việt Nam đầy tài năng và “một Trương Bé của quốc tế, trong phạm trù sơn mài và trừu tượng” (Nhà báo Trần Vĩnh Thịnh).

Khởi điểm sẽ là miền quê Quảng Trị nơi nghệ sĩ Trương Bé được sinh ra, lớn lên, học tập và yêu thương; đến Huế là nơi ông gắn bó, hoạt động giáo dục và nghệ thuật - trung tâm kết nối - để đi nhiều nơi ông từng trải nghiệm và triển lãm… Hy vọng đây là tour du lịch vào vũ trụ vi diệu đầy hấp dẫn dành cho mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.