Hằng năm, mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ cuối tháng 8 cho đến đầu tháng 12. Hồng có xuất xứ từ Nhật Bản và được coi là một loại đặc sản của xứ sở Phù Tang.
Hồng được ghi nhận có mặt trên đĩa trái cây ngày Tết tại Trung Quốc và Nhật từ hơn 1.000 năm trước, xuất hiện tại châu Âu từ đầu thế kỷ thứ 19. Cây hồng có thể cao hơn 15m và sống từ 100 - 150 năm, vì thế trồng một vườn hồng coi như có thể thu hoạch trọn đời.
Hành trình lên Đà Lạt vào mùa này, lạc lối vào những vườn hồng du khách sẽ được tận hưởng đầy đủ dư vị của hương thơm trái ngọt.
Nếu đi Nha Trang, vượt qua đèo Khánh Lê, qua khu vực xã Long Lanh là thấy những “cửa hàng dã chiến” bán hồng. Đó là các quầy dựng lên bằng gỗ tạm, bày từng túi hồng 5 kg. Lý do họ chọn những túi nhựa để “ủ” hồng, giúp cho trái hồng khi chín ăn giòn và ngon.
Mùa hồng năm ngoái, giá một túi hồng 5 kg dao động chừng 50 - 60 nghìn đồng, còn nếu mua hồng lựa theo ý mình thì có giá 20 - 30 nghìn đồng. Con đường từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt khi đến Ngã ba Phi Nôm các hàng quán cũng đã bày bán hồng, thậm chí ngay những góc đường thông trên đèo Prenn, những người bán hồng nằm kiên trì đợi khách.
Hồng giòn màu xanh, hồng dẻo màu đỏ hoặc vàng. Sắc màu ấy luôn hấp dẫn du khách khi đến Đà Lạt. Ngay tại chợ Đà Lạt, những người bán hàng bày bán với sắc màu đầy hấp dẫn, và trong cuộc hành trình sẽ không thể nào không mua một chút dư vị cao nguyên về làm quà.
Trên con đường lãng du, khi dừng chân ở Cầu Đất, du khách sẽ gặp những thung lũng vào mùa hồng chín. Khi đó cây đã rụng hết lá, chỉ còn những trái hồng với màu đỏ rất đẹp lôi cuốn mọi ánh mắt và ống kính của lữ khách…
Và cũng ở Cầu Đất, một địa danh là Vườn hồng nhà Tom vào những ngày rộn ràng du khách, là điểm tham quan có sức hấp dẫn kỳ lạ. Ở đây, cả nghìn cây hồng vào mùa trái chín đỏ, cứ dựa theo con dốc thấp cao, đã đủ làm nao lòng người.
Đà Lạt đang vào mùa hồng chín như đang mời gọi du khách trở lại sau thời gian giãn cách.