Tất cả các gia đình, các dòng họ trong làng đều rất quan tâm đến việc học của con em mình. Nhờ vậy, con em trong làng có nhiều người đỗ đạt cao và thành đạt trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề.
Đêm nào cũng vậy, đúng 7 giờ tối là tiếng kẻng học bài lại vang lên khắp xóm. Ngày trước lũ trẻ chúng tôi ít ai tự học một mình tại nhà mà chủ yếu là học theo tổ, theo nhóm. Mỗi tổ, nhóm từ 4 - 6 học sinh. Tổ trưởng được thầy cô chọn lựa rất kỹ càng dựa trên thành tích học tập và phẩm chất đạo đức. Các thầy cô trong làng như cô Thảo, cô Hồng, thầy Vịnh… luôn chủ động thu xếp việc gia đình mình để đêm đến lại đi bộ tận từng tổ để đôn đốc, động viên, hướng dẫn, phụ đạo các em học bài. Em nào học kém thì được tổ trưởng và các thầy cô “ưu tiên” chỉ dạy nhiều hơn để sớm theo kịp bạn bè cùng lớp.
Vào mùa thu hoạch lúa, nhiều lúc thầy cô đến nhà học sinh dạy giúp; gặp lúc phụ huynh và học sinh đang bận trục lúa thì thầy cô lại vui vẻ cầm nạng (loại nạng làm bằng cành tre, dài khoảng 3 - 4 mét, đầu nạng có chạng đôi để xỏ vào chiếc trục) để đẩy trục cùng học sinh. Trục xong nhả lúa trời đã khuya, chân tay rũ rượi nhưng cô trò lại cùng nhau ngồi vào bàn cùng trao đổi bài vở cho những tiết học ngày mai.
Vui nhất, hấp dẫn nhất và đáng nhớ nhất là tham gia học tổ khi mùa Đông giá rét về. Ngày ấy nhà đứa nào cũng nghèo chẳng có chăn ấm đệm êm nên học xong là cả lũ lại rủ nhau lên chuồng trâu, chuồng bò để nằm ngủ. Thông thường các gia đình chất rất nhiều rơm dự trữ lên trên chuồng trâu phòng khi mưa dầm gió bấc kéo về, không thể dắt trâu đi chăn thả ngoài đồng. Được vùi mình trong đống rơm khô sao ấm đến lạ. Tuy nhiên, nhiều chuồng trâu có vài ba ổ gà đẻ thì con mát từ gà sẽ bò vào người vừa xót vừa ngứa. Không có mùng mền, muỗi bay vò vò xung quanh nhưng đứa nào đứa nấy đều ngon giấc ngủ.
Một kỷ niệm không thể nào quên được của những tháng năm học trò trong thời bao cấp ở quê tôi, đó là ngay sau buổi khai giảng năm học mới, tất cả học sinh các lớp từ cấp 1 đến cấp 2 đều mang theo khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, những chiếc trống nho nhỏ, xinh xinh do Chi đoàn nhà trường cấp, rồng rắn đi bộ khắp các trục đường liên thôn trong xã để cổ vũ tinh thần hiếu học và thể hiện quyết tâm học tập. Các thầy cô chủ nhiệm là người dẫn đầu các đoàn nên khí thế bước vào năm học càng cao.
Bây giờ cuộc sống của người dân quê tôi đã có nhiều đổi khác. Nhiều gia đình đã có của ăn của để nhờ có con em đi xuất khẩu lao động, buôn bán… Nhưng mỗi lần về thăm quê sao tôi thấy có gì đấy buồn buồn và lo lo khi tinh thần hiếu học của con em trong làng không còn được như thuở “cơ hàn” nữa. Tiếng kẻng học bài đêm đêm cũng chẳng còn mà nó đã trở thành kỷ niệm. Ước gì tiếng kẻng học bài lại thúc giục mỗi đêm.